Hà Nội tính chuyện chia vùng và thu phí taxi

Thời sựThứ Năm, 19/04/2012 12:43:00 +07:00

(VTC News) - Dự thảo Đề án quản lý taxi trên đại bàn Hà Nội đề xuất sẽ chia vùng hoạt động của taxi và thu phí với taxi hoạt động trong vùng trung tâm.

(VTC News) - Để quản lý tốt hơn hoạt động taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng loạt các giải pháp đã được các sở, ngành đưa ra để bàn thảo, lấy ý kiến, trong đó không loại trừ khả năng sẽ chia vùng hoạt động của taxi và thu phí với vùng trung tâm…

Chiều 18/4, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã chủ trì làm việc với các sở, ngành đóng góp ý kiến cho Dự thảo Đề án quản lý hoạt động vận tải bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2030.

Không khuyến khích phát triển

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay hệ thống taxi của Hà Nội mang tính chất lưỡng tính, vừa là loại hình vận tải công cộng lại vừa mang tính chất cá nhân.

Xét về mặt hiệu quả khai thác vận tải và hiệu quả chung của xã hội, taxi không thể so với các loại hình vận tải khách công cộng vừa (xe buýt) và lớn (BRT, Metro), nhưng rõ ràng là taxi hiệu quả hơn các loại hình sử dụng phương tiện cá nhân, vì hệ số người trên xe lớn hơn, thời gian sử dụng xe trong ngày lớn hơn phương tiện cá nhân.

Taxi đón, trả khách gây cảnh lộn xộn trước cổng bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Vì vậy, taxi không phải là loại hình vận tải khách được khuyến khích phát triển, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố - nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao.

Nhưng taxi vẫn được tồn tại ở một mức độ phù hợp nhằm hỗ trợ cho vận tải khách công cộng và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong khi hệ thống vận tải khách công cộng thành phố chưa được xây dựng và đi vào khai thác (như đường sắt đô thị, Metro...).

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố, từ nay đên năm 2015 và định hướng đến năm 2030, cần có sự phát triển cả về quy mô chất lượng, lẫn số lượng phương tiện taxi.

Dự báo về tổng số phương tiện taxi toàn thành phố phù hợp đến năm 2015 là khoảng 21.000 xe, đến 2020 là khoảng 26.000 xe, trong đó riêng khu vực trung tâm tới năm 2015 có khoảng 10.000 xe; năm 2020 khoảng 12.500 xe.

Taxi hoạt động trong trung tâm phải đóng phí?

Nhằm tăng cường quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố tới năm 2020, Dự thảo đưa ra 7 nhóm giải pháp, như: Bổ sung điều kiện kinh doanh vận tải taxi; Phân vùng hoạt động vận tải taxi; Quản lý khai thách vận tải taxi bằng tổng đài dùng chung...

Về lộ trình thực hiện, giai đoạn từ năm 2012-2015, thành phố sẽ tập trung hạn chế phương tiện hoạt động trong vùng trung tâm, trong đó sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi, không tăng thếm số lượng taxi; Đấu thầu hoạt động khai thác vận tải vận tải hành khách bằng taxi trong khu vực vùng trung tâm; Taxi hoạt động trong vùng trung tâm phải nộp phí để đóng góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thành phố.

Ngoài quản lý bằng màu sơn, Hà Nội sẽ phần vùng hoạt động của taxi, taxi nào hoạt động trong khu vực trung tâm thành phố có thể phải đóng thêm phí. 


Ngoài ra, các phương tiện taxi ở trong vùng trung tâm được đón trả khách ở ngoài, còn các phương tiện taxi hoạt động ngoài vùng trung tâm không được vào trong đón khách.

Giai đoạn này, các xe taxi đăng ký mới sẽ thực hiện chuyển đổi màu sơn, tất cả các xe taxi bắt buộc phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn, với một mẫu hóa đơn thống nhất.

Đối với giai đoạn sau năm 2015, toàn bộ taxi hoạt động trên địa bàn Thành phố sẽ thống nhất màu sơn theo vùng, vùng trung tâm khác vùng ngoài trung tâm, taxi đưa đón khách sân bay có màu sơn riêng. Các hãng khác nhau thì gắn thêm logo hãng kèm theo.

Cho ý kiến về Dự thảo Đề án này, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, cần xác định nhu cầu cụ thể theo từng vùng, từ đó đấu giá phục vụ theo từng vùng để hạn chế ùn tắc giao thông, đồng thời cần thường xuyên kiểm tra cấp chứng chỉ hành nghề cho lai xe taxi, thành phần tham gia sát hạch taxi nên bổ sung lực lượng cảnh sát giao thông.

Trong khi đó, theo đại diện Sở Tư pháp Hà Nội, đơn vị chủ trì xây dựng Đề án cần có đánh giá tác động xã hội khi đưa ra các phương án quản lý này, đồng thời, cần có giải pháp hạn chế taxi hoạt động trong vùng trung tâm…

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, cần đánh giá lại toàn bộ việc quản lý hoạt động taxi thời gian qua, quản lý taxi dù như thế nào. Các hạn chế, yếu kém của các doanh nghiệp taxi hiện nay để có phương án, giải pháp, bổ sung các tiêu chí đối với các doanh nghiệp sao cho phù hợp.

Ngoài ra, theo ông Khôi, cần thí điểm triển khai các điểm đón, trả khách cho taxi, và nghiên cứu kỹ các vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, ngay như việc các doanh nghiệp dùng chung tổng đài cũng phải nghiên cứu kỹ…

Dự kiến cuối tháng 4 này Dự thảo sẽ được báo cáo UBND thành phố, và đầu tháng 5 tới sẽ báo cáo Thành ủy.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn