Hà Nội: Lửa ấm nơi đau buồn không ai muốn đến

Sức khỏeThứ Bảy, 09/02/2013 12:20:00 +07:00

(VTC News) – Vào những ngày gần Tết, tại đây, tình người lại được thổi bùng lên hơn bao giờ hết.

(VTC News) – Vào những ngày gần Tết, tại đây, tình người lại được thổi bùng lên hơn bao giờ hết.

Nồi cháo được niệm Phật từ bi

Chúng tôi đến Viện K, cơ sở 2 Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội vào những ngày rét mướt cuối năm.  Bệnh nhân ở đây đa số là nghèo. Họ nghèo bởi căn bệnh nan y là ung thư vận vào người. Mỗi gia đình có một người ốm thì cả nhà kiệt quệ cả về sức lực, tinh thần và vật chất.

Những nồi cháo từ thiện tại viện K, cơ sở 2 này đã được tổ A di đà, chùa Pháp Vân từ thiện cho bệnh nhân ung thư.
Chị Tâm (Hải Dương), bệnh nhân ung thư dạ dày chia sẻ: “Cách đây 6 tháng, tự nhiên bụng em to chướng lên, người thấy mệt mỏi. Em đi khám, bác sĩ bảo đã bị K dạ dày di căn xuống ổ bụng. Giờ em hết sạch tiền. Bác sĩ muốn giữ lại chữa nhưng gia đình nghèo quá. Em muốn về quê kiếm thêm ít tiền rồi lại lên”.

Với chị Tâm, giờ đây, vài chục ngàn đồng cũng là quý.  Chị không có tiền để ăn cơm hàng, vì vậy, bữa cháo từ thiện là hạnh phúc đối với chị.

Ở bệnh viện K này, nồi cháo từ thiện vào thứ 3 hàng tuần là sự mong đợi của nhiều bệnh nhân. Khoảng 3-4 giờ chiều, một chiếc xe lam chở những nồi cháo to cùng thùng quà tặng với sữa, kẹo bánh lại được các phật tử chùa Pháp Vân mang tới.

Chiếc xe vừa đỗ, bệnh nhân đã ùa tới, mỗi người cầm một cặp lồng để được múc cháo. Người thì được nhà chùa tặng sữa, người thì túi bánh. Khuôn mặt họ toát lên chút niềm vui.

Phật tử chùa Pháp Vân tặng quà cho bệnh nhân ung thư.
Trên chuyến xe từ thiện đều đặn này bao giờ cũng có các phật tử chùa Pháp Vân, sinh viên tình nguyện…

Bà Lê Thị Vân (Tổ A Di Đà, chùa Pháp Vân) chia sẻ: Một lần, tôi đến chia cơm cho các bệnh nhân ở đây. Nhưng cơm thì được ít hơn nên người có người không. Sau đó, tôi nảy ra ý định nấu cháo cho người bệnh. Tôi về xin phép thầy trụ trì chùa là thầy Thích Thanh Huân, thầy đồng ý. Từ đó, chúng tôi quyên góp tiền, gạo, bánh kẹo.  Hơn thế, mỗi phật tử còn về vận động người thân, bạn bè cùng tham gia”.

Tôi rất tò mò không biết trong nồi cháo ấy có gì, nhưng chỉ biết một điều, chắc  chắn người bệnh và người nhà bệnh nhân sẽ ấm lòng hơn, sẽ đỡ vất vả hơn cho mỗi bữa cơm chiều.

Bà Nguyễn Thị Thế (Tổ A Di Đà) nói: “Nồi cháo nhà Phật nên là đồ chay gồm hơn 1 yến gạo, hạt sen, ý dĩ, kỳ tử… Nhưng điều đặc biệt là khi nấu xong, chúng tôi mang lên tụng kinh niệm Phật, cầu cho bệnh nhân tai qua nạn khỏi. Những người đóng góp từ thiện cho nồi cháo này cũng được cầu nguyện để gặp điều may mắn”.

Em Nguyễn Văn Long (sinh viên trường ĐH Xây Dựng) tham gia hoạt động từ thiện này chia sẻ: "Chúng em cắt cử nhau đến hỗ trợ tổ A Di Đà phát cháo, phát quà. Chúng em là sinh viên, còn trẻ, còn khỏe làm được gì thì chúng em làm. Chúng em làm việc này để tâm được sáng hơn, lòng cũng thanh thản hơn”.

Cũng chung tấm lòng nhân ái ấy, sư thầy Thích Đàm Chung, trụ trì chùa Phổ Linh, Tây Hồ, Hà Nội cũng là người thầm lặng giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh ở bệnh viện K, cơ sở 2 từ hơn chục năm nay.

Thầy đến với các bệnh nhân ở đây như một cơ duyên. “Sư thầy tôi điều trị ở viện K nên tôi có dịp đến đây. Mỗi khi nhớ thầy, tôi lại vào viện K. Một lần có cụ kêu đau, tôi biếu cụ tràng hạt và niệm phật. Cụ mừng và không kêu khóc nữa. Từ đó, tôi vào viện và động viên an ủi người bệnh”, thầy Thích Đàm Chung nói.

Hàng tháng, sư thầy tổ chức những khoá tu an lạc cho khoảng 500-800 bệnh nhân nặng, giúp họ vơi bớt những gánh nặng về tâm lý. Thầy còn đón bệnh nhân về chùa tu học. Đây như liệu pháp tinh thần xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân.

Những suất cơm chan chứa tình người

Chị Tuyết (áo xanh) không giàu có gì, ch bán cơm ở cổng viện K, cơ sở 2. Chị cho Đại tá túc đchữa bệnh. Khi Đại nằm viện, chị  Tuyết lại nhờ người bán cơm để mang đăn vào viện cho Đại.
Ở nơi tột cùng của sự khổ đau, tình yêu, tình thương giữa con người với con người lại được bộc lộ nhiều hơn nữa.

Em Hoàng Văn Đại quê ở Đồng Nghè 1, Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên bị ung thư máu, đang điều trị tại viện K, cơ sở 2,  Tam Hiệpđã được truyền tới 14 lần hóa chất. Mới đây, mũi Đại bỗng dưng chảy máu, em phải đi cấp cứu và nằm viện mất nửa tháng.

Xuất viện một thời gian, em lại phải vào để truyền máu, dịch, truyền đạm. Cứ đều đều 1 tháng em lại vào viện 1 lần để điều trị, xét nghiệm máu, lấy thuốc về uống. Đại đã quá quen với bệnh viện. Thời gian đầu, mẹ còn đi cùng. Giờ, mỗi lần đi vào viện truyền máu, truyền hóa chất, em cũng chỉ có một thân một mình.

May mắn, Đại đã gặp được chị Khiếu Thị Tuyết (quán cơm bình dân Nam Định) giúp. Chị cho Đại ở nhờ, ăn cơm ngày 3 bữa. Nếu Đại khỏe, giúp chị Tuyết bưng bê, chơi với em. Những hôm Đại mệt, chị Tuyết vẫn nhắc Đại nghỉ ngơi. Dù chị Tuyết không giàu có gì, gia đình còn phải đi vay tiền mở  quán cơm nhưng chị sẵn sàng giúp Đại ít tiền mỗi khi em vào viện.

Lúc chúng tôi đến, quán cơm của chị Tuyết rất đông khách. Người mua chủ yếu là bệnh nhân, người nhà đi  trông. Giá mỗi suất cơm ở đây cũng chỉ 15 – 20 ngàn đồng. Đến trưa, chị mang cơm vào cho Đại ăn.

Cũng ở quán cơm này, dù nghèo lắm nhưng cũng có khi, bệnh nhân này ủng hộ cơm cho bệnh nhân khác nghèo hơn mình.

Chỉ khi đến tận nơi, nhìn tận mắt tôi mới thấy ở chỗ đau buồn mà thời gian đầu, tôi không muốn đến. Nơi ấy khiến tôi đau đớn, ám ảnh. Giờ, tôi lại hiểu ra rằng, ở đây vẫn sáng lên tình người vô cùng ấm.


Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn