Hà Nội: Cam siêu rẻ, không rõ xuất xứ bày bán tràn lan

Kinh tếThứ Hai, 30/10/2017 08:30:00 +07:00

Với 10.000 đồng/kg, cam giá siêu rẻ đang tràn ngập một số tuyến phố ở Hà Nội khiến người tiêu dùng băn khoăn về xuất xứ cũng như chất lượng của loại trái cây đang vào mùa vụ này.

Thời điểm này, tại một số tuyến phố như Nguyễn Xiển, Trần Cung, Tân Xuân, Hồ Tùng Mậu,... xuất hiện cam không rõ nguồn gốc xuất xứ bán dạo giá siêu rẻ, khiến người tiêu dùng lo lắng.

Hiện nay, hoa quả Trung Quốc trôi nổi âm thầm tỏa đi khắp các thành phố lớn, chợ đầu mối. Hãi hùng hơn, chính tại các chợ đầu mối, những loại hoa quả ấy lại tiếp tục bị các thương lái “phù phép”, cho “tắm” hóa chất, trộn lẫn với hoa quả đã qua kiểm định hoặc dán mác Việt Nam để “tuồn” ra thị trường.

Khi thắc mắc về giá sao lại rẻ vậy, có phải của Trung Quốc không, anh Cường một người dân ở quận Bắc Từ Liêm phân vân: “Với giá rẻ như vậy, liệu loại cam này có phải của Trung Quốc, bởi nếu so sánh giá trong cửa hàng hay siêu thị thì giá bán dạo quá rẻ”.

22850131_1522534724507594_1875217289_o-1506

 

Chị Hảo, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: “Ra chợ thấy cam bán dạo phố quá rẻ nhưng không dám mua vì sợ loại quả này có xuất xứ Trung Quốc “đội lốt” nhãn mác hàng Việt".

Chị này nói, vùng trồng cam ở nước ta rất nhiều. Thế nhưng, giá cam không thể rẻ một cách bất thường như vậy được, bởi trong siêu thị cam sành cũng có giá gấp 4 đến 5 lần so với cam bán dọc đường.

Theo khảo sát tại siêu thị lớn ở TP. Hà Nội như BigC Thăng Long, nơi thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá và xuất xứ thì không hề có hoa quả Trung Quốc. Tương tự, chủ nhiều cửa hàng chuyên trái cây nhập khẩu ở TP. Hà Nội cũng khẳng định không kinh doanh hàng nhập từ Trung Quốc.Tuy nhiên, theo nguồn tin của Nhadautu.vn, thì hiện nay hoa quả Trung Quốc tuồn vào Việt Nam bằng đường bộ từ các cửa khẩu chuyển về rồi trà trộn vào các sản phẩm trong nước.

Mới đây, để quản lý cũng như siết chặt tình trạng lộn xộn, mù mờ trong kinh doanh trái cây, trước hết tại 12 quận nội thành, Hà Nội đã ban hành “Đề án Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội” với mục tiêu để người tiêu dùng không còn phải lo lắng mỗi lần mua trái cây về sử dụng.

Kế hoạch triển khai Đề án cũng đã được UBND TP Hà Nội ban hành, với mục tiêu trong năm 2017, 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận nội thành có đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Video: Hàng nghìn gốc cam Cao Phong tan nát sau mưa lũ

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, Sở vừa đề nghị sở, ngành liên quan, UBND 12 quận nội thành công khai thông tin cơ sở trồng cây ăn quả; danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây nhằm triển khai Đề án.

Trước thông tin trên mạng xã hội cho rằng, hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc được ngâm, tẩm hóa chất độc hại, người tiêu dùng Việt Nam e ngại không dám sử dụng. Nhiều người tiêu dùng đã mua hoa quả về tự “thí nghiệm” và thấy những quả táo, lê, nho, cam… có thể tươi hàng tháng trời.

Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT từng khẳng định: Hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là an toàn.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu rau quả các loại đạt 655 triệu USD, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy trung bình mỗi tháng người Việt chi gần 110 triệu USD để mua rau quả ngoại.

Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 118 triệu USD, tăng 34,7% và mặt hàng quả đạt 507 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan, chiếm tới 57,5% thị phần; tiếp theo là thị trường Trung Quốc, chiếm 15,9%.

(Nguồn: Nhà Đầu Tư)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn