Chuẩn bị 'xóa sổ' hai bến xe Giáp Bát và Gia Lâm?

Kinh tếThứ Tư, 19/07/2017 14:12:00 +07:00

Theo dự thảo, TP Hà Nội sẽ quy hoạch lại hệ thống các bến xe khách, trong đó dừng hoạt động 2 bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020.

Dự thảo “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội lấy ý kiến các sở, ban, ngành, hiệp hội nghề nghiệp.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các bến xe trên cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, vào dịp lễ, Tết các bến xe này chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số bến còn nằm sâu trong nội thành gây cản trở giao thông.

dong cua ben xe giap bat

 Bến xe Giáp Bát sẽ đóng cửa từ sau năm 2020? (Ảnh KH)

Do vậy, quy hoạch trên tập trung theo nguyên tắc, các bến xe khách liên tỉnh từ nay đến năm 2030 sẽ được tổ chức, quy hoạch trên các trục đường hướng tâm, cửa ngõ, vành đai và tại các vị trí kết nối thuận tiện với giao thông công cộng.

Về bến xe liên tỉnh Gia Lâm có quy mô 1,45 ha, theo Sở GTVT Hà Nội, do bến xe này nằm sâu trong vành đai 3, nên dự kiến đến năm 2020 sẽ được chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô.

Dự kiến các tuyến của bến xe Gia Lâm sẽ được chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi).

Bến xe Giáp Bát cũng được dự kiến chuyển mô hình hoạt động. Với quy mô diện tích 3,65 ha, do nằm sâu trong vành đai 3 (khu vực đông dân cư), do vậy sẽ được chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô.

Các tuyến của bến xe Giáp Bát sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh (một số tuyến của tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên đi theo quốc lộ 3), bến xe Yên Nghĩa và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi).

Bài liên quanHà Nội cũng đưa ra lộ trình đến năm 2030, TP sẽ xây dựng 7 bến xe mới, với tổng diện tích 73 ha. Cụ thể, bến xe Nội Bài 10 ha ở xã Phú Cường, Sóc Sơn; bến xe Đông Anh 5,3 ha ở xã Uy Nỗ, Đông Anh; bến xe Cổ Bi 10 ha, ở xã Cổ Bi, Gia Lâm; bến xe Phùng 15 ha ở thị trấn Phùng, Đan Phượng; bến xe Phía Tây 5 ha ở Hoài Đức; bến xe Phía Nam 11 ha ở xã Ngọc Hồi, Thanh Trì…

Trả lời về vấn đề này, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết đây mới là dự thảo, còn phải lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, sau đó mới có quyết định.

Video: Kẹt giữa bến xe ở Hà Nội, hàng chục hộ dân kêu cứu

“Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin. Nhưng đây mới là dự thảo do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đưa ra để lấy ý kiến các sở, ban, ngành, hiệp hội nghề nghiệp. Còn quyết định đóng cửa hay không còn phụ thuộc vào việc xem xét, quyết định của lãnh đạo TP Hà Nội trên cơ sở các ý kiến đóng góp cho dự thảo. Hiện tại, các bến xe vẫn hoạt động bình thường thôi, không ảnh hưởng gì”, ông Quang nói.

Ông Hà Huy Quang cho biết trước mắt, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các bến xe Giáp Bát, Yên Nghĩa, Mỹ Đình, Nước Ngầm tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, các đơn vị vận tải hoạt động.

Hoàng Sơn
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn