Hai bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, ngành y tế cảnh báo nguy cơ bùng bịch

Bệnh và thuốcThứ Bảy, 23/04/2022 07:28:55 +07:00
(VTC News) -

Ngành y tế dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng dịch rất lớn.

Tại TP.HCM đã có 2 ca tử vong và 109 ca bệnh nặng chỉ trong hơn 3 tháng, đặc biệt có nhiều ca nhập viện muộn, trong đó có  trẻ em.

Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong do tổn thương đa cơ quan, đó là một bé gái 5 tuổi, ngụ Bình Dương. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc sâu, xuất huyết phổi, tổn thương gan, thận. Mặc dù được tích cực hồi sức, lọc máu kéo dài 48h nhưng tổn thương tạng không cải thiện. Bé gái có cơ địa thừa cân, nặng 34 kg, một tháng trước đã từng mắc COVID-19.

Hai bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, ngành y tế cảnh báo nguy cơ bùng bịch - 1

Bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết gia tăng.

Tại Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện điều trị và khám ngoại trú sốt xuất huyết tại khoa đều tăng gấp đôi so với 2 tuần trước, trung bình có từ 30-35 ca bệnh nội trú, trong đó có 5-7 trẻ phải nằm ở phòng cấp cứu và truyền dịch. Đáng lưu ý là số trẻ mắc sốt xuất huyết nặng chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với các năm trước do nhập viện trễ.

Chị Đỗ Thị Thùy Vân, ngụ Quận 12, TP.HCM đang chăm sóc con bị sốt xuất huyết nặng cho biết, trước đó, bé sốt nhưng gia đình nghĩ bị bệnh thông thường nên đưa đi khám và được cho men tiêu hóa, thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, sau 3 ngày thì bé chuyển nặng: “Mới chỉ chuyển sốt thôi, xong 3 ngày sau thì đã trở nặng. Xét nghiệm máu thì bác sĩ bảo là bé bị đông máu cho nên đưa lên truyền nước, sau đó thì chuyển qua nào là bị viêm phổi, nào gan rồi trở nặng luôn”.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa hồi sức nhiễm COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, có khoảng 10% bệnh nhi bị sốt xuất huyết được cho nhập viện. Cũng trong số này có 10% trẻ được đưa vào khu vực hồi sức: “Những trường hợp đưa qua đây có thể có biểu hiện sốc, tức là mạch huyết áp khó đo hoặc là không đo được luôn. Thứ hai là những trường hợp tổn thương rất nặng ngay từ đầu do virus tấn công trực tiếp, đa phần là vào gan, làm tổn thương gan rất nặng, gây rối loạn đông máu, rối loạn các chuyển hóa trong cơ thể và cuối cùng vào sốc và ảnh hưởng lên não”.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tăng từ 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong hai tuần đầu tháng 4, số ca nhập viện cũng tăng cao, nhất là các trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng (sốc sốt xuất huyết Dengue).

Chỉ trong nửa tháng 4, khoa Hồi sức tích cực chống độc đã tiếp nhận 10 ca nặng và sốc nặng, tổn thương các cơ quan, thậm chí có ca ngưng thở, ngưng tim trước khi nhập viện. Hiện tại khoa còn 2 bệnh nhi sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, tổn thương đa cơ quan đang phải thở máy, trong đó có 1 bệnh nhi phải lọc máu.

“Hai năm qua do dịch COVID-19 cho nên người dân hình như quên đi sốt xuất huyết là một bệnh lý nguy hiểm, bởi vì đều có biểu hiện sốt, tuy nhiên người dân chỉ quan tâm đến COVID-19. Mặt khác, người ta lại sợ vào bệnh viện nữa cho nên những ca nặng phần lớn do nhập viện trễ. Bệnh lý sốt xuất huyết còn nguy hiểm hơn COVID-19”, PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Còn Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi ngày khám ngoại trú cho từ 100-150 ca sốt xuất huyết, trong đó có từ 10-15 bệnh nhi được chỉ định nhập viện. Số bệnh nhân nặng từ 15-20 em, trong đó phần lớn là trẻ dư cân béo phí nặng, trẻ nhũ nhi.

109 ca nặng, báo động sốt xuất huyết bùng phát

Tính đến giữa tháng 4, TP.HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là con số đáng báo động nếu so sánh với năm 2019 - năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc nhưng số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca.

Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn con số thống kê. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do chưa tính các ca bệnh nhẹ. TP.HCM cũng đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, nguyên nhân là do bệnh nhân được phát hiện và nhập viện trễ.

Hai bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, ngành y tế cảnh báo nguy cơ bùng bịch - 2

Nhiều trẻ diễn tiến nặng có cơ địa béo phì.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh viện luôn lưu ý các bác sĩ dặn dò kỹ phụ huynh, cần đưa bệnh nhi đến khám kịp thời, không để tình trạng nặng dẫn đến sốc sâu, khó cứu chữa: “Vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh là ngày cao điểm dễ vào sốc, thì mình phải dặn bệnh nhân là những dấu hiệu cảnh báo nặng như bé bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen thì phải nhanh chóng vào bệnh viện. Đặc biệt kể cả trong đêm giữa khuya cháu trở nặng cũng phải đi tới bệnh viện ngay”.

Dự báo tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trong năm nay, nhất là sau 2 năm dồn toàn lực cho COVID-19 và đang bước vào giai đoạn bình thường mới, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, 3 bệnh viện nhi đồng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai tập huấn ngay cho các cơ sở y tế.

Nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót, gây chậm trễ trong việc điều trị. Các biện pháp dự phòng cần được triển khai ngay, trong đó có việc xử phạt các cá nhân, đơn vị không thực hiện phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 117. Sở Y tế TP.HCM sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các quận huyện trong thời gian sắp tới.

Kim Dung(VOV-TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn