Hà Nội ‘giật mình’ sau sự cố sập cầu Chu Va

Thời sựThứ Sáu, 07/03/2014 06:31:00 +07:00

(VTC News) - Lãnh đạo Hà Nội vừa có những chỉ đạo quyết liệt trong việc kiểm tra tình trạng các cầu treo, cầu yếu, cầu tạm ở thủ đô sau sự cố sập cầu Chu Va. 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi vừa có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và UBND 29 quận, huyện, thị xã tăng cường an toàn giao thông đối với các cầu treo, cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu, lãnh đạo UBND Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện ngay việc rà soát, kiểm tra tình trạng các cầu treo, cầu yếu, cầu tạm hiện đang quản lý theo phân cấp.

Hình ảnh cầu treo Chu Va 6 bị lật nghiêng khiến 8 người chết và 38 người bị thương. Ảnh: Khánh Công

Cùng với đó, tổ chức kiểm định chất lượng cầu để có phương án sửa chữa, khai thác phù hợp; bổ sung biển báo để bảo đảm an toàn giao thông. Làm tốt duy tu, sửa chữa để khai thác sử dụng hiệu quả các công trình cầu, chống xuống cấp, không để xảy ra tình trạng sập cầu. Đồng thời, rà soát lại thiết kế các dự án cầu treo chuẩn bị đầu tư xây dựng để phù hợp điều kiện khai thác và an toàn tuyệt đối.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có 34 cầu yếu vượt sông gồm: cầu Hậu Xá, Ba Thá, Mỗ Lao, Ngọc Hồi, Từ Châu, cầu Gốm, Đầm Mơ, Thuần Lương, Yên Trình và cầu Zét... Ngoài ra, còn rất nhiều cầu tạm bằng gỗ bắc qua các sông Tô Lịch ngay trong lòng thành phố.

Mở 2 tuyến cáp treo nối chùa Hương với chùa Tiên
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cũng vừa có văn bản cho ý kiến về việc đầu tư xây dựng Dự án tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội và xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình.

 Sắp có tuyến cáp treo từ chùa Hương (Hà Nội) sang chùa Tiên (Hòa Bình). Ảnh: Internet 

Theo đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đồng ý giao cho Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thái Bình là nhà đầu tư nghiên cứu lập và triển khai đầu tư xây dựng Dự án tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức và xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình phần dự án thuộc phạm vi địa giới hành chính thành phố Hà Nội.

Cụ thể, địa điểm thực hiện dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm nhà ga ở khu vực eo núi, dãy núi Hương Sơn thuộc địa giới hành chính thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.

Dự kiến công suất thiết kế tuyến cáp treo Hương Bình sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách khoảng 1.500 -2.000 lượt người/giờ, tương đương 12.000-16.000 lượt người/ngày.

Chiều dài tuyến cáp treo này là 2,85km, vận tốc vận hành 6 mét/giây, vận tốc nhà ga là 0,3m/giây; khoảng cách giữa 2 cabin là 90 đến 108m; số lượng cabin từ 25-45 chiếc; đường kính cáp treo 43mm; đường kính bánh đà truyền động 4,8m; chiều rộng tuyến cáp là 5,2m.

Tuyến cáp treo được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế và Châu Âu. Chiều dài toàn tuyến cáp treo gồn 17 trụ đỡ, 2 nhà ga đón và trả khách. Trong đó, phần cáp treo thuộc địa bàn xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ khoảng 1,55km với 9 trụ đỡ, 1 nhà ga đón và trả khách, đường dẫn, bãi xe, khu bán vé...; phần cáp treo thuộc địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức khoảng 1,3km với 8 trụ đỡ và 1 nhà ga đón và trả khách, nhà ga, cổng tứ trụ, đường dẫn có mái che, quầy bán vé.

Tổng mức đầu tư dự kiến của nhà đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Thời gian khởi công dự kiến trong năm 2014, hoàn thành trong năm 2015.  

Bình luận
vtcnews.vn