Hà Nội mưa bão, nhiều phố nguy cơ ngập úng

Thời sựThứ Bảy, 19/07/2014 11:37:00 +07:00

(VTC News) - Từ sáng sớm nay, cơn bão được xem là mạnh nhất trong 10 năm qua đã bắt đầu ảnh hưởng tới vùng Đông Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội.

(VTC News) - Từ sáng sớm nay, cơn bão được xem là mạnh nhất trong 10 năm qua đã bắt đầu ảnh hưởng tới vùng Đông Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Theo bản tin phát lúc 9h của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, qua theo dõi trên các sản phẩm số liệu vệ tinh và radar cho thấy hệ thống mây đối lưu của cơn bão số 2 dịch chuyển về phía tây. Khu vực Hà Nội đang nằm ở phía tây tây nam của hệ thống mây đối lưu này.

Từ hơn 10h đến 11h35 trưa nay, 19/7, khu vực Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện mưa rào, dông và gió giật mạnh. Mặc dù lúc sáng sớm, không khí ở Hà Nội vẫn khá yên bình. Nhân viên công ty cây xanh vẫn chặt cành cây ở một số tuyến phố đề phòng gió lớn.

Nhiều nơi ở Hà Nội bắt đầu mưa như trút nước - Ảnh minh họa

Hiện tượng mưa dông suốt mấy ngày qua ở Hà Nội là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2. Cơn bão này chỉ sượt qua Quảng Ninh và đi vào biên giới Việt - Trung nhưng sẽ còn gây mưa lớn và nhiều diễn biến thời tiết khó lường cho các tỉnh miền Bắc.

Dự báo từ chiều tối nay đến 22/7, ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ có một đợt mưa to, có nơi mưa rất to. Một số tỉnh miền núi có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất cao là Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa mới cho biết hiện tâm bão đã đi qua Quảng Ninh, sau 2 tiếng nữa nhân dân đã có thể trở về nhà.

Video mưa to, gió giật mạnh tại TP Móng Cái, Quảng Ninh:
Tính thiệt hại của cơn bão Thần Sấm đến thời điểm hiện tại theo thông tin chung cả nước, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, hiện chưa có tàu nào bị đắm trên biển. Bộ NN&PTNT cũng cho biết đã di rời 9929 hộ dân và 34000 người đến khu vực an toàn. Bộ cũng lưu ý sẵn sàng phương án xả lũ, tại nơi tâm bão đã đi qua và đề phòng lũ quét ở vùng núi, tập trung chỉ đạo chống lũ.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cũng cảnh báo về một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ nay đến ngày 22/7.

Trong đợt lũ này, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng lên mức báo động 1; mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 1, hạ lưu tại Phả Lại có khả năng lên mức 3m, còn dưới mức báo động 1 (4 mét); sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên 5,5 mét, còn dưới mức báo động 1 (9,5 mét); các sông nhỏ vùng núi phía Bắc và Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3.

Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Đông Bắc, các khu vực có nguy cơ xẩy ra lũ quét và sạt lở đất cao là: tỉnh Bắc Cạn gồm huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông- Thị xã Bắc Cạn; tỉnh Cao Bằng gồm các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc; tỉnh Lạng Sơn gồm các huyện Hữu Lũng, Đình Lập, Lộc Bình và Cao Lộc; tỉnh Quảng Ninh gồm các huyện Móng Cái, Hải Hà và Bình Liêu; tỉnh Hà Giang gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên- thành phố Hà Giang, Yên Minh, Bắc Mê; tỉnh Lào Cai gồm các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa; tỉnh Yên Bái gồm các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái; tỉnh Lai Châu gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ và Tam Đường.

» Bão Thần Sấm chưa vào, Hải Phòng đã có người thiệt mạng
» Phó Thủ tướng thị sát chống bão ở Hải Phòng trong đêm
» Khẩn trương di dân, hối hả chằng chống nhà cửa


Diệp Vy
Bình luận
vtcnews.vn