Hà Nội đổi giờ thành công: “Chỉ là báo cáo chủ quan”

Thời sựThứ Năm, 15/03/2012 12:30:00 +07:00

(VTC News) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc đánh giá đổi giờ đã có kết quả cũng chỉ là đánh giá ban đầu của cơ quan quản lý.

(VTC News) - “Việc đánh giá đổi giờ đã có kết quả cũng chỉ là đánh giá ban đầu của cơ quan quản lý, Sở Giao thông Vận tải chủ trì và cùng thực hiện với Sở Giáo dục Đào tạo, nên con số của hai cơ quan này đưa ra có thể không khách quan”, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định.

>>Một tháng đổi giờ, Hà Nội tắc vẫn hoàn tắc

Cần nghiên cứu xã hội học

Để có đánh giá chính xác kết quả sau hơn 1 tháng Hà Nội thực hiện đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh thương mại trên địa bàn 12 quận, huyện theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cần có nghiên cứu xã hội học, có ý kiến người dân thế nào. Để làm được điều đó, các ngành, các viện phải cùng nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách.

Sau 1 tháng đổi giờ, đường Hà Nội vẫn ùn tắc. Ảnh chụp chiều tối 29/2 trên đường Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng. 

“Kết quả ban đầu có thể nói là phấn khởi, nhưng còn nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến nó. Phần lớn các điểm “đen” thường xuyên ùn tắc, sau đổi giờ mật độ phương tiện đã giảm đáng kể vào giờ cao điểm, ngay cả giờ cao điểm cũng giãn ra 2 tiếng, thay vì 1 tiếng như trước đây, đấy cũng là mục tiêu đã đạt được”, ông Thảo đánh giá.

Theo ông Thảo, đổi giờ là một giải pháp tình thế, trước đây Hà Nội cũng từng đổi một lần, nhưng không thành. Lần này đổi giờ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nên cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh phương án để vừa giảm ùn tắc nhưng vẫn đảm bảo giờ sinh hoạt từ già tới trẻ, từ công chức tới ngành nghề khác, giảm tối thiểu hệ lụy tiêu cực tới đời sống người dân.

Đánh giá kết quả cải thiện giao thông sau 1 tháng đổi giờ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sau khi đi kiểm tra công tác đổi giờ tại các trường học trên địa bàn 12 quận huyện, có 106/118 trường (90%) thực hiện đổi giờ học.

Qua việc tổ chức đếm phương tiện tại một số nút giao thông tập trung đông phương tiện, vào thời điểm trước và trong khi đổi giờ, ông Hùng đánh giá, lưu lượng phương tiện tại các nút trọng điểm đã phân bố giãn đều ra các giờ khác nhau, không tập trung quá đông vào giờ cao điểm như khi chưa đổi giờ.

“Vào giờ cao điểm mật độ phương tiện đã giảm từ 5-15% (tùy từng nút). Tại một số nút vượt khả năng thông qua chỉ còn 1,2-1,9 lần, trong khi thời điểm trước đổi giờ chỉ số này là từ 1,5-2,3 lần, thậm chí có điểm vượt 4-5 lần. Ngoài ra, sau đổi giờ thời gian chuyến đi cũng được rút ngán, giảm từ 10-15 phút so với trước”, ông Hùng so sánh.

Tắc giảm nhưng ùn thì vẫn vậy

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận một thực tế, sau khi đổi giờ, trên một số tuyến phố tình hình giao thông không thay đổi nhiều và xuất hiện hiện tượng ùn tắc mới, như nút Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã, Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn – Khâm Thiên, tuyến La Thành…

“Đây đều là những tuyến trục chính, thành phần tham gia giao thông chủ yếu là án bộ, công chức, lao động tự do… nhóm đối tượng không bị điều chỉnh giờ”, ông Hùng lý giải.

Tắc giảm, nhưng ùn thì vẫn vậy? Ảnh chụp đường Giải Phóng chiều 29/2. 

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, sau khi Hà Nội thực hiện đổi giờ, tình trạng tắc đường đã giảm rõ rệt, giảm từ 2/3 đến 1 nửa số vụ tắc. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ giảm không rõ rệt, về cơ bản vẫn như cũ.

“Việc thay đổi giờ tan học của học sinh THPT từ 19h lên 18h (từ ngày 13/2) đã làm gia tăng thời gian ùn tắc so với phương án tan học lúc 19h trước đó”, ông Công đánh giá.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện đổi giờ, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo: “Một số trường hệ phổ thông nằm ở các quận, huyện khu vực không ảnh hưởng gì lớn tới giao thông giờ cao điểm thì cho thực hiện đổi giờ trở về thời điểm ban đầu như chưa đổi”.

Với một số trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chưa thực hiện đổi giờ theo chỉ đạo của Thành phố, Chủ tịch Hà Nội khẳng định, quyết định đổi giờ là quyết định hành chính thì tất cả đơn vị nằm trên địa bàn phải chấp hành. Sở Giao thông vận tải phải đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các trường. Nếu sau đấy các trường vẫn không thực hiện thì mới báo cáo cơ quan chủ quản, Bộ này ngành kia. Lúc đấy vẫn không thực hiện, thì thực hiện cưỡng chế xử phạt.

“Thời gian tới phải kiên trì, kiên quyết những giải pháp đang triển khai nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong quá trình thực hiện sẽ còn có vấn đề vướng mắc trở ngại, nhưng phải kiên quyết”, ông Thảo khẳng định.

Lê Việt – Kiều Minh


Bình luận
vtcnews.vn