HAGL- Hà Nội FC: Một thập kỷ đua tranh và ước mơ vươn tầm châu lục

Bóng đá Việt NamThứ Ba, 28/01/2020 11:09:27 +07:00
(VTC News) -

Đến với bóng đá muộn hơn HAGL gần chục năm, nhưng Hà Nội FC biết chắt lọc những tinh túy từ lò phố Núi để trở thành thế lực của bóng đá Việt Nam và đang trên đà vươn tầm châu lục.

HAGL tiên phong

Khi bầu Đức đặt những viên gạch đầu tiên xây Học viện HAGL Arsenal JMG trên đỉnh Hàm Rồng thì Hà Nội T&T, tiền thân của Hà Nội FC hiện tại mới chỉ ra đời được 1 năm và còn đang chơi ở giải hạng Nhì.

Nhưng cũng rất nhanh, Hà Nội T&T thăng liền 2 hạng rồi lên ngôi vô địch V-League 2010. Danh hiệu đầu tiên của đội bóng thủ đô được trao tại phố Núi. Thời điểm bầu Hiển hân hoan rước cúp từ Gia Lai về Hà Nội, người ta nhìn rõ mồn một con đường mà bầu Hiển đang đi giống hệt của bầu Đức 7 năm về trước.

HAGL- Hà Nội FC: Một thập kỷ đua tranh và ước mơ vươn tầm châu lục  - 1

Các cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL.

Bởi vậy, sự ra đời của Học viện HAGL Arsenal JMG năm 2007 với cơ sở vật chất tốt nhất Việt Nam lúc bấy giờ cùng công nghệ đào tạo bài bản, khoa học từ hai đối tác Arsenal và JMG được cho là bước đi căn cơ, bền vững của ông Đức để từ đây, ông chờ hái những quả ngọt giá trị hơn.

5 năm sau, những tài năng chân đất từ vườn ươm trên đỉnh Hàm Rồng bay sang trời Âu du học. Một chuyến đi chưa từng có với bóng đá trẻ Việt Nam. Và từ chuyến đi này, người ta bắt đầu gọi những Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Đông Triều là “báu vật” của bầu Đức.

Cuối tháng 8/2013, Hà Nội T&T lần thứ 2 lên ngôi vô địch V-League nhưng không nhận được nhiều sự chú ý. Nó sau đó bị lu mờ hoàn toàn trước những tài năng trẻ 17 tuổi của lò bầu Đức khi họ tạo nên cơn sốt ở giải U19 Đông Nam Á với thứ bóng đá ban bật đẹp mắt mà V-League “đỏ mắt” không tìm thấy.

Suốt 2 năm tiếp theo, nòng cốt khóa 1 Học viện HAGL JMG trong màu áo U19 Việt Nam liên tục “càn quét” ở các giải đấu trong nước và khu vực. Họ được ví như những “cơn bão”, tới đâu cũng tạo sức hút, được đầu tư mạnh về nguồn lực, vật lực để tập huấn dài hạn ở nước ngoài, hướng tới mục tiêu mà trước đó ít người dám nghĩ - giành vé dự U20 World Cup.

Tiếc thay, giấc mộng World Cup từ lứa cầu thủ này sớm bị dội nước lạnh trên đất Myanmar khi U19 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng U19 châu Á 2014 - giải đấu mà lần đầu tiên và duy nhất, bầu Đức làm trưởng đoàn.

Dù không thành công với tấm vé dự U20 World Cup song đám trẻ nhà bầu Đức đã tạo nên một tình yêu mới trong lòng người hâm mộ dành cho HAGL và cho chính ông bầu phố Núi - tình yêu cho người tiên phong.

Nói về sự tiên phong của bầu Đức, chắc chắn không dừng lại ở đây. Nó còn là tiên phong đưa lứa U19 lên đội 1 HAGL đá V-League, tiên phong xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài với những bản hợp đồng dành cho Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc và sau đó là châu Âu, tiên phong xây dựng fanpage, trang Youtube bài bản, chuyên nghiệp để có lượng người theo dõi nhiều nhất châu Á và nằm ở nhóm đầu thế giới trong thời gian dài…

HAGL- Hà Nội FC: Một thập kỷ đua tranh và ước mơ vươn tầm châu lục  - 2

Kênh You Tube của HAGL luôn nằm trong top được xem nhiều thé giới.

Chỉ có điều, đi cùng sự tiên phong của bầu Đức là những trở ngại khôn lường. Để vượt lên, HAGL cũng phải trả giá bằng nhiều thứ khác. Cho đến giờ, sự tiên phong của bầu Đức vẫn là một tranh cãi, bởi sau 5 năm mở đường, đám trẻ ngày nào của ông vẫn trong vòng xoáy “sinh tồn” ở sân chơi V-League, những cầu thủ xuất ngoại đi rồi lại về vì không tìm được chỗ đứng, không khẳng định được mình.

Năm ngoái, HAGL về đích thứ 8, cao nhất từ khi lứa Công Phượng, Xuân Trường lên đá V-League, nhưng đội bóng phố núi phải vất vả đua trụ hạng tới những vòng cuối cùng. Nói như Minh Vương - một trong những viên ngọc quý nhất của bầu Đức thì anh và đồng đội “dành cả thanh xuân để trụ hạng”.

Hà Nội chắt lọc để thành công

So với HAGL, Hà Nội FC luôn đi chậm hơn nửa bước. Khi lứa 1 của Học viện HAGL JMG đang làm mưa làm gió trong màu áo đội tuyển U19 Việt Nam thì lứa U19 của Hà Nội còn đang chính chiến ở giải U19 Quốc gia. Và nhờ chức vô địch năm 2014, Quang Hải được thầy Giôm nhấc lên đội tuyển U19 Việt Nam.

Dù lên muộn nhưng sau đó lứa trẻ của Hà Nội lại gặp thời khi cùng U19 Việt Nam tạo nên kỳ tích lọt vào bán kết giải U19 châu Á 2016 để lần đầu tiên giành vé dự U20 World Cup. Và từ sân chơi World Cup, những tài năng trẻ của bầu Hiển được trui rèn theo cách hoàn toàn khác bầu Đức. Họ gần như miễn nhiễm với truyền thông, được cài cắm vào đội 1 để các anh lớn dìu dắt, trưởng thành qua từng trận đấu tại V-League mà không phải lo trụ hạng.

Và khi U23 Việt Nam giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018 với sự góp mặt của 7 cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội FC, bầu Hiển đã được nhắc tới nhiều hơn về những đóng góp thầm lặng của mình cho bóng đá nước nhà.

HAGL- Hà Nội FC: Một thập kỷ đua tranh và ước mơ vươn tầm châu lục  - 3

Hà NộI FC đi sau nhưng giành được nhiều thành công.

Lứa Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu, Đức Huy, Hùng Dũng, Thành Chung cũng tạo ra một thế hệ cổ động viên trung thành mới ở thủ đô. Nói cách khác, Hà Nội FC sau 10 năm chinh chiến ở V-League với 5 chức vô địch, nay trở thành niềm tự hào của người dân thủ đô hậu thời kỳ Thể Công, Công An Hà Nội.

Mùa giải năm ngoái, bầu Hiển tiếp tục đầu tư lớn để Hà Nội FC vươn tầm châu lục. Họ lọt vào tới bán kết AFC Cup 2019 và dừng bước đầy tiếc nuối trước 4.25 của Triều Tiên. Chắc chắn, Hà Nội FC sẽ không dừng lại khi mục tiêu vô địch giải châu lục đã ở rất gần họ. Điều quân bầu Hiểu còn thiếu một chút ở sân chơi này là kinh nghiệm.

Bầu Hiển cũng quyết định xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài sau một thời gian bảo lưu quan điểm không nóng vội. Bản hợp đồng đưa Đoàn Văn Hậu tới SC Heerenveen ở giải vô địch Hà Lan được đánh giá cao về chất lượng và quan trọng hơn, người ta nhìn thấy rõ hơn từ bản hợp đồng này cơ hội để Văn Hậu được thi đấu và phát triển.

Không chỉ nâng tầm về chuyên môn, Hà Nội FC còn tập trung hơn trong việc truyền thông hình ảnh. Họ xây dựng fanpage và kênh youtube như cách mà HAGL đã làm trước đó nhưng có sự đầu tư, chuyên nghiệp hơn. Kết quả, fanpage của Hà Nội FC hiện tại đã có lượt like cao hơn cả HAGL, kênh youtube cũng tăng trưởng mạnh.

Các ngôi sao của Hà Nội như Văn Quyết, Đình Trọng, Duy Mạnh và đặc biệt là Quang Hải cũng nhận được nhiều hơn những bản hợp đồng quảng cáo. Tất nhiên, Hà Nội FC cũng giúp các cầu thủ của mình chỉn chu hơn về hình ảnh, tránh gặp phải những sự cố như Công Phượng và Văn Thanh từng gặp phải.

Về hoạt động xã hội, chương trình Strong Việt Nam của Hà Nội FC năm qua truyền cảm hứng mạnh mẽ tới các em nhỏ yêu bóng đá thủ đô. Đây thực sự là một hoạt động ý nghĩa và mang về những giá trị hình ảnh rất tốt cho đội bóng.

Đến đây có thể nói, Hà Nội FC đi sau HAGL nửa bước nhưng biết cách rút ra những bài học và tránh được vết xe đổ của HAGL, để lách sang, rồi vượt xa những gì đội bóng phố Núi đã làm.

HAGL- Hà Nội FC: Một thập kỷ đua tranh và ước mơ vươn tầm châu lục  - 4

Đoàn Văn Hậu có nhiều cơ hội để phát triển ở Hà Lan.

Cuộc đua không dừng lại

Khi thành công đến, người ta có xu hướng nhìn vào những đỉnh cao cuối cùng. Nhưng hãy đặt một giả thiết, nếu không có bầu Đức, bầu Hiển có đạt được những điều như hôm nay trong cả bóng đá lẫn thương trường?

Con đường mà bầu Đức và bầu Hiển đang đi dù có những kết quả khác nhau nhưng chắc chắn nó chưa thể dừng lại. Bầu Hiển tiếp tục ôm mộng ra biển lớn với quyết tâm chinh phục các giải châu lục và xuất khẩu cầu thủ. Bầu Đức trung thành với hệ thống đào tạo của mình và chờ đợi những lứa cầu thủ tài năng tiếp theo. Những cầu thủ khóa 4 Học viện HAGL JMG đã có chuyến tập huấn dài hạn ở Hà Lan và thu lượm được nhiều điều. Người hâm mộ chờ đợi những tài năng như “siêu nhân nhí” Gia Huy và nhiều cái tên khác sẽ phát lộ trong nay mai.

Suy cho cùng, nếu có đặt bầu Đức, bầu Hiển hay ông bầu nào khác vào một cuộc đua cũng chỉ có lợi cho sự phát triển của bóng đá nước nhà. Ở đó, sự xuất sắc của mỗi lứa cầu thủ trẻ mà các ông bầu đã hao tâm tổn sức, tốn của chăm bẵm sẽ được tưởng thưởng xứng đáng bằng tình yêu của người hâm mộ.

Hà Thành - Ngọc Anh
Bình luận
vtcnews.vn