Hải sản vỉa hè lên ngôi ở Hà Nội

Kinh tếThứ Bảy, 13/11/2010 06:41:00 +07:00

(VTC News) – Từ món ăn vương giả và đắt đỏ như tôm hùm, ghẹ tươi, tu hài cho tới món bình dân như ốc, ngao đều có mặt tại... vỉa hè.

(VTC News) – Từ món ăn vương giả và đắt đỏ như tôm hùm, ghẹ tươi, tu hài cho tới món bình dân như ốc, ngao đều có mặt tại các vỉa hè ở Hà Nội. Với giá cả phải chăng, địa điểm tiện lợi và phục vụ ngày càng chuyên nghiệp nên hải sản vìa hè ngày càng đắt khách, đặc biệt là khi tiết trời trở lạnh.


Địa chỉ của những người sành ăn


“Rủ nhau đi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai”

Lời ru Bắc bộ nhắc nhở tới một Hà Nội xưa nhỏ nhắn với những tên hàng ở Hà Nội. Trải qua nhiều đổi thay của lịch sử, Hà Nội 36 phố phường đã khác xưa. Cầu Gỗ trước đây nổi tiếng với hàng chè tươi cuối phố thì nay đã trở thành phố hải sản vỉa hè nức tiếng của Hà thành.

Con phố từng mang cái tên rất tây là Rue Du Pont En Bois (Cầu Gỗ – tiếng Pháp) có đủ các món ăn Tây, Tàu và hải sản đủ món. Chị Tuyết Nga (quán Hải sản gần 57 Cầu Gỗ) cho biết, hàng của chị có đủ món từ ốc hương, bào ngư, ốc sư tử tới tu hài, hàu… với giá bán khoảng 15.000 – 30.000 đồng/đĩa (tùy loại), hàu sống 20.000 – 30.000 đồng/con, ghẹ xấp xỉ 280.000 đồng/kg. Hàng mở cửa lúc 5h chiều và bán tới tận đêm khuya.

Phố hải sản Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm)

Dọc phố Cầu Gỗ có hàng chục cửa hàng như của chị Nga lúc nào cũng đông kín người, khách hàng được phục vụ từ khâu gửi xe cho tới nước bưởi, sả để rửa tay khi ăn xong. Cách đây hơn 2 năm, phố này chủ yếu nổi tiếng với những quán café trên cao, giờ đây mọi người biết tới nhiều hơn với những món ăn mang đậm tính của biển.

“Ăn ở vỉa hè, mình được chọn luôn đồ chứ không như hải sản. Nhiều nhà hàng, khách sạn như Sen Hà Thành, My Way, Sing, Sheraton và Intercontinental, Rupy Plaza có hình thức buffet (ăn tự chọn)đồ ăn ngon, nhưng có những món lại không như mình muốn”, Hồ Hạnh (Trần Quốc Toản) cho biết thêm: “Ăn ở vỉa hè đi cùng bạn bè rất vui, nói cười thoải mái chứ không bị gò bó như ở những nơi sang trọng”.

Một quán ốc trên vỉa hè phố Tạ Hiện.

Thực khách vỉa hè cũng là người rất sành ăn, cầm con cua bế, gõ vỡ càng, rút thịt cho các bạn, Mai Dương (phố Trần Cung) kinh nghiệm: “Nếu ăn cua, ghẹ, mình phải yêu cầu chủ quán mang tới cua nguyên con, nếu người ta bẻ giúp mình thì mình sẽ không phân biệt được cua nào tươi, ăn nhầm cả những con đã chết lâu, vỏ dập trước đó mà không biết”.

Nếu như ở phố Cầu Gỗ, nhiều cửa hàng bán hải sản san sát nhau nên khi đi ăn, khách chỉ mặc định tới Cầu Gỗ là ăn hải sản, chứ chưa chắc đã nghĩ tới sẽ ăn quán nào, thì ở những con phố khác, có hàng hải sản được thực khách mặc định luôn tên phố thành tên quán.

Quán ốc Hàng Than chẳng hạn (những quán hải sản hay được gọi chung là… quán ốc). Quán này nằm vỉa hè dốc Hàng Than, gần giáp Yên Phụ. Chủ quán ở đây rất tâm đắc với món hàu sống, một món ăn được coi là vương giả trong thế giới hải sản với giá tầm 20.000 - 30.000 đồng/con: "Món này ăn sống là ngon nhất, tách vỏ hàu ra, dùng chanh vắt vào và trộn thêm mù tạt”, ăn hàu xong “một người khỏe, hai người vui” nên hàu rất tốt với những chàng trai đã lập gia đình. Lại có những nơi, người ta lấy đặc điểm của chủ quán để gọi tên quán, như quán ốc của cô câm nằm ở gần ngã ba giao giữa đường Trần Phú và Tống Duy Tân, quán toàn người câm phục vụ, khách hàng và chủ quán giao tiếp bằng kí hiệu nhưng vẫn hiểu nhau, ốc, ngao ở đây to, ngậy nên thường đông khách và thường xuyên góp phần gây… kẹt xe, tắc đường ở khu vực này.

Ghẹ tươi, tu hài và ốc nguyên liệu.

Nhiều chủ quán và thực khách đều thống nhất với nhau một... quan điểm: "Hải sản ngon, ăn nhau ở nước chấm chứ nguồn hàng thì hầu như có thể chọn được giống nhau". Mỗi cửa hàng đều có bí quyết riêng để pha được nước chấm ngon mang đặc trưng riêng, nếu là người sành hải sản nhất định sẽ phân biệt được điều này.

Ngoài những phố và quán hải sản “mới nổi”, những con phố từ xưa nức tiếng ốc ngon như phố Ngọc Khánh, Liễu Giai, Kim Liên, khu vực hồ Tây… vẫn giữ được phong độ vốn có khi muốn ăn ở đây đôi khi phải xếp hàng. Những quán như quán Cay (phố Trần Huy Liệu) đông khách quá, kéo theo luôn cả những hàng hải sản khác cũng tới đây thuê địa điểm mà lập quán và cũng rất đông. Những con phố khác cũng bắt đầu manh nha hình thức kinh doanh hải sản vỉa hè như phố Nghĩa Tân chẳng hạn.

Kinh doanh “đánh tỉa” hải sản

Cũng lấy vỉa hè làm điểm phục vụ, nhưng có thêm một hình thức nữa là bán hải sản trên những gánh hàng rong. Chị Hiền (một người bán ghẹ) ở khu vực Mã Mây, Tạ Hiện cho biết, khác với những quán hải sản, ghẹ chị bán vừa phải có ngay khi khách yêu cầu vừa phải nóng hổi nên chị phải cân đối lượng ghẹ bán ra hàng ngày để chế biến số lượng cho phù hợp. Một gánh hàng rong hải sản thường rất nặng vì phải gánh theo cả bếp than, nồi hấp… để đảm bảo cho ghẹ luôn nóng.

“Người Việt Nam ăn nhiều hơn Tây, nhưng ai mua thì cũng quý vì mình bán được hàng… giá cả thì người Việt hay Tây cũng vậy thôi, họ đều biết mặc cả”, chị Hiền nói thêm.

Ghẹ "thửa" bán rong ở khu phố cổ.

Ghẹ hàng rong còn được gọi là “ghẹ thửa” vì người bán phải lựa chọn kĩ càng ghẹ tươi để luộc. Ghẹ phải to, chắc và khi luộc chín cần có màu sắc đỏ gạch bắt mắt để khách hàng bị kích thích khi nhìn thấy, có thế họ mới mua được theo hình thức mua theo con, cân lên và chủ gánh hàng sẽ phục vụ thêm dĩa và nước chấm. Giá ghẹ đắt đỏ, nên chỉ khi nào bán hết, những người bán ghẹ rong mới dám quẩy gánh về nơi họ thuê trọ đa phần là những dãy nhà lụp xụp ven đê sông Hồng.

Hiện tại, chưa có hình thức giao bán hải sản tận nhà của những doanh nghiệp lớn, nên có một số người nắm bắt nhu cầu của khách hàng để mở hình thức “shopping online” hải sản, khách hàng có thể ngồi nhà lướt web, tuyển hàng và đặt lệnh là có hải sản để chế biến cho bữa cơm gia đình.

Chị Ngọc Trân (Ba Đình – Hà Nội) quê gốc ở Hải phòng, có nhiều mối hàng nên chị thường vào các web rao vặt để chào hàng hải sản. Bán với giá cả cạnh tranh, vận chuyển tận nơi nên rất đắt hàng, chị cho biết: “Khách của tôi toàn là mấy anh chị em trong cơ quan, các mẹ bây giờ hiện đại lắm, họ thích mua hàng theo SMS, gọi điện hoặc thậm chí là email để kiểm tra và đặt hàng. Tôi có bảo mấy cậu em nhớ chụp ảnh hải sản tại nơi gom hàng, để cho khách yên tâm mà chọn”.

Các món hàng mà chị Trân bán cũng rất phong phú, bao gồm: Bề bề, vẹm, ốc đỏ môi, cua gạch, giá loại rẻ nhất là sò mít (khoảng 35.000 đồng/kg) và đắt nhất là cua gạch (khoảng 300.000 đồng/kg).

Những món hải sản nổi tiếng giàu dinh dưỡng và sạch sẽ, cần thiết cho sức khỏe nên ngày càng được nhiều người ưa chuộng, quán vỉa hè và nhiều hình thức buôn bán “đánh tỉa” liên quan đến hải sản ngày càng nở rộ.

Hải sản là loại thực phẩm bổ  dưỡng, tuy nhiên lại vô  cùng “khó ăn” nếu không có  những hiểu biết đầy đủ. Có 3 điều nên tránh khi chế  biến và thưởng thức hải sản:

Không nên ăn cùng với những thực phẩm giàu vitamin C:

Những món  ăn chế biến từ hải sản giáp xác như tôm, cua, sò, ốc thường rất bổ dưỡng và tươi ngon. Tuy nhiên nó lại chứa hàm lượng lớn asen pentavenlent.

Bình thường những chất này không gây hại cho cơ thể, nhưng nếu  ăn kèm với lượng lớn thực phẩm giàu vitamin C thì  lại gây hại cho cơ thể.

Lúc này, asen pentavenlent sẽ chuyển hóa thành asen trioxide (dân gian thường gọi là thạch tín) gây ngộ độc thạch tín cấp tính, nếu nghiêm trọng có thể nguy hiểm  đến tính mạng.

Nên tránh ăn cùng với thực phẩm có tính hàn cao:


Những thực phẩm có tính hàn cao như: rau muống, dưa chuột, dưa hấu, lê, những đồ uống có gas, nước lạnh…

Hải sản vốn dĩ đã có sẵn tính hàn, do đó khi ăn tốt nhất nên tránh ăn kèm với những thực phẩm mang tính hàn khác (như đã nêu trên) để tránh gây cảm giác khó  chịu, đầy bụng, khó  tiêu.

Tránh dùng hải sản đồng thời với bia, rượu vang đỏ:

Nếu uống quá nhiều bia hay rượu vang đỏ trong khi ăn hải sản sẽ sản sinh ra nhiều axit uric gây khó chịu và  tạo cảm giác đau nhức các khớp xương.

Lượng axit uric dư thừa sẽ tích tụ tại các khớp xương hoặc các mô mềm từ đó dễ dàng mắc chứng gút, viêm khớp xương và mô mềm, vô cùng có  hại cho sức khỏe.

(Theo TP)                                                                        


Bài và ảnh:
Bảo Anh

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gialà bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.



Bình luận
vtcnews.vn