Hải Phòng đang 'vươn ra biển lớn'

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 24/01/2020 07:25:00 +07:00
(VTC News) -

Với hàng loạt cơ chế chính sách mang tính đột phá, Hải Phòng đang trên đà "vươn ra biển lớn", làm thay đổi toàn diện thành phố Cảng cửa ngõ phía Bắc.

Chính sách lớn thu hút đầu tư

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, Hải Phòng không chỉ là một cực tăng trưởng của miền Bắc, còn là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước, trung tâm giao thương, hội nhập kinh tế quốc tế.

Để giữ vững vị thế, tầm quan trọng của thành phố Hải Phòng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, lãnh đạo thành phố cùng với các sở, ban ngành có những điều chỉnh, đổi mới về chính sách thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Hải Phòng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng, từ năm 2013, Thành phố có Quyết định và năm 2019 tiếp tục điều chỉnh, ban hành Quyết định “Danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng”.

Hải Phòng đang 'vươn ra biển lớn' - 1

Nhà máy ô tô Vinfast thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài nước.

Theo quyết định, có 159 dự án thuộc 9 lĩnh vực được khuyến khích đầu tư gồm: Cơ khí – Luyện kim; Hóa chất – Cao su nhựa; Điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ cao; Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao; Thiết bị điện; Vật liệu xây dựng; Công nghiệp nhẹ; Công nghiệp tái chế, xử lý chất thải nguy hại, xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải; Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra còn có 17 dự án có điều kiện đầu tư, 20 dự án không chấp thuận đầu tư dự án. Đồng thời, Hải Phòng cũng quy định các địa điểm khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) khuyến khích đầu tư tương ứng với từng dự án.

Thành phố thực hiện có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nhà ở. Nổi bật là áp dụng cơ chế tự chủ với bệnh viện công, bước đầu phát huy hiệu quả như Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Bệnh viện Kiến An…; Thu hút đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục; Áp dụng hình thức đối tác công tư trong giải quyết vấn đề nhà ở…

Trong xã hội hóa, Hải Phòng nhất quán thực hiện với mức độ, cấp độ hợp lý, hài hòa để bảo đảm nguyên tắc mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, thành phố có tính đến việc định vị phân khúc cao cấp nhằm tạo sức hấp dẫn về hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao sức cạnh tranh.

Hạ tầng KCN được quan tâm đầu tư phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư thứ cấp, hiện thực hóa chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp tập trung vào các KCN, CCN, gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái.

Đến nay, Hải Phòng có 13 KCN với tổng diện tích hơn 6.551ha, trong đó có 9 KCN trong khu kinh tế (KKT) và 4 KCN ngoài KKT. Các doanh nghiệp công nghiệp trong các KCN, KKT đóng góp hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu thành phố.

Thành phố thông qua các quy hoạch, các Nghị quyết về hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Những điểm sáng đột phá của thành phố Cảng

Theo UBND TP Hải Phòng, năm 2019 vừa qua, nhiều chỉ tiêu kinh tế của Thành phố giữ mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, có 4 chỉ tiêu tăng trên 20% là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), thu ngân sách Nhà nước của thành phố, vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó còn có 5 chỉ tiêu tăng từ 10 đến 20% so với cùng kỳ. Đó là những cơ sở để Thành phố tiếp tục phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thành phố tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Geleximco, Công ty cổ phần Lavifood… Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 6/2019. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp lớn được triển khai tại khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp An Dương, khu vực đảo Cát Hải.

Kết cấu hạ tầng tiếp tục có những đột phá, hoàn thành nhiều công trình lớn đưa vào khai thác sử dụng. Đó là: Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT đưa vào khai thác tháng 12/2015; Dự án tuyến đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Gồm cả cầu Lạch Huyện) được khai thác tháng 5/2017; Đường nối thành phố Hạ Long - Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tháng 9/2018); Cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn cầu Quán Toan - Cầu Nghìn đưa vào sử dụng đầu năm 2018; Tuyến đường bao Đông Nam khu công nghiệp Đình Vũ kết nối trực tiếp với đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện.

Ngoài ra còn có các dự án nút giao thông khác như: Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Hồng Phong; Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ; Cầu vượt Nguyễn Văn Linh - Hồ Sen - Cầu Rào 2. Dự án cải tạo mở rộng tuyến đường trục qua khu công nghiệp Đình Vũ cũng được đưa vào khai thác từ tháng 5/2017; Tuyến đường 356 (2A); Cầu Đăng, cầu Hàn...

Hai bến thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện là cảng trung chuyển lớn nhất miền Bắc đã đưa vào khai thác; Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi sử dụng tháng 5/2016; Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường nối từ cầu Lạng Am đến cấu Nhân Mục, huyện Vĩnh Bảo; Dự án cầu Hoàng Văn Thụ qua sông Cấm sang khu hành chính chính trị thành phố mới được thông xe vào giữa tháng 10/2019.

Bên cạnh đó, dự án được đưa vào sử dụng thời gian qua ở Hải Phòng còn có Khách sạn 5 sao Vinpearl Imperia, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng, chỉnh trang lại sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc).

Một số công trình đang đẩy nhanh tiến độ triển khai là Tuyến đường trục đô thị từ Bắc Sơn - Nam Hải thuộc dự án phát triển giao thông đô thị dự kiến hoàn thành đầu năm 2020; Dự án cầu vượt nút giao thông Nam cầu Bính; Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng và 9km ở tỉnh Thái Bình đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT dự kiến hoàn thành năm 2020; Dự án cầu sông Hóa nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Thái Bình; Dự án cải tạo tuyến đường tỉnh 359 tại huyện Thủy Nguyên. 

Hải Phòng đang 'vươn ra biển lớn' - 2

Với hàng loạt cơ chế chính sách mang tính đột phá, Hải Phòng đang trên đà "vươn ra biển lớn"

Ngoài ra còn có Nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao Haphofood, chung cư HH1, HH2, Dự án Tổ hợp chung cư và dịch vụ thương mại tại Lô B - Dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray...

Thành phố đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành chuẩn bị các thủ tục để khởi công một số công trình trong thời gian tới như: Dự án nâng cấp, sửa chữa cầu Rào 1; Dự án đầu tư xây dựng cầu Dinh, cầu Quang Thanh nối thành phố Hải Phòng với các tỉnh lân cận; Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối từ cầu Lạng Am (xã Lý Học, Vĩnh Bảo) đến đường bộ ven biển; Dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng nước - Quốc lộ 5.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng 5 năm 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV. Đây cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết thêm, mục tiêu tổng quát của thành phố Hải Phòng đến năm 2020 là duy trì đà tăng trưởng gắn với thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế thành phố.

Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, huy động mọi nguồn lực, tăng cường thu ngân sách, quyết liệt thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 16,5%.

Minh Khang - Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp