Hà Nội cam kết không sốt giá hàng hóa cuối năm

Thời sựThứ Tư, 08/12/2010 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Với lượng hàng thiết yếu được dự trữ có giá trị gần 800 tỷ đồng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội khẳng định sẽ không có việc sốt giá vào cuối năm.

(VTC News) – Với lượng hàng thiết yếu được dự trữ có giá trị gần 800 tỷ đồng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội khẳng định sẽ không có việc sốt giá vào cuối năm.

"Đến hẹn lại lên", vào mỗi dịp cuối năm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu lại có xu hướng tăng thậm chí sốt giá mạnh. Tuy nhiên, trao đổi với VTC News, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng khẳng định, do lượng hàng dự trữ dồi dào trong các doanh nghiệp cung cấp, với tổng trị giá lên tới 785 tỷ, Hà Nội sẽ không có chuyện sốt giá vào cuối năm nay.

 Phó Giám đốc Công thương Hà Nội Nguyễn Công Đồng. (Ảnh: Quang Tùng)
- Thưa ông, nhiều người dân lo ngại sốt giá sẽ lại diễn ra vào dịp Tết Tân mão sắp tới, ảnh hưởng tới đời sống, vậy Hà Nội đã có những kế hoạch cụ thể nào để ứng phó với tình hình này?

Tôi có thể khẳng định rằng Hà Nội sẽ không có việc sốt giá các mặt hàng cuối năm, bởi Sở Công thương đã xác định nhu cầu về hàng hóa sẽ tăng khoảng 20 - 22%, với mức lưu chuyển hàng hóa khoảng hơn 20.000 tỷ đồng/tháng.

Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo, Công ty xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu. Các đơn vị khác cũng đang triển khai dự trữ 17 mặt hàng như: 500 tấn thịt lợn, gia cầm, trâu bò các loại; 860.000 trứng gia cầm; 2.568 tấn thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến; 3.220 lít dầu ăn; 570 tấn mứt kẹo, 500 tấn rau củ quả các loại…

Với lượng hàng hóa lớn, dồi dào có tổng giá trị là 785 tỷ đồng, Hà Nội đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết sắp tới.


- Nhiều ý kiến cho rằng việc chỉ số giá giá tiêu dùng một số mặt hàng  thực phẩm như thịt lợn và gạo tăng lên đến 6,26% trong tháng 11 là do Hà Nội không có đủ hàng dự trữ cho những mặt hàng này, điều này có đúng?

Không đúng. Sau khi tổng kết và nhận thấy có sự tăng giá đột biến kia, chúng tôi đã thành lập các đoàn đi kiểm tra và được biết Hà Nội không hề thiếu thịt lợn và cũng không hề thiếu gạo. Các doanh nghiệp đầu mối về những mặt hàng này hiện vẫn đang có những hợp đồng nhập hàng lớn. Số lượng hàng hóa dự trữ vẫn rất dồi dào. Nên không thể nói việc tăng giá là do Hà Nội không có đủ hàng dự trữ, mà đó chủ yếu là do một số nguyên nhân mà tôi đã nêu trên.


- Năm 2010, Hà Nội đã chi 500 tỷ đồng cho việc bình ổn giá cả trên địa bàn thành phố, kết quả của chính sách này ra sao, thưa ông?

Đây là một chủ trương rất đúng đắn của thành phố trong việc chăm lo tới đời sống nhân dân. Số tiền này đã được tạm ứng cho các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa với lãi suất 0% để thực hiện cân đối cung cầu, đảm bảo dự trữ, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu.
 
Trong đó, 100 tỷ đồng dành cho việc dự trữ hàng phục vụ cứu trợ khi có thiên tai, bão lụt, úng ngập, 400 tỷ còn lại dùng vào việc dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, phục vụ các ngày lễ, Tết trên địa bàn thành phố. Và việc này đã góp phần lớn trong việc kìm hãm tốc độ tăng giá, lạm phát trong thời gian vừa qua khi mà thị trường thế giới có nhiều biến đổi tác động không nhỏ tới Việt Nam.

- Nhưng giá cả một số mặt hàng tại Hà Nội những ngày đầu tháng 12/2010  lại có hướng tăng đột ngột, ông có thể cho biết nguyên nhân vì đâu?

Đó là do nguồn cung các mặt hàng này tại Hà Nội chưa đủ, một số mặt hàng như thủy hải sản tươi sống, đông lạnh, thực phẩm đã qua chế biến được cung ứng từ các tỉnh khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định…hoặc được nhập khẩu nên dễ biến động về cung cầu, giá cả.

Hệ thống phân phối chưa đồng đều (80% hệ thống phân phối hiện đại chủ yếu tập trung tại các quận nội thành). Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến giá cả tại Hà Nội dễ bị biến động.

Còn những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 vừa qua, một số mặt hàng tại Hà Nội được phản ánh là tăng giá, nhưng việc tăng giá này là do các nguyên nhân khách quan như: giá cả hàng hóa thế giới tăng cao đã ảnh hưởng đến giá nhập khẩu hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu đầu vào tăng dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa thay đổi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung).

Thiên tai, lũ lụt tại miền Trung và một số vùng miền khác dẫn tới sản xuất giảm, lưu thông hàng hóa bị phân tán, dẫn tới thiếu hụt hàng hóa đáp ứng nhu cầu ở các địa phương. Giá vàng và ngoại tệ nhất là đô la tăng mạnh dẫn đến ảnh hưởng giá cả hàng tiêu dùng nhất là những mặt hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo quy luật những tháng cuối năm tăng cao cũng có tác động đến xu hướng tăng của giá cả. Tâm lý người mua, người bán bị ảnh hưởng bởi hàng hóa có xu hướng tăng cao, dẫn đến việc mua tích trữ hàng hóa, nâng giá. Một bộ phận kinh doanh cá thể cũng tự ý nâng giá tùy tiện.

- Vậy, để bình ổn giá cả những tháng cuối năm 2010, UBND Hà Nội và Sở Công thương Hà Nội đã có những biện pháp gì, thưa ông?

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa được đầy đủ, Sở Công thương đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp và chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn trên địa bàn chủ động tăng cường khai thác nguồn hàng, dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng.


Tiếp tục đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, điểm bán hàng tại các khu vực đông dân cư. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 396 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó có 52 điểm tại hệ thống các siêu thị, 25 điểm tại các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích; 72 điểm tại chợ truyền thống, còn lại là tại các cửa hàng, đại lý khác.

Trong số này, có 112 điểm bán hàng lưu động trong trường hợp thị trường xảy ra biến động. Các điểm bán hàng được phân bố rộng khắp trên địa bàn TP và đã tăng gấp 2 lần so với năm 2009.


Đồng thời chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường trong các lĩnh vực: chống buôn lậu, gian lận thương mại, thực hiện các qui định về kê khai niêm yết giá…và sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng gây ra cơn sốt giá.

Xin cảm ơn ông!

Quang Tùng
 
Bình luận
vtcnews.vn