Hai năm thực thi CPTPP: Cứ 4 doanh nghiệp Việt, thì chỉ 1 hưởng ‘trái ngọt’

Tài chínhThứ Năm, 08/04/2021 07:05:00 +07:00
(VTC News) -

Dù có nhiều tín hiệu tích cực song theo tính toán của các chuyên gia, cứ 4 doanh nghiệp Việt thì mới có 1 từng được hưởng “trái ngọt” từ Hiệp định CPTPP.

Nguyên nhân của thực trạng trên được chuyên gia chỉ ra là do doanh nghiệp không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2020, xuất khẩu sang 6 nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 34 tỷ USD, tăng 12,02%, gần tương đương năm 2019.

Hai năm thực thi CPTPP: Cứ 4 doanh nghiệp Việt, thì chỉ 1 hưởng ‘trái ngọt’ - 1

Hai năm tham gia CPTPP, doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được các lợi thế từ Hiệp định. 

Hai thị trường nổi lên trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang khối CPTPP là Canada và Mexico. Xuất khẩu sang Canada năm 2020 đạt kim ngạch gần 4,4 tỷ USD, tăng 12% - cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung (7%). Trong đó, xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng gồm điện thoại các loại chiếm trên 62%/năm.

Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 lại Mỹ la tinh. Trong thời gian qua, thương mại hai chiều tăng bình quân 14,6%/năm. Xuất khẩu tăng bình quân 18,8%/năm. “Mexico và Canada là hai thị trường có tăng trưởng xuất khẩu cao nhất”, bà Trang nói.

Tuy vậy, bà Trang cho rằng thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp, từ 1 - 3%.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVD-19, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vào thị trường các nước thuộc khối CPTPP cho thấy hiệp định này đang tạo ra những tác động tích cực. Nhưng kết quả trên còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng.

Nguyên nhân không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch COVID-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính nhà nước và các doanh nghiệp.

Bà Trang cho hay, VCCI đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về CPTPP, chỉ có 27,27% doanh nghiệp nhà nước và 22,63% doanh nghiệp tư nhân biết về hiệp định này.

Về các tác động trực tiếp, theo tính toán, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm “trái ngọt” từ CPTPP. Lý do là doanh nghiệp không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá việc hiện thực hóa các cơ hội từ CPTPP còn hạn chế còn do sự thua kém về năng lực cạnh tranh, các biến động đầy tính bất định của thị trường.

Ông Lộc cho hay qua khảo sát các doanh nghiệp phản ánh còn những vướng mắc như thiếu thông tin về các cam kết, các hạn chế khác trong tổ chức thực thi CPTPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) của các cơ quan nhà nước... Cùng đó là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI cũng tỏ ý tiếc nuối khi doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng những lợi thế sau đường biên giới mà CPTPP đem lại để tăng được năng lực, nội lực sản xuất. Sự thay đổi của hệ thống thể chế kinh tế đáp ứng yêu cầu CPTPP còn chậm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế...

Đại diện doanh nghiệp, ông Phan Thông, Giám đốc Công ty TranAZ chia sẻ, phần lớn khách hàng của doanh nghiệp đều cho biết họ chưa hiểu kỹ về CPTPP, vì thế đơn hàng mà họ có được từ thị trường khối này gần như chua có.

Ông Thông cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng năng lực tốt và quan tâm thấu đáo hơn tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra trong hiệp định.

Bên cạnh đó, phía cơ quan quản lý ngoài tiếp tục tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, cũng cần sự chuẩn bị tốt về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp