Hải quan ‘chỉ mặt’ loạt doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc nhưng ghi xuất xứ Việt Nam

Kinh tếThứ Sáu, 19/07/2019 17:37:00 +07:00

Nhiều doanh nghiệp nhập hàng từ Trung Quốc nhưng lại nghi nhãn xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước thứ ba.

Nội dung được ông Vũ Quang Toàn, Đội trưởng Điều tra chống buôn lậu, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết tại họp báo về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành Hải quan chiều 19/7.

Hai quan

 Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan nhận định tình hình gian lận xuất xứ đang diễn biến phức tạp. (Ảnh: H.H)

Theo đó, Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt Tiệp, 1.560 van bếp ga đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam.

Công ty TNHH XNK Trần Vượng, trong tờ khai hải quan có khai báo là loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh, hàng mới 100% có xuất xứ Trung Quốc, trị giá hàng hóa ghi trên theo khai là 10.217 USD tương đương 238 triệu đồng.

Tuy nhiên khi cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa thì phát hiện có 600 loa thùng kéo và 1.200 micro. Trên thùng carton và mocro có ghi tiếng Việt, nội dung loa NANOMAX, Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng (trụ sở tại TP.HCM) “Made in Việt Nam”. Như vậy, công ty đã khai báo sai về tên hàng, công suất, số lượng, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa.

Công ty TNHH MTV XNK Thành Quý và Công ty TNHH Thương mại Aeolus Henan, đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về, qua kiểm tra phát hiện 2.880 bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa Huy Hoàng, 287 dòng hàng không khai báo hải quan nghi vấn hàng giả nhãn mác.

Công ty TNHH H.T (đóng tại TP.HCM) khai báo nhập 6 container gạch ốp lát không tráng men, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Nhưng qua kiểm tra, cơ quan hải quan phát hiện trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ “Made in Viet Nam” nhãn hiệu ROYALGRESPORCELANTATO, sản xuất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Trong năm 2018, lực lượng hải quan kiểm tra, phát hiện 4 xe tải vận chuyển 1 lô hàng lớn từ biên giới phía bắc vào Việt Nam tiêu thụ, hàng hóa ước tính khoảng 100 tấn gồm quần  áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, điện gia dụng, toàn bộ hàng hóa đều có xuất xứ Trung Quốc, nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam, thậm chí có sản phẩm còn ghi rõ là sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội) với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao.

Hải quan cũng đang xác minh làm rõ nghi vấn việc đưa hơn 1 triệu tấn nhôm hình, có C/O Trung Quốc gửi hàng kho ngoại quan ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Cũng theo ông Toàn, trên cơ sở số liệu rà soát và thông tin nắm được về các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong việc sản xuất mặt hàng gỗ dán xuất khẩu, Cục Điều tra chống buôn lậu và các đơn vị liên quan lập kế hoạch, xác minh thông tin liên quan đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của 6 công ty có sản lượng gỗ sản xuất, xuất khẩu lớn, có dấu hiệu tăng đột biến.

Qua xác minh đối với 6 công ty và kết quả làm việc với các hộ dân, chính quyền một số địa phương cho thấy một số vấn đề nổi lên liên quan đến vi phạm trong việc doanh nghiệp lập hồ sơ xin cấp C/O.

Qua điều tra, một số doanh nghiệp nhập khẩu ván bóc, bán thành phẩm từ Trung Quốc về để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O.

Doanh nghiệp cũng sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp C/O là giả, mục đích hợp thức hồ sơ đầu vào để làm thủ tục xin Giấy chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam cho các lô hàng mà công ty sản xuất để bán cho Công ty khác xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu.

Đồng thời, sử dụng hóa đơn giá trị giá tăng mua keo, bột mỳ dùng cho nhiều tờ khai để làm hồ sơ xin cấp C/O mà tổng số lượng keo và bột mỳ trong các tờ khai vượt quá số lượng so với số lượng keo, bột mỳ trên hóa đơn GTGT đầu vào.

Thậm chí, tại một doanh nghiệp, một số hồ sơ xin cấp C/O cho các lô hàng xuất khẩu của công ty (do các công ty sản xuất cung cấp), có sử dụng các giấy tờ không hợp pháp, một số giấy tờ có dấu hiệu làm giả.

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, việc quy định về xuất xứ theo tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 6 số đối với một số trường hợp là tương đối lỏng lẻo. Cụ thể, đối với các mã hàng việc chuyển đổi mã số từ 4412.39 (nguyên liệu nhập khẩu) sang mã 4412.33/ 4412.34 chỉ cần qua công đoạn rất đơn giản. Đó là từ mã hàng 4412.39 (nhập khẩu) có thể ép chồng thêm ít nhất 01 lớp ván ép mã 4412.94 (nhập khẩu) hoặc sản phẩm có dán mặt bằng lớp ván bóc mã 4408.90/10 (nhập khẩu) hoặc dán lớp gỗ ván ép có nguồn gốc Việt Nam (không phải là gỗ thông hoặc cây lá kim) thì sản phẩm đầu ra sẽ được khai báo vào mã 4412.33/ 4412.34. Như vậy hàng hóa đã được xác định là xuất xứ Việt Nam vì đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã hàng hóa ở cấp 6 số.

Cục Điều tra chống buôn lậu vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ thêm tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật về C/O không trung thực, về dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ, về dấu hiệu chiếm đoạt thuế VAT ( nếu có).

6 doanh nghiệp bị “khoanh vùng”

- Công ty TNHH VT (TP.Hà Nội).

Qua xác minh, đây là công ty thương mại, năm 2018 đến hết tháng 3/2019, công ty đã xuất khẩu 27.051,73 m3, các mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán trị giá 405,67 tỷ đồng. Hiện công ty đã được hoàn thuế VAT 32,5.

- Công ty TNHH VM (tỉnh Hưng Yên)

Từ khi thành lập tháng 1/2018 đến 31/3/2019, công ty đã sản xuất và bán cho Công ty TNHH VT để xuất khẩu với số lượng 5.499,22m khối, trị giá 64 tỷ đồng (Trong đó lô hàng sản xuất từ ván bóc được nhập khẩu từ Trung Quốc, sản xuất ra thành phẩm bán cho Công ty TNHH VV 8.425 tấm, trị giá 3,3 tỷ đồng). Công ty trực tiếp xuất khẩu 79,9m khối gỗ ván ép, trị giá  935 triệu đồng.

- Công ty Cổ phần AA ( tỉnh Nam Định)

Từ khi thành lập tháng 6/2018, đến tháng 3/2019, công ty sản xuất và bán cho Công ty TNHH VT để xuất khẩu 5.709m3 để xuất khẩu trị giá hàng hóa 60,4 tỷ đồng.

- Công ty cổ phần GR ( tỉnh Lạng Sơn)

Công ty cổ phần Gr thành lập tháng 6/2018, tính đến tháng 3/2019, công ty đã sản xuất và bán cho Công ty TNHH VT 24.078m khối gỗ ván ép để xuất khẩu, trị giá 112,6 tỷ đồng.

- Công ty TNHH FN ( tỉnh Phú Thọ)

Công ty nhập khẩu nguyên liệu gỗ ván bóc/ván ép bán thành phẩm từ Trung Quốc 2.087m3 gỗ ván bóc từ cây gỗ phong trắng/gỗ bạch dương và 28.935m3 gỗ ván ép/ gỗ dán. Công ty xuất khẩu gỗ ván ép/ gỗ dán thành phẩm cho 07 đối tác với tổng lượng xuất khẩu là 15.542m3. Công ty đã được hoàn thuế VAT 12 tỷ đồng.

- Công ty TNHH Go (TP.Hà Nội)

Năm 2018, Công ty TNHH Go đã mở 80 tờ khai hải quan xuất khẩu 12.600m3. trị giá trên 120 tỷ đồng, tuy nhiên công ty không xin Giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O) cho các lô hàng xuất khẩu này, theo giải trình của Công ty là do đối tác mua hàng không yêu cầu cung cấp C/O.

Về nội dung này Cục Điều tra chống buôn lậu đã xác minh và đang chờ trả lời của Hải quan các nước đối tác nhập khẩu gỗ của công ty.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn