Hà Nội nên xem lại việc thu phí đền Quán Thánh

Thời sựThứ Hai, 17/02/2014 11:06:00 +07:00

Theo ĐBQH TP. Hà Nội, nếu nguồn thu chỉ để “nuôi” bộ máy làm nhiệm vụ thu phí, bảo vệ, trông coi thì thành phố cần rà soát và xem xét lại.

Đây là ý kiến của bà Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) xung quanh việc thu phí tại đền Quán Thánh mà Báo Giao thông đã đề cập. 

Đa phần những người vào đền Quán Thánh vì nhu cầu tín ngưỡng chứ không phải tham quan, du lịch
Đa phần những người vào đền Quán Thánh vì nhu cầu tín ngưỡng chứ không phải tham quan, du lịch

Phí vào đền “cõng” quỹ cải cách tiền lương?

Trong Quyết định số 43 của TP Hà Nội, 90% trên tổng số phí thu được qua hoạt động bán vé vào đền chỉ để... phục vụ công tác thu phí. Bản thân ông Võ Hồng Vinh - Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình khi trao đổi với PV cũng cho rằng, đó là quy định của thành phố và đơn vị chỉ có nhiệm vụ thực hiện.

"Làm thế nào để phân biệt người vào đền Quán Thánh để du lịch, tham quan hay là người đi lễ. Người ta đi lễ vì tín ngưỡng và việc đi lễ đó có thể diễn ra theo tháng, ngày rằm, mùng 1, không lẽ họ cũng phải mua vé?”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề quản lý thu - chi, ông Vinh giải thích rằng có nhiều nội dung, nhưng chi chung là cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
“Đối với nguồn phí, lệ phí như trường hợp thu phí ở đền Quán Thánh, trong 90% số tiền được để lại cho đơn vị tổ chức thu, chúng tôi còn phải trích nộp 40% để đưa vào quỹ cải cách tiền lương cho cán bộ công chức”, ông Vinh khẳng định, Phòng Văn hóa và thông tin quận là đơn vị được giao quản lý trực tiếp di tích đền Quán Thánh. Việc thu, chi được thực hiện theo Thông tư 63/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính (thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí - PV).

PV đã tìm hiểu nội dung của thông tư này thì thấy không có mục nào nói đến việc phải trích 40% cho quỹ cải cách tiền lương. Ngoài ra, nếu theo Thông tư 63 (thực hiện Nghị định số 57/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành pháp lệnh về phí và lệ phí) thì chiếc vé để được vào đền Quán Thánh cũng không thể coi là chứng từ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính mà tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí (Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình) có trách nhiệm cấp cho người “sử dụng dịch vụ”.

Thành phố nên xem xét lại

Ông Bùi Thanh Bình - Chánh Văn phòng UBND quận Ba Đình khi tiếp PV cũng thừa nhận, việc thu phí tại đền Quán Thánh đã có từ lâu nhưng cũng nêu quan điểm: “Tiền thu được từ việc bán vé bao giờ cũng là cái “đập” lại chính cái đền để tu bổ, tôn tạo”, chứ không ngoài mục đích gì khác.

Chiều 16/2, trao đổi với PV, bà Trần Thị Quốc Khánh - ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, nếu thành phố đã có hẳn một quyết định cho phép thu phí tại đền Quán Thánh tức là cơ quan Nhà nước phải có lý do. “Chỉ có điều, theo tôi, đã tổ chức thu phí thì nguồn thu đó phải phục vụ cho mục đích tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Còn nếu nguồn thu chỉ để “nuôi” bộ máy làm nhiệm vụ thu phí, bảo vệ, trông coi thì thành phố cần rà soát và xem xét lại. Hơn nữa, nếu lại có chuyện trích 40% từ nguồn thu này cho một cái quỹ gọi là cải cách tiền lương thì cũng không ổn”, bà Khánh nói.

Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu là trông xe, đi đò, cáp treo thì đó là dịch vụ và việc thu phí không có gì phải bàn. Tuy nhiên, nếu thành phố đã có quyết định cho phép thu phí ở đền Quán Thánh thì cũng nên giải thích cho người dân biết tại sao lại không thu ở những nơi khác. Rồi giám sát việc thu phí đó như thế nào, nguồn thu đó phục vụ mục đích gì?
Bình luận
vtcnews.vn