Hạ sát người tình: Chuyên gia mổ xẻ lý do

Pháp luậtThứ Năm, 25/04/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Chuyên gia cho rằng, thủ phạm trong những vụ hạ sát người yêu với động cơ duy nhất là sự bế tắc, trả thù, ích kỷ.

(VTC News) – Chuyên gia tư vấn tâm lý, tình cảm Đinh Đoàn cho rằng, thủ phạm trong những vụ hạ sát người yêu cũ thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương.

Thời gian qua, dư luận cả nước không khỏi đau lòng và bức xúc trước hàng loạt vụ trả thù xuất phát từ mâu thuẫn, tình cảm, ghen tuông…của các đôi trai gái.

Điển hình là vụ cô gái bị némxăng thiêu đốt ở Đà Nẵng chỉ vì thủ phạm tán tỉnh không được, vụ nam thanh niên hạ sát người yêu rồi nhận tội trên facebook, vụ cô gái mang mìn đến đám cưới người yêu cũ rồi kích nổ ở Hải Dương,…

Những sự việc đau lòng xảy ra gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự tự do yêu đương dẫn đến mù quáng, liều lĩnh và lệch lạc của một bộ phận nam nữ thanh niên trong xã hội ngày nay.

Về việc này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Tâm lý học Đinh Đoàn, chuyên gia tư vấn tâm lý – tình cảm của Công ty TNHH Tư vấn tâm lý – Đào tạo phát triển Cá nhân & Cộng đồng để đánh giá sự việc dưới góc độ xã hội.

- Với tư cách là chuyên gia tâm lý - tình cảm, ông đánh giá thế nào về hành động của thủ phạm trong những vụ việc đau lòng trên?

Theo tôi, bất cứ những hành vi bạo lực nào cũng là đáng trách, đáng lên án và cần xử lý nghiêm khắc theo pháp luật, đặc biệt là những hành vi bạo lực trong tình yêu – một lĩnh vưc được cho là chỉ có tin tưởng, tôn trọng và yêu thương. Những kẻ thủ ác sẽ bị pháp luật trừng trị.

Tuy nhiên, những kẻ đáng lên án cũng là “nạn nhân” đáng thương.

 Thạc sĩ Tâm lý học Đinh Đoàn, chuyên gia tư vấn tâm lý – tình cảm.

Một ngôi nhà có nhiều cái cột,nếu không may một hay hai cái cột có hư hỏng, mối mọt thì cả ngôi nhà vẫn đứng vững nhờ những cây cột khác vững chãi.

Một con người nếu có nhiều niềm vui, niềm đam mê, ham học hành, tích cưc lao động, cống hiến, được khẳng định bản thân trong nhiều lĩnh vực, thì nếu không may một “lĩnh vực” nào đó có mất mát, người đó có đau buồn, nhưng nhờ những niềm vui, niềm đam mê khác, nỗi đau sẽ qua mau.


Những người có cuộc sống nhàm chán, không may mắn, học hành dang dở, công việc, sự nghiệp không đâu vào đâu, sức lực thì thừa mà không có nơi để giải tỏa, nhìn vào đâu cũng thấy bế tắc, cánh cửa cuộc đời mịt mù…rất dễ lao vào chuyện yêu đương để ru ngủ bản thân, coi yêu đương là cứu rỗi duy nhất.

Nếu cái sự cứu ri duy nhất đó cũng thất bại, thì người ta nghĩ rằng đời thế là hết, mọi cánh cửa đã đóng lại rồi. Kẻ bế tắc dễ làm càn, giống như con thú dồn đến đường cùng cũng hay cắn càn.

Những thủ phạm trong các vụ việc này thật đáng trách, song cũng đáng thương!

- Tại sao ngày càng có nhiều vụ bạo lực xảy ra trong lĩnh vực tình yêu? Đâu là nguyên nhân của tình trạng bạo lực này?

Những vụ bạo lực xảy ra trong lĩnh vực tình yêu, trong thanh niên hiện nay cũng nằm trong tình trạng bạo lực xã hội ngày càng gia tăng ở mọi lĩnh vực.

Cha mẹ đẻ giết con ruột, con cháu đánh đập hay bức tử ông bà, cha mẹ, thầy cô bạo lực với học sinh, học sinh xử tệ với thầy cô và bạn học, ông chủ đối xử tàn nhẫn với người lao động… là những vụ việc nhan nhản xảy ra.
Hiện trường vụ nổ mìn khiến một cô gái tử vong tại nhà người yêu cũ.

Cuộc sống hối hả, cạnh tranh giành phần thắng về mình khiến cho một số người nổi tiếng, các “sao” cũng không ngại sử dụng “mưu hèn kế bẩn”, sẵn sàng “ném đá” vào nhau, thanh loại lẫn nhau.

 

Theo tôi, động cơ duy nhất khiến thủ phạm ra tay là sự bế tắc, trả thù, ích kỷ. Không bao giờ có thể biện minh cho tình yêu bằng bạo lực.

Thạc sỹ Tâm lý học Đinh Đoàn
 
Và đến bây giờ, những người yêu nhau, đã từng yêu, đã hết yêu…cũng tàn sát lẫn nhau. Nguồn nước ô nhiễm, khó mà mong có con cá “trong sạch tuyệt đối” được.


Nói về nguyên nhân thì nhiều. Trước tiên là lỗi ở các cá nhân thủ phạm, những người thiếu tu dưỡng tâm hồn, không biết nhìn cuộc sống bằng sự bao dung, nhân hậu, vị tha, chỉ nuôi dưỡng mầm thù hận, ác độc.

Gia đình cũng không phải vô can. Trẻ em ngày càng được nuôi dưỡng tốt bằng sữa ngoại đắt tiền, đồ chơi hiện đại, áo quần đúng mốt, nhưng tâm hồn, nhân cách bị bỏ đói.

Cha mẹ chỉ khích lệ con phải cố gắng giành thắng lợi, thi đỗ, đứng đầu bảng, lọt vào “top nọ top kia”, chứ không dạy con đối mặt với thất bại, dũng cảm đứng dậy khi bị vấp ngã. Thế là trước những bế tắc của cuộc đời, các em không biết chạy đâu, thế là làm liều, vừa hại người, vừa hại mình.


Các cán bộ quản lý ngành giáo dục cũng thừa nhận Nhà trường mới làm tốt vấn đề “dạy chữ”, chứ chưa làm tốt việc “dạy người”. Pháp luật chú ý nhiều đến “xử phạt” chứ chưa có biện pháp ngăn ngừa, răn đe.

- Động cơ nào, tâm lý nào khiến các thủ phạm hành động mù quáng như vậy? Liệu đó có phải là một cách để thể hiện tình yêu với người khác?

Theo tôi, động cơ duy nhất khiến thủ phạm ra tay là sự bế tắc, trả thù, ích kỷ. Không bao giờ có thể biện minh cho tình yêu bằng bạo lực.

Hung thủ giết người yêu rồi thú nhận trên facebook.
Điều tôi muốn nói thêm rằng đa số các vụ án bạo lực trong lĩnh vực tình ái, lỗi lớn nhất, kẻ đáng trách và lên án nhất là thủ phạm. Tuy nhiên, có một số vụ, người bị hại cũng chịu một phần trách nhiệm do lối sống, cách ứng xử không đúng mực của bản thân.

Một người phụ nữ ra tay sát hại chồng bởi chính người phụ nữ đó đã bị người chồng gây bạo lực trong một thời gian dài, dồn người vợ đến bước đường cùng.

Một cô gái ăn ở với người yêu trong suốt vài năm liền, “đùng một cái” quay ngoắt, đòi chia tay.

Sự chia tay đột ngột để lại cú sốc “trời giáng” cho người con trai, cần có thời gian để giải quyết ổn thỏa, thì cô gái đã ngay lập tức “tay trong tay” với người mới, thường là người hơn hẳn người cũ ở nhiều mặt, khiến bạn trai cũ cho rằng cô gái bội bạc, có mới nới cũ, tham giàu chê nghèo…

Tự ái, bị mất mặt, bị tổn thương lòng tự trọng cũng khiến người ta trở nên điên cuồng.


Ứng xử khéo léo, tế nhị, đàng hoàng một chút có thể ngăn ngừa được một vụ bạo lực kinh hoàng. Kể cả việc từ chối tình yêu cũng cần có kỹ năng.

Cảm ơn người ta dành tình yêu cho mình, dứt khoát không “đong đưa”, không bắt cá hai tay, không chê bai, xúc phạm người ta, người ta có thể yêu đơn phương một thời gian mà thấy không được gìsẽ nản.

Đừng bao giờ nói: “anh (hay em) nhìn lại mình đi, tôi mà thèm yêu anh (em) à? Đúng là không biết mình là ai!”. Từ yêu thương chuyển sang thù hận là con đường khá ngắn!

- Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang yêu?

Tình yêu không phải là tất cả cuộc sống của chúng ta. Ngoài yêu đương, chúng ta còn cần nhiều thứ để cuộc sống của mình trở nên phong phú.

Học tập, lao động, giao lưu, khẳng định bản thân, tự tin trước mọi tình huống của cuộc sống là điều mỗi người nên có. Muốn được yêu thì trước hết bạn phải chứng minh được mình là người đáng yêu.

Tình yêu được ví như “con chuột nhút nhát”, có khi cứ nhẹ nhàng, êm dịu, chuột sẽ tự mon men đến, còn dùng sức mạnh hay dọa nạt, ép buộc, chuột càng ẩn sâu trong hang ổ của mình!

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn