Hà Nội cấm xe máy, bất động sản khu vực nào sẽ hưởng lợi?

Kinh tếThứ Năm, 06/07/2017 15:00:00 +07:00

Hà Nội cấm xe máy, bất động sản những khu vực có hệ thống giao thông công cộng thuận tiện sẽ tăng giá hơn các khu vực khác.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030". Theo đó, TP Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.

metro

 Hà Nội cấm xe máy, bất động sản khu vực nào sẽ hưởng lợi?

Việc dừng hoạt động của xe máy sẽ khiến thói quen đi lại của người dân Hà Nội bị thay đổi. Chính vì thế, việc lựa chọn mua nhà tại khu vực nào để đi lại thuận tiện chắc chắn sẽ khiến không ít người mua phải tính tới.

Tại Hà Nội, theo các chuyên gia, nếu xe máy bị cấm, xe buýt nhanh, đường sắt trên cao, metro ngầm sẽ là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân Thủ đô trong vòng 13 năm tới.

Chính vì vậy, bất động sản quanh các khu vực này chắc chắn sẽ "có giá" hơn hẳn các khu vực khác.

Thực tế, xu hướng bất động sản quanh metro tăng giá đã xuất hiện trên thế giới từ lâu, đơn cử, tại Pháp, nhu cầu văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở tại khu vực quanh tuyến đường sắt Nantes cũng tăng lên từ 13 – 25% chỉ trong vòng 10 năm (1985 – 1995).

Tại Việt Nam, kể từ năm 2012 khi tuyến Metro bắt đầu được khởi động xây dựng, hàng loạt nhà đầu tư đã “đón đầu” cơ hội với nhiều dự án được xây dựng. Riêng dọc tuyến xa lộ Hà Nội và những nơi có tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đang hình thành chạy qua, lượng căn hộ cũng tăng nhanh với những dự án thuộc nhiều phân khúc, tùy nhiên hầu hết là thuộc phân khúc cao cấp.

Video: Những dự án thua lỗ nghìn tỷ của PVN

Một báo cáo của CBRE cũng cho thấy, khi tuyến Metro TP. HCM đi vào hoạt động, giá đất của khu vực cách ga tàu điện trong vòng mười phút đi bộ có thể tăng 10% – 20% so với giá đất ở các khu vực khác.

Ông Marc Townsend, Tổng Giám Đốc Điều hành của CBRE Việt Nam, nhận xét: “Trước sự kiện tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại TP.HCM dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020, tất cả người dân đang sinh sống và làm việc tại thành phố đều háo hức chờ đợi những thay đổi lớn và thú vị mà tuyến đường sắt đô thị này mang lại. Riêng đối với ngành bất động sản, cuộc chơi sẽ chứng kiến những đổi thay ngoạn mục hơn”.

Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy dự án tàu điện ngầm sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất lên giá trị bất động sản. Việc phát triển các trạm tàu điện giúp mang lại diện mạo mới cho khu vực quanh đó: giá đất tăng, các dự án bất động sản bùng nổ, các đơn vị bán lẻ và dự án văn phòng được dịch chuyển ra xa trung tâm hơn.

Theo ông Marc "về lý thuyết, một tòa nhà nằm gần trạm trung chuyển công cộng thường có giá thuê hoặc giá bán cao hơn so với những tòa nhà nằm xa hơn vì hệ thống giao thông công cộng tốt cho phép cư dân sống gần đó dễ dàng di chuyển đến các điểm quan trọng. Điều này đã được kiểm chứng tại một số quốc gia với giá bán nhà tại những nơi gần hệ thống giao thông công cộng có giá trị cao hơn từ 6% đến 45%”.

Còn theo Savills, mô hình phát triển BĐS quanh điểm trung chuyển xe buýt có thể là một hướng đi mới, chủ đạo trong tương lai với các hạng mục như nhà ở, văn phòng, bán lẻ, bến đỗ xe phát triển ở khu vực lân cận các trạm trung chuyển. Mô hình này đã diễn ra tại các nước trong khu vực và tạo ra sự gia tăng đáng kể về giá trị bất động sản khu vực lân cận các trạm trung chuyển, ví dụ Trung Quốc (10%), Hồng Kông (32%), Thái Lan (10%).

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn