Hai lão nông Thanh Hóa chế tạo máy cấy 9 hàng

Sản phẩmThứ Tư, 12/09/2018 16:12:00 +07:00

Vì thương vợ con quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mỗi khi vào vụ cấy, ông Lê Mậu Trạch và Lê Niên Việt (thôn Tuyên Hóa, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) đã chế tạo thành công máy cấy lúa 9 hàng với tên gọi ĐA2.

Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, suốt ngày quanh quẩn ruộng vườn làm cho ông Việt và ông Trạch càng thêm hiểu nỗi vất vả của người làm nông. Chứng kiến cảnh vợ con còng lưng cả buổi ngoài đồng để cấy lúa, hai ông luôn ấp ủ tìm cách giúp vợ con bớt khổ.

Với ý tưởng đã ủ mầm từ lâu, năm 1992, ông Việt và ông Trạch bắt tay vào tìm hiểu, tự mày mò nhằm sáng tạo ra máy cấy. Hai ông dự định sẽ hoàn thành trong vòng một năm, nhưng không, khi bắt tay vào làm thì những thứ phát sinh cũng bắt đầu xuất hiện, thời gian cũng cứ thế mà kéo dài, kế hoạch một năm bị “phá sản”.

Máy thì mãi không chế tạo được, trong khi đó thì kinh phí càng ngày càng cạn kiệt, 3 triệu đồng cả hai nhà cũng gom góp chẳng thấm vào đâu. Nhưng cả hai ông đều không nản, với sự tin tưởng và ủng hộ của vợ con ông Việt và ông Trạch quyết tâm làm cho kỳ được chiếc máy cấy.

Sau nhiều ngày quan sát vợ cấy cũng như trực tiếp xuống ruộng đi cấy, ông Trạch đã tìm ra được nguyên lý hoạt động cho chiếc máy cấy của mình. Ông gọi nó là nguyên lý “5 khâu”, là 5 động tác cơ bản khi cấy: Ra mạ - tay phải cắm mạ, tay trái ra mạ - tay phải ấn mạ xuống bùn - nhả tay ra rút về.

a2

 Chiếc máy cấy ĐA1 khi chưa được cải tiến (Ảnh: Hà Thanh)

Từ đó công việc chế tạo cũng vơi dần khó khăn, sau 13 năm miệt mài cố gắng năm 2005 chiếc máy cấy đầu tiên của hai ông thành công ra đời, với tên gọi ĐA1. Máy có 5 tay cấy, với năng suất đạt 1,2 ha/ngày.

Tuy đã thành công, song hai ông muốn nâng cao hiệu quả của máy chính vì vậy lại tiếp tục bắt tay vào cải tiến máy. Sau nhiều tháng ngày miệt mài máy cấy ĐA1 đã được nâng cấp lên thành ĐA2, với năng suất cao gấp đôi mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Chiếc máy cấy của ông Trạch và ông Việt có công suất lớn, tối đa một ngày có thể cấy được 2,5 ha. Trong khi đó với diện tích tương đương, cần khoảng 30 nhân công cấy bằng tay. Máy giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.

Máy cấy gồm khay để mạ, 9 tay cấy, cần cấy... hoạt động bởi một chiếc máy nổ. Hai ông cho biết, cơ chế hoạt động của máy cấy ĐA2 này khá đơn giản, khi máy nổ hoạt động, kéo dây cu-roa quay, giúp cho chiếc cần cấy hoạt động trong khi đó 9 tay cấy được một bộ phận nằm trên cần cung cấp mạ, 9 tay cấy tiếp nhận mạ và trực tiếp cắm xuống nền ruộng. Lúa được cấy bởi máy cấy ĐA2, thẳng hàng, đều cây, khoảng cách hợp lí, sinh trưởng tốt.

Sáng chế này được đông đảo bà con hưởng ứng, rất nhiều người đã thuê hai ông cấy. Vào tháng 6/2005, trong Hội thi khoa học tỉnh Thanh Hóa, sáng chế của ông Trạch và ông Việt đã vinh dự đoạt giả Ba.

Ly Nga
Bình luận
vtcnews.vn