Hà Nam: Ngỡ ngàng khu rừng mỗi thân cây đều giá tiền tỉ

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 26/03/2010 06:10:00 +07:00

(VTC News) - Không ngờ, một khu rừng gỗ sưa, với những cây gỗ trị giá cả tỷ bạc lại nằm trên một ngọn núi mọc lên giữa vùng đồng quê chiêm trũng.

(VTC News) - Không ngờ, một khu rừng gỗ sưa, với những cây gỗ trị giá cả tỷ bạc lại nằm trên một ngọn núi mọc lên giữa vùng đồng quê chiêm trũng, ngay bên Quốc lộ thênh thang và dòng sông Đáy hiền hòa.

 

Thật khó có thể tin rằng, gốc cây này có giá vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. 

Trong đợt Công an TP. Hà Nội truy bắt hơn 30 đối tượng, đều ở xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội), chuyên trộm cắp gỗ sưa trên địa bàn khắp cả nước, tôi đã tìm về địa phương này. Qua sự thân quen, tiếp xúc một số thanh niên từng làm “sưa tặc”, tôi biết thông tin về một ngọn núi kỳ lạ, ở tỉnh Hà Nam, có cả một cánh rừng gỗ sưa cổ thụ, mà trị giá cây nào cây nấy, đều tính bằng tiền tỷ.

Thật khó có thể tin, ở một tỉnh nửa đồng bằng chiêm trũng, nửa đồi núi đá vôi, lại có một ngọn núi, với một cánh rừng chứa những thân cây bạc tỷ. Tuy nhiên, tôi vẫn lên đường tìm kiếm. Thông tin duy nhất có được là ngọn núi nằm bên dòng sông Đáy, thuộc huyện Kim Bảng.
Cả ngọn núi nằm bên sông Đáy này là một đại ngàn gỗ sưa đỏ. 

Huyện Kim Bảng (Hà Nam) nằm bên dòng sông Đáy, với những dãy núi nham nhở bởi hàng loạt công trường khai thác đá, hàng loạt nhà máy ximăng dưới chân núi ngày đêm nghiền đá, tỏa khói. Biết tìm ngọn núi nào ở cái huyện mà khắp nơi là núi đá lô nhô này.

Tôi thuê một anh chàng xe ôm chờ khách ở chân cầu Hồng Phú, rồi vạch kế hoạch đi tìm những ngọn núi bên sông Đáy theo tấm bản đồ địa hình. Sau một ngày ngang dọc hỏi han, thứ thu được chỉ là những ánh mắt gườm gườm, như thể tôi là một gã “sưa tặc”. Riêng chính quyền các xã dọc sông Đáy thuộc huyện Kim Bảng thì đều lắc đầu nguây nguẩy, không biết, không phát ngôn gì cả.
Các cựu chiến binh của xã có nhiệm vụ trông nom quần thể di tích đền Trúc - Ngũ Động và rừng sưa trên núi Cấm. 

Chán nản, tôi rẽ vào một ngôi đền thơ mộng, bên Quốc lộ 21A, nằm ngay cạnh sông Đáy, dưới chân một ngọn núi thuộc xã Thi Sơn. Tôi mua vé tham quan đền Trúc – Ngũ Động, là một danh lam thắng cảnh của tỉnh Hà Nam, nơi thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Quần thể di tích đẹp đẽ này nằm lọt thỏm trong một rừng trúc. Những mái ngói cổ kính, những bức tường trầm mặc rêu phong.
Con đường dẫn vào đền Trúc và rừng sưa. 

Ngôi đền cổ giữa rừng trúc chứa đựng nhiều huyền tích thú vị. Tôi ngồi trong đền, uống trà, trò chuyện miên man với các cụ già, những người trông coi đền Trúc và thắng cảnh Ngũ Động.

Theo bác Đinh Hữu Thục, xưa kia, quanh vùng bạt ngàn là trúc, trúc um tùm, trúc mướt mát. Năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt đã dừng chân ở địa danh này khi đi chinh phạt phương Nam.

Bỗng trận gió ào ào thổi tới, bẻ gãy cột buồm, cuốn lá cờ lớn của đoàn thuyền chiến lên đỉnh núi. Lý Thường Kiệt nghĩ có điềm lạ, nên cùng quân sĩ lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu thắng trận.
Một góc đền Trúc. 

Sau khi thắng lớn trở về, lúc đi qua vùng này, Lý Thường Kiệt đã cho dừng thuyền, hạ trại làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng đại thắng. Ngẫm lại sự kiện lá cờ bị gió cuốn lên núi, Lý Thường Kiệt đã đặt tên cho núi là núi Cuốn Sơn, tên làng là làng Cuốn Sơn. Ông mất đi, dân làng liền lập đền thờ ngay dưới chân núi. Ngôi đền nằm giữa rừng trúc, nên gọi là đền Trúc.

Núi Cuốn Sơn có nhiều chuyện hoang đường, kỳ bí. Trên đỉnh núi hiện vẫn lưu lại di tích bàn cờ tiên bằng đá, tương truyền là nơi các vị tiên thường rủ nhau hạ giới chơi cờ, ngắm cảnh trần thế. Tuy nhiên, hồi kháng chiến chống Mỹ, dân quân đã kéo pháo 12 ly 7 lên đỉnh núi trực chiến. Người ta đã láng một lớp ximăng cho phẳng để kê pháo, nên những rãnh khắc tự nhiên của bàn cờ đã biến mất.
Loài sưa có thể mọc lên từ kẽ đá. 

Trong lòng núi Cuốn Sơn là hệ thống hang động khổng lồ, gồm tới 5 hang động thông với nhau, nên được gọi là Ngũ Động. Mặc dù hệ thống hang động này đã được thành tạo từ hàng triệu năm nay, song mới chỉ được phát hiện từ năm 1991.

Hồi đó, đám trẻ trong làng thả trâu quanh núi, rồi mò lên núi, chui vào rừng chơi trốn tìm, đã phát hiện ra hang đá. Khi đó, hang rất nhỏ, chỉ vừa một người bò. Thế rồi, dân làng ùn ùn kéo vào bắt dơi. Cơ man nào là dơi. Bắt hết dơi thì xúc phân dơi về làm phân bón, lúa tốt bời bời.

Thấy hang động đẹp, các cụ thủ từ đền Trúc liền thuê người dân đục đá, mở rộng miệng hang và đã phát hiện ra một hệ đống hang đá đẹp mê hồn trong lòng núi. Trong hang có rất nhiều hình dáng thạch nhũ, màu sắc đa dạng, khiến du khách tha hồ tưởng tượng.
Kẻ trộm đã cạo vỏ cây sưa để sưa chết trước khi cưa trộm. 

Thăm thú một vòng quanh chân núi Cuốn Sơn, tôi chợt bày tỏ mong muốn của mình được tận mắt ngọn núi có một cánh rừng bạt ngàn gỗ sưa với các cụ thủ từ trông nom đền Trúc. Thấy tôi hỏi chuyện rừng sưa, các cụ có vẻ ngần ngại, không muốn nói.

Sau khi hỏi han tỉ mỉ mục đích đi tìm rừng sưa, rồi rào trước đón sau chán, ông Nguyễn Trung Thành, cựu chiến binh, thuộc tổ trông nom di tích mới mở lời: “Nói thật với chú, rừng gỗ sưa ở trên núi Cấm này, chứ còn ở đâu nữa. Chúng tôi có nhiệm vụ trông nom khu rừng sưa này trước con mắt dòm ngó của hàng ngàn kẻ cướp, nên phải cảnh giác cao độ. Mong cậu thông cảm cho!”.

Tôi thực sự ngỡ ngàng. Không ngờ, một khu rừng gỗ sưa, với những cây gỗ trị giá cả tỷ bạc lại nằm trên một ngọn núi mọc lên giữa vùng đồng quê chiêm trũng, ngay bên Quốc lộ thênh thang và dòng sông Đáy hiền hòa.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn