Hài 'Loa phường': Vừa vô văn hoá vừa nhạt như nước ốc

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 19/09/2018 07:36:00 +07:00

Dựa vào việc chỉ phát trên Youtube, những người thực hiện ngày càng sa đà vào các nội dung vô văn hoá, chọc cười nhạt nhẽo để câu quảng cáo.

Trước những series hài nhảm ngày càng nhố nhăng, biến tướng với mục đích "câu" quảng cáo tràn lan trên internet, ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy của giới trẻ, Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM gửi tới VTC News bài phân tích về vấn đề này.

Không ở đâu có cái “loa phường” vô văn hoá như vậy

Loa phường TV chính thức ra mắt với sự kết hợp của những diễn viên quen thuộc, được yêu thích tại miền Bắc như: Trung ruồi, Quỳnh Kool, Thương Cin, Hiếu Orion, Nhật Anh, Tuấn tiền tỉ, Việt Johan, Ngô Chí Lan,...

Cái tên Loa phường là để ăn theo sự nổi tiếng của các chương trình phát thanh bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc phát sóng trên hệ thống truyền dẫn cấp xã trước đây trên khắp đất nước Việt Nam.

Người sáng lập ra Loa phường lúc đầu đã hứa hẹn sẽ đem lại cho công chúng những bộ phim hài hay, độc đáo, có ý nghĩa xã hội.

Điều này có thể khiến chúng ta thoáng hy vọng được theo dõi một chương trình hài kiểu như “Trong nhà ngoài phố”, “Gặp nhau cuối tuần”….nhưng do những người trẻ thực hiện, theo cách nhìn hiện đại và độc đáo hơn, cũng như cập nhật những vấn đề xã hội trong mắt giới trẻ một cách nhanh chóng hơn.

series hai loa phuong (2)

Những tựa đề phản cảm, dung tục để "câu views".

Tiếc rằng, đó chỉ là lời nói suông, sau khi tạo hiệu ứng từ những tập đầu, nhà sản xuất chương trình ngày càng sa đà vào những nội dung liên quan đến tình dục, cùng những từ tục tĩu, nhạy cảm với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Càng ngày các “tác phẩm” của series này càng nhảm nhí vì cốt truyện dài dòng, nhạt nhẽo; lời thoại thì tục tĩu, vô duyên, gây cười vô bổ; cách pha trò gượng gạo. Tuy có nhiều bình luận trái chiều về nội dung kịch bản thiếu muối thậm tệ nhưng quảng cáo trên kênh tăng rõ rệt, có thể thấy những tập gần đây, tập nào cũng có quảng cáo để kiếm tiền.

Liệu có phải vì lý do này khiến người thực hiện quyết tâm bất chấp dư luận, thuần phong mỹ tục, đạo đức để làm ra những đoạn clip vừa kém chất lượng vừa không hiểu buồn cười chỗ nào như vậy?

Dùng cái tên Loa phường rất hay để đặt cho một series hài, gợi lên sự bình dị, thân quen với người Việt, nhưng nội dung và kịch bản lại như một bát nước bẩn, khiến từ “loa phường” cũng mất luôn ý nghĩa rất đơn giản của nó, thay vào đó, người ta nhớ đến một cái loa phường cực kỳ vô văn hoá.

Muốn gom tiền quảng cáo nhưng thiếu sự đầu tư tử tế

Nhìn một cách khách quan, những người sản xuất chương trình hài ngắn trên Youtube đều muốn kiếm tiền hoặc kiếm tiếng. Với những tập đầu tiên kinh phí thấp khán giả vẫn chấp nhận bỏ qua, riêng với Loa phường, càng về sau bối cảnh càng sơ sài, tạm bợ, diễn viên đóng gượng gạo, khiến ai xem xong cũng phải đặt câu hỏi: “Thực hiện tiếp để làm gì?”

series hai loa phuong (1)

 

Một cốt truyện hài đúng nghĩa đòi hỏi tác giả kịch bản phải thực sự tài năng, biết nắm bắt mâu thuẫn của cuộc sống; các tình tiết, chi tiết hài phải được giấu kín để khi “mở nút” sẽ là những bất ngờ kéo theo tiếng cười ngạc nhiên, thích thú, sảng khoái của người xem.

 
Loa phường, ngoài việc đặt tên một sản phẩm theo cách “hài bựa” nhưng cuối cùng lại thành “clip bẩn”, nội dung cũng không khá khẩm hơn tựa đề.

Nội dung, tên kịch bản của Loa phường sử dụng các yếu tố sexy nhằm "câu views" bằng mọi cách như: “Đánh giá tâm hồn phụ nữ qua áo lót…”, “Làm sao để thỏa mãn bạn gái chỉ với 200 nghìn đồng”, “Cái ấy của em đâu”, “Chiếc quần lót ren khi em có chửa”, “Chiếc xu chiêng màu hường”…

Thậm chí, Loa phường tập 44 còn vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 khi tuyên truyền cổ súy, hướng dẫn cho thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự bằng nhiều hình thức qua câu “Muốn trốn nghĩa vụ phải có cái đầu”.

Bạn đọc bức xúc bình luận: “Hiện nay tại Việt Nam có hiện tượng thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự và chỉ nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự. Phải chăng thể hiện rằng họ không ý thức được điều mình làm và trách nhiệm công dân đối với đất nước.

Tại sao giới trẻ ở Việt nam lại sợ nghĩa vụ quân sự đến như vậy? Một phần cho câu hỏi này là do chúng ta không kiểm soát tốt những nội dung cổ súy trốn nghĩa vụ như tác phẩm của công ty cổ phần Orion Media sản xuất” (Kim Chi).

Bạn Kim Lan viết: “Kênh Youtube của nhóm này có hàng triệu lượt bạn trẻ đăng ký theo dõi, nếu nội dung dạy nhau các 'độc chiêu' trốn nghĩa vụ quân sự như thế này đến hàng triệu bạn trẻ thì câu nói 'Khi Tổ quốc cần, tôi sẵn sàng cầm súng!' chẳng cn ý nghĩa gì nữa rồi. Cần xử lý nghiêm công ty này để làm gương”.

Xem "Loa phường", giới trẻ học được điều gì?

Những chương trình hài bựa trên thế giới không thiếu, cả Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc biệt là Thái Lan vẫn luôn có những sản phẩm mang đến tính viral rất cao, được chia sẻ cực nhiều trên các trang mạng xã hội. Lý do vì nội dung của sản phẩm đó mang lại tính giáo dục, câu chuyện cảm động, ý nghĩa nhân văn.

Loa phường, ngoài việc đặt tên một sản phẩm theo cách “hài bựa” nhưng cuối cùng lại thành “clip bẩn”, thì nội dung cũng không khá khẩm hơn tựa đề.

Những người trẻ thích thú tập đầu, càng ngày càng theo dõi chắc có lẽ sẽ “học” được những điều: nói tục, chửi bậy, hỗn láo không biết trên dưới, nghĩ rằng việc nói trống không với người lớn tuổi hay kể một câu chuyện tục tĩu là điều bình thường, thậm chí “học” cả thói lừa bạn bè để “cưa gái”, cách để trốn nghĩa vụ quân sự.

Một sản phẩm làm ra vừa không có ý nghĩa giáo dục, vừa không có tính giải trí, lại càng làm hệ tư tưởng của giới trẻ đi xuống trầm trọng thì thiết nghĩ những cơ quan, ban ngành quản lý nên vào cuộc và kiểm tra gắt gao hơn những nội dung như thế này trước khi nó được phát sóng hay trình chiếu kể cả trên mạng xã hội.

Một đất nước văn minh, nền công nghiệp giải trí có tiến bộ đều cần loại bỏ những suy nghĩ buông thả, cợt nhả, xem thường những giá trị nhân văn, định hướng của xã hội. Cái gì thái quá, không để lại ấn tượng tốt trong lòng người thì chắc chắn sẽ bị lãng quên.

TS Văn học Thu Hà
Bình luận
vtcnews.vn