Hai cụ già của bộ tộc Lá Vàng và cuộc đời ly kỳ giữa rừng hoang

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 29/11/2016 07:10:00 +07:00

Người và hổ nhìn nhau trân trân, không bên nào động thủ, cuối cùng con hổ gầm lên một tiếng làm dậy sóng dòng suối Nậm Xừ Lường rồi quay đầu bỏ đi.

Kỳ 2 (kỳ cuối):  Cuộc đời ly kỳ giữa rừng hoang

Vợ chồng lão Vàng Và Chờ, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có tới 15 lần sinh nở, nhưng chỉ có 3 người con của lão còn sống. Suốt mấy chục năm qua, vợ chồng lão đã dắt díu nhau sống ở rừng, tách hẳn với thế giới văn minh.

Người của tộc Lá Vàng

Cơn mưa rừng rả rích khiến bầu trời biên giới thêm phần ảm đạm. Hiện lên giữa thinh không làn khói đốt củi của vợ chồng lão Chờ. Cả vạn năm trôi qua, đỉnh Pu Si Lung vẫn sừng sững như bàn thạch án ngữ biên giới Việt – Trung. Vợ chồng lão Chờ sống dưới chân núi vui êm đềm cùng núi rừng.

Trong căn lều nhỏ, vợ chồng ông ngồi bó gối bên bếp lửa. Hai con người sống cách biệt hoàn toàn với thế giới của đồng loại. Chẳng thế mà khi gặp đoàn chúng tôi đi chinh phục Pu Si Lung qua, lão Chờ mừng như bắt được vàng.

Người đàn ông đã 85 năm xuân xanh sống giữa núi rừng Tây Bắc mà vẫn không bỏ được sự hồ hởi của một con người khi gặp đồng loại của mình đi qua. Bóng người đàn ông từng đặt chân khắp miền biên viễn đất Mường Tè để đi săn hắt lên vách lều giờ như ngọn đèn dầu sắp tắt.

Lão Chờ không biết nói tiếng phổ thông, nhưng thông qua hành động và cách lão tiếp đón mọi người trong đoàn rất thịnh tình. Đoàn khách chưa kịp ấm chỗ, lão hạ nào ngô, nào mật ong rừng, cả tổ ong đất to đùng mà lão vừa bắt được ra thết đãi. Lão đưa thứ gì cho mọi người rất trịnh trọng với tấm thịnh tình và cái sảng khoái của người con ở rừng. Qua lời phiên dịch của anh Lỳ Phu Cà, lão lấy làm vui vì được gặp mọi người và muốn san sẻ thức ăn với mọi người.

Có người phiên dịch tiếng, lão Chờ vui hẳn lên. Lão không độc thoại một mình nữa, hóa ra lão cũng rất thích nói chuyện.

IMG_9255

 Hành trình đi tìm 'người rừng' ở Pu Si Lung 

Cuộc đời lão gắn với rừng như một lẽ tự nhiên. Dường như số kiếp lão phải gắn chặt với nơi rừng thiêng, núi thẳm. Lão kể, lão là người La Hủ hay còn gọi là người Lá Vàng. Cả tộc người sống quanh năm suốt tháng trong rừng. Họ không định cư ở một nơi cố định mà sống theo kiểu du canh du cư.

Trai tráng săn bắn, phụ nữ trẻ em ngày ngày vào hái rau rừng, quả rừng về ăn. Mỗi khi trời tối, họ vào rừng chặt cây, lấy lá chuối làm mái nhà. Đêm đốt lửa, mọi người ngồi xung quanh bếp lửa ngủ. Sau mỗi ngày qua đi, họ lại chuyển đi nơi khác ở. Chiếc lều dựng đêm qua, lá úa vàng là họ đã lại dựng ngôi nhà nơi khác. Bao đời sống ở rừng, chết ở rừng nên đôi chân của tộc người La Hủ đã in dấu khắp các cánh rừng nơi cuối trời Tây Bắc.

Đối diện “ông ba mươi”

Nhớ về một thời tộc người mình ăn hang ở lỗ khiến lão Chờ trở về những ngày đầy hoài niệm. Nhờ ở rừng mà cánh nam giới người La Hủ rất thạo trèo đèo, lội suối và săn bắn.

Lão Chờ còn kể, xưa đất này muông thú còn nhiều vô kể. Đêm buông xuống tiếng hổ gầm, sói tru không còn là sự lạ. Năm lão lên 6 tuổi, đôi chân lão đã cùng mọi người trong dòng tộc đi săn khắp các cánh rừng.

Lão Chờ có biệt tài bắn cung và phi lao rất giỏi. Đời lão đã hạ sát không biết bao muông thú. Giờ nghĩ lại, lão cũng thấy rợn người.

Lão Chờ kể, có lần mình lão đi săn dưới chân núi Pu Si Lung bỗng gặp một con hổ lớn. Con hổ vằn to như con trâu, dài hơn cả con ngựa đang đủng đỉnh uống nước bên bờ suối Nậm Xừ Lường.

IMG_9459

 Lão Chờ

Lão Chờ không hề nao núng, tay lão cầm cây lao được làm bằng cây gỗ rắn chắc, dài 2,5m. Người và hổ nhìn nhau gầm gừ bên dòng suối Nậm Xừ Lường. Hai cái bóng in trên mặt suối như những pho tượng bất động.

Khi đó lão Chờ không hề chớp mắt. Thân hình đứng vững như cây lim, cây nghiến đã sống ở đất rừng này từ hàng triệu năm trước. Con hổ thấy lão không hề run sợ và cũng không có ý thối lui. Đôi mắt vằn đỏ của “ông ba mươi” tỏ ra vô cùng tức tối vì đã gặp phải địch thủ đáng gờm.

Nó không dám tấn công lão Chờ. Người và hổ nhìn nhau trân trân, không bên nào động thủ, cuối cùng con hổ gầm lên một tiếng làm dậy sóng dòng suối Nậm Xừ Lường rồi quay đầu bỏ đi.

Dường như những câu chuyện mà lão Chờ kể về miền đất của rừng già này chưa bao giờ vơi. Tiếng lão thì thầm bên bếp lửa như lời của tổ tiên của lão từ ngàn xưa truyền về.

Lại nhắc đến cái đêm trăng đối mặt với “ông ba mươi” đó, tôi có hỏi lão: Nếu hổ tấn công lão sẽ làm gì? Lão Chờ cười lớn, đôi mắt tràn ngập niềm vui và lòng tràn ngập tự tin. Lão Chờ bảo, người La Hủ chúng tôi leo cây nhanh. Tôi không sợ, vì các cụ tôi bảo, nếu gặp cường địch là thú dữ, mình bỏ chạy là chúng sẽ có cớ ăn thịt mình. Cách tốt nhất là đối diện với nó với thái độ không nao núng. Nếu nó có tân công, chỉ trong nháy mắt tôi có thể trèo ngay lên cây to ven suối.

Câu chuyện về lão Chờ tựa như một cuốn tiểu thuyết nghìn trang cứ mở dần, mở dần qua lời phiên dịch của anh Lý Phu Cà.

IMG_9461

Vợ chồng lão Chờ 

85 năm qua, lão Chờ đã sống ở đất này chứng kiến bao sự biến thiên của trời đất. Đặc biệt là sự biến động của tộc người La Hủ. Lão kể, trẻ con sinh ra nơi này cũng có sự chọn lọc tự nhiên. Đứa nào khỏe khắc sống, đứa nào chết cũng là chuyện chọn lọc của trời đất thôi. Ai sống được sẽ vô cùng khỏe tựa như thứ cây cổ thụ đã bám chặt rễ vào đất này, không gì có thể xoay chuyển được.

Đời lão đã bao lần phải đào hố chôn cất người thân, đồng loại của mình, nhưng chưa bao giờ lão nao núng trước cuộc sống ở rừng. Lão Chờ bảo, đời lão như định mệnh gắn với rừng rồi, không khác được.

15 năm lần sinh nở chỉ có 3 người con

Vợ chồng lão Chờ đến với nơi biên ải này cũng như là một duyên phận. Cách đây 20 năm, vợ chồng lão sống ở bản Sín Chải B. Cái bản ở tít trên núi cao được gọi là “bản chết” vì mùa đông ở nơi đó chẳng động vật nào sống được do giá rét và gió dữ.

Cũng như bao cặp vợ chồng người La Hủ khác, từ khi rời cuộc sống ở rừng về định cư ở bản, họ gặp bao khó khăn. Họ vốn quen với việc săn bắn, hái lượm, giờ định cư một chỗ phải trồng cây, chăn nuôi, thời gian đầu quả là cực hình.

Cuộc sống vất vả cứ lần hồi trôi qua, năm 15 tuổi khi lão đủ sức căng cánh cung lớn mà bố truyền lại, lão đã lấy vợ. Người bạn đời của lão cũng là cô bé người La Hủ tên là Vàng Mỳ Gia.

Trai gái người La Hủ đến với nhau như một lẽ tự nhiên của việc phải duy trì lòi giống. Vợ chồng lão Chờ cũng vậy. Suốt mấy chục năm sống cùng nhau, bà Gia đã 15 lần sinh nở. Tuy nhiên, đến giờ chỉ có 3 người con của vợ chồng lão còn sống. Các con đều định cư ở bản Sín Chải B. Vợ chồng lão quen thói ở rừng, nên đã từ biệt con cái vào rừng sống vừa thỏa cái sở thích, họ vừa lùa đàn trâu vào rừng chăn dắt cho dễ.

IMG_9380

 Lão Chờ đi rừng cả ngày không biết mệt, dù đã 85 tuổi

Những năm trước đây, vợ chồng lão còn ở gần bản. Sau mỗi năm, vợ chồng lão lại tiến sâu về phía đỉnh núi Pu Si Lung. Và giờ họ định cư trên đỉnh dốc Trại Bò.

Sống giữa nơi chỉ toàn con số không so với đồng loại, không điện, không đường, không hàng xóm, không một phương tiện giải trí và nhiều cái không nữa, nhưng vợ chồng lão rất tâm đầu ý hợp.

Mỗi tháng lão Chờ có trách nhiệm về bản gùi mắm, muối lên lán ở. Lão Chờ kể, lão đi từ sáng đến tối mịt thì về đến bản. Sáng sớm hôm sau, lão lại một mình lầm lũi vượt rừng, băng suối về lán ở.

Suốt mấy chục năm sống giữa chốn núi rừng, lão Chờ hầu như không bị ốm. Riêng bà Gia vợ lão mấy năm gần đây sức khỏe yếu hơn. Thi thoảng bà vẫn phải về bản nhờ con cái đi xin thuốc điều trị chứng nhức đầu.

Hai con người sống giữa nơi thâm sơn cùng cốc, không một mảy may lo lắng về sự đời. Họ sinh ra và sống hồn nhiên như cây cỏ vậy. Trước lúc chúng tôi tạm biệt lão để về với thế giới của loài người, lão Chờ bảo: “Tôi sinh ra ở rừng và cũng sẽ chết ở rừng vậy”.

3 ngày sau khi chinh phục thành công đỉnh núi Pu Si Lung, chúng tôi có qua nhà tạm biệt lão Chờ. Cũng vẫn như lần trước, lão đón chúng tôi với thái độ trịnh trọng và tràn ngập niềm vui. Cả đoàn xuôi dốc Trại Bỏ một khoảng xa, lão Chờ vẫn ngồi bên bộ khung bảo vệ nhà nhìn theo với ánh mắt như hóa đá. Dường như đây là lần đầu tiên lão Chờ thấy mình có cảm giác buồn.

Hòa Phong - Linh Nhi

Bình luận
vtcnews.vn