Hà Nội còn nhiều cán bộ, công chức 'ngồi nhầm chỗ'

Thời sựThứ Năm, 25/02/2016 04:45:00 +07:00

"Hà Nội vẫn còn hiện tượng phó phòng làm thay nhiệm vụ của chuyên viên, trưởng phòng làm thay phó phòng, phó giám đốc sở làm thay trưởng phòng", Phó bí thư Ngô Thị Thanh Hằng nói.

"Hà Nội vẫn còn hiện tượng phó phòng làm thay nhiệm vụ của chuyên viên, trưởng phòng làm thay phó phòng, phó giám đốc sở làm thay trưởng phòng", Phó bí thư Ngô Thị Thanh Hằng nói.

Ngày 25/2, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, tính đến tháng 2/2016, cả nước đã có 28 lượt bộ ngành, 94 lượt địa phương (nhiều địa phương trình kế hoạch tinh giản 2, 3 lần) báo cáo về kế hoạch, kết quả tinh giản biên chế.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng. Ảnh: Việt Hưng. 

Theo đó, đã có 10.543 người được tinh giản, trong đó, các cơ quan hành chính tinh giản được 1.133 người, cấp xã là 2.307 người, khối doanh nghiệp là 68 người…

Trong khi đó, ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đến nay Hà Nội tinh giản được 20 người. Theo ông Sáng lý do TP tinh giản được ít là vì công chức, viên chức đều muốn đi làm đến khi về hưu.

Tuy nhiên, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị định 26 của Chính phủ, trên địa bàn thành phố có 57 cán bộ chủ chốt của các quận, huyện, thị xã thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã tình nguyện xin nghỉ khi không đủ 30 tháng để tái cử. Do vậy, theo bà Hằng, số cán bộ, công chức mà Hà Nội đã tinh giản nhiều hơn con số Sở Nội vụ báo cáo.

Qua thực tiễn, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là việc khó khăn, nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến con người.

Theo bà Hằng nếu như căn căn cứ theo tiêu chuẩn cứng về trình độ đại học, lý luận chính trị thì cũng rất khó cho việc tinh giản biên chế vì Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

“Vấn đề hiện nay là năng lực thực tế của anh thế nào? Hiệu quả công việc thế nào? Đặc biệt là tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ra sao? Từ đó, chúng ta xác định ai không hoàn thành nhiệm vụ để xét tinh giản biên chế hàng năm”, bà Ngô Thị Thanh Hằng chỉ rõ.

Nữ Phó bí thư còn chỉ ra những hạn chế khác như vẫn còn một số cán bộ, công chức “ngồi đấy” do năng lực trình độ yếu, do ý thức trách nhiệm kém, giao việc chậm tiến độ. Vì vậy mà vẫn còn hiện tượng phó phòng làm thay chuyên viên, trưởng phòng làm thay nhiệm vụ của phó phòng, phó giám đốc sở làm thay nhiệm vụ của trưởng phòng.

“Chúng ta vẫn chưa kiên quyết đánh giá những cán bộ, công chức này không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản biên chế. Do vậy, vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, thiếu nhất quán trong việc đánh giá cán bộ và tinh giản biên chế”, bà Ngô Thị Thanh Hằng chỉ rõ.

Bà khẳng định, trong nhiệm kỳ này Thành ủy Hà Nội xác định khâu đột phá là nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đây cũng là tiêu chí để các sở ngành, quận huyện, thị xã tập trung vào nhằm tinh giản biên chế.


Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn