Hacker đánh cắp và kiếm tiền từ thông tin cá nhân trên mạng thế nào?

Khám pháThứ Ba, 01/06/2021 17:53:00 +07:00
(VTC News) -

Dữ liệu cá nhân như số điện thoại, mật khẩu, địa chỉ, ngày tháng năm sinh,… là miếng mồi béo bở để hacker kiếm tiền.

Theo công ty bảo mật F-Secure, hacker ăn cắp dữ liệu hàng loạt bằng công cụ tự động. Hàng tỷ bản ghi dữ liệu cá nhân bị ăn cắp từ các dịch vụ web mỗi năm. Thường hacker không nhắm cụ thể vào dữ liệu của một người nào vì mỗi lần xâm nhập thành công có thể lấy hàng triệu dữ liệu cá nhân, thậm chí còn nhiều hơn. 

Đáng chú ý theo F-Secure, hơn 80% người dùng Internet dùng chung mật khẩu trên nhiều nền tảng dịch vụ, thậm chí là tất cả các nền tảng. Và tội phạm mạng cũng biết điều này. Thế nên sau khi ăn trộm thành công mật khẩu đăng nhập ở một trang web, hacker sẽ cố gắng đăng nhập vào càng nhiều nền tảng càng tốt.

Hacker đánh cắp và kiếm tiền từ thông tin cá nhân trên mạng thế nào? - 1

 Ảnh minh hoạ.

"Chúng muốn tìm tài khoản có cài thanh toán tự động và dữ liệu cá nhân có thể dùng để ăn cắp danh tính. Các tài khoản mua hàng online thường có các dữ liệu này để mua và giao hàng", F-Secure cho biết.

Tiến trình này cũng tự động, không có kẻ tội phạm nào tốn thời gian ngồi bên máy tính nhập hàng triệu danh tính từng cái một vào một nền tảng dịch vụ. Có phần mềm lập trình riêng để làm việc này, rất nhanh. Nếu thông tin đăng nhập cũng dùng trên các nền tảng dịch vụ khác, tội phạm có thể truy cập vào chúng.

Theo F-Secure, hacker có nhiều cách để kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân như bán thông tin cho các nhóm tội phạm khác để ăn cắp danh tính, mở tài khoản rút tiền, vay tiền. Thẻ tín dụng ăn cắp có thể dùng để mua đồ hoặc trả góp. Tội phạm ăn cắp danh tính có thể mạo danh bạn để vay ngân hàng hoặc vay tiêu dùng tín chấp.

"Nhiều người nghĩ mình quá già để là nạn nhân ăn cắp danh tính. Nhưng họ đã nhầm, dữ liệu cá nhân của ai cũng có thể dùng để lừa đảo được. Thậm chí, người lớn tuổi thường có lịch sử tín dụng tốt hơn người trẻ. Hơn nữa, người già không chuẩn bị tốt để phát hiện và xử lý nhanh khi bị trộm danh tính. Thế nên tội phạm có thời gian để sử dụng dữ liệu cá nhân của nhóm người này hiệu quả hơn", F-Secure nhận định.

F-Secure cho biết cách đơn giản nhất mà người dùng có thể sử dụng để bảo vệ dữ liệu cá nhân đó là dùng mật khẩu mạnh và khác nhau. Khi sử dụng mật khẩu khác nhau cho mỗi tài khoản online, hacker không thể xâm nhập vào tất cả các tài khoản sau khi ăn cắp được một mật khẩu.

Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng một phần mềm quản lý mật khẩu để giữ tất cả các mật khẩu, mã PIN, số thẻ tín dụng và các tài khoản khác an toàn. Vì mật khẩu chính này chỉ lưu trên thiết bị cài đặt phần mềm quản lý mật khẩu (và bất kỳ thiết bị nào kết nối đồng bộ), chúng không thể bị mất cắp trên mạng.

Xác thực 2 lớp là cách tiếp theo mà nhiều người dùng đang sử dụng. Lớp bảo mật thứ 2 có thể là vân tay, mật mã dùng một lần gửi qua tin nhắn…

Bên cạnh đó, người dùng có thể chủ động bảo vệ mình bằng các phần mềm diệt virus. Phần mềm này sẽ ngăn phầm mềm độc hại không lấy cắp dữ liệu của bạn. Đồng thời sẽ cảnh báo tới bạn trước khi phần mềm độc hại bị xoá khỏi thiết bị đang sử dụng.

Cùng với đó, trong quá trình sử dụng Internet, người dùng cần hạn chế cung cấp thông tin cá nhân cho các dịch vụ web. Khi có ít thông tin của bạn trên mạng, tội phạm sẽ có ít cơ hội ăn cắp hơn.

Cuối cùng theo F-Secure người dùng có thể sử dụng các công cụ kiểm tra xem phần nào dữ liệu đã bị xâm phạm, hay phần mềm giám sát danh tính…

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp