Hà Nội chìm trong biển nước: 'Mới chỉ là khúc dạo đầu'

Đời sốngThứ Tư, 25/05/2016 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Trận mưa lớn đêm qua khiến nhiều người liên tưởng tới trận ngập lụt lịch sử năm 2008.

(VTC News) - Trận mưa lớn đêm qua khiến Hà Nội chìm trong biển nước, theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn đó mới chỉ là khúc dạo đầu. 

Đêm 24/5 rạng sáng 25/5, nhiều người choáng váng chứng kiến rất nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội biến thành biển nước sau trận mưa lớn. Hình ảnh này khiến nhiều người liên tưởng tới trận ngập lụt lịch sử năm 2008 xảy ra ở Thủ đô.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn ông Lê Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Nhiều tuyến phố Hà Nội chìm trong biển nước.

Ông Lê Thanh Hải cho biết, trận mưa lớn vào đêm qua không phải là điều bất ngờ với cơ quan khí tượng thủy văn.

Các đây khoảng 4 ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cũng đã đưa ra cảnh báo về mưa lũ tiểu mãn xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trước đó, mưa lũ tiểu mãn đã xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc và đêm qua là Hà Nội.

Video: Mênh mông biển nước trên đường Nguyễn Chính


Hà Nội có mưa nhưng lượng mưa không đều. Mưa lớn tập trung một số khu vực như Hà Đông 378,8mm, Ba Thá 257mm, Cầu Diễn 207, Láng 202mm... Trong khi đó, một số khu vực khác có lượng mưa thấp, chẳng hạn Sơn Tây là 75,7m, Ba Vì chỉ có 65mm...

 

Trận mưa vào đêm qua chỉ mới là khúc dạo đầu trong một bản giao hưởng lớn. Đêm nay, mưa lớn có thể tiếp tục diễn ra nhưng với lượng nhỏ hơn, nơi mưa to có thể đạt tới 100mm.
Phó Giám đốc trung tâm Khí tượng thuỷ văn TƯ
 
"Lượng mưa ở Hà Nội không đều, có tính chất cục bộ. Ở đâu mưa to nhất, ở đó ngập nặng nhất", ông Lê Thanh Hải cho biết.


Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, lượng mưa lên tới hơn 300mm vào đêm qua tại Hà Nội là lượng mưa rất lớn và nguy hiểm.

"Tình trạng mưa lớn như vậy hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra nhiều lần trong thời gian sắp tới. Trận mưa vào đêm qua chỉ mới là khúc dạo đầu trong một bản giao hưởng lớn. Đêm nay, mưa lớn có thể tiếp tục diễn ra nhưng với lượng nhỏ hơn, nơi mưa to có thể đạt tới 100mm," ông Hải cho hay.

Chưa có khả năng xảy ra ngập lụt nghiêm trọng như năm 2008.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải cho biết, những trận mưa lớn như vậy chỉ kéo dài trong khoảng 3 - 4 giờ rồi lại ngừng. Chính vì thế, gần như không có khả năng gây ra trận ngập lụt tương tự năm 2008.

"Trận mưa gây ra ngập lụt năm 2008 là đợt mưa vào đầu mùa đông rất hiếm gặp, có thể tới 10 năm mới gặp 1 lần. Khi đó, mưa kéo dài liên tiếp trong 6 ngày và trên diện rộng, không chỉ Hà Nội mà một số tỉnh lân cận cũng ngập nặng.

Nhưng những trận mưa như đêm qua tại Hà Nội là mưa giông đầu mùa hè. Mưa lớn dạng này chỉ kéo dài trong vài tiếng rồi lại ngừng và có tính chất cục bộ, nơi mưa to, nơi mưa nhỏ.

Chính vì vậy, thời điểm này người dân hoàn hoàn toàn không cần lo lắng là sẽ xảy ra ngập lụt như năm 2008," Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói.


Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, do lượng mưa lớn đột biến  nên tại thời điểm 06h00 ngày 25/5 đã xảy ra úng ngập tại Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoàng Quốc Việt (trước ĐH Điện lực), Phạm Văn Đồng (trước Công ty Cầu 7, ngã Xuân Đỉnh – Tân Xuân), ngã ba Dương Đình Nghệ – Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Đội Cấn, Mạc Thị Bưởi, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Hoàng Mai, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, ngã tư Huỳnh Thúc Kháng – Nguyên Hồng,  Định Công, Thái Thịnh (trước viện Châm cứu), Trường Chinh (từ Viện Y học Hàng không đến Tôn Thất Tùng), Quan Nhân, Vũ Trọng Phung, Nguyễn Huy Tưởng, Cự Lộc, Nguyễn Trãi (trước ĐH Khoa học nhân văn và trước số nhà 497), Triều Khúc… với mức độ từ 0,2m đến 0,5m.

Đến thời điểm 9h30 ngày 25/5 các vị trí úng ngập đã cơ bản rút nước, giao thông đã ổn định trên nhiều tuyến phố trong khu vực nội thành. Hiện còn 4 điểm vẫn đang ngập sâu là Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoa Bằng và Mạc Thị Bưởi. Khu vực tả Nhuệ do mực nước sông Nhuệ cao nên dự kiến cũng sẽ chậm hơn.

Lãnh đạo công ty thoát nước cho biết, nếu mưa có lưu lượng từ 50 đến 100 mm trong 2 giờ, ở 12 quận nội thành sẽ có 16 điểm ngập úng. Với lượng mưa trên 200mm, Hà Nội phải áp dụng kịch bản thứ ba về phòng chống ngập.

Cụ thể, ngoài việc huy động toàn bộ quân số ra đường thu dọn chướng ngại vật ở miệng cống, các trạm bơm được công ty vận hành tối đa, đóng cống Cầu Đìa trên sông Đăm, cống Cầu Sa trên sông Cầu Ngà để ngăn nước vùng đồng huyện Đan Phượng và vùng đồng phía bắc huyện Hoài Đức chảy về sông Nhuệ.

Hiện nay, đập Thanh Liệt đang mở và trạm bơm Yên Sở đang vận hành hết công suất, hỗ trợ tiêu thoát nước nước từ sông Nhuệ.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn