Hà Giang chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thời sựThứ Hai, 04/03/2019 18:16:00 +07:00

Nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của vi rút dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn, tỉnh Hà Giang đang triển khai nhiều biện pháp chủ động, quyết liệt.

Hiện nay, cả nước có 7 tỉnh, thành phố là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi với tổng số lợn mắc và tiêu hủy trên 4.230 con.

Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh và gây thiệt hại nghiêm trọng; lợn nhiễm bệnh khả năng chết là 100%. Nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của vi rút dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn, tỉnh Hà Giang đang triển khai nhiều biện pháp chủ động, quyết liệt.

Gia đình ông Vi Hữu Nhân, tổ 9, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) là hộ có thâm niên chăn nuôi lợn đã hơn 20 năm.

ong vi huu nhan phun thuoc khu trung (bien luan) 3

Ông Vi Hữu Nhân, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi sau khi hoàn thành việc phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chuồng trại chăn nuôi, ông Nhân cho biết: “Là người nuôi lợn lâu năm, đàn lợn là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi, nên trước thông tin bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, tôi rất lo lắng.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, tôi thường xuyên phun hóa chất để tiêu độc khử trùng; tiêm phòng cho đàn lợn; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; không sử dụng các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc để tránh mang mầm bệnh về nhà; trao đổi với những người cùng chăn nuôi lợn trên địa bàn để cùng nhau phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe và sự phát triển của đàn lợn; trao đổi thông tin với cán bộ thú y của phường về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh”.

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang đang nuôi gần 600 nghìn con lợn. Phần lớn là các hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp: Tăng cương truyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh; cấp phát gần 5.000 tờ rơi thông tin, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi lợn để chủ động phối hợp trong phòng, chống dịch bệnh; thành lập 2 đoàn kiểm tra và 3 đội ứng phó nhanh cấp tỉnh, kiểm tra công tác chăn nuôi, buôn bán lợn và các loại thực phẩm từ lợn tại 7 huyện biên giới.

can bo chi cuc thu y tuyen truyen 3

Cán bộ Chi cục Thú y tuyên truyền về tác hại bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đến các hộ chăn nuôi.

Các huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành lưu động, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn từ Trung Quốc vào địa bàn. Tất cả các xã biên giới đều thành lập tổ lưu động do lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng của xã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở mà người dân hai bên biên giới hay qua lại, trao đổi, mua bán các loại động vật và sản phẩm từ động vật; tổ chức cho người dân ký cam kết không vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn từ bên kia biên giới vào nội địa; cấp 15.000 lít hóa chất cho các địa phương triển khai 2 đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên toàn tỉnh; tổ chức tập huấn về công tác phòng, chống dich bệnh cho đội ngũ trưởng ban thú y xã thuộc các huyện biên giới; tiến hành xử lý nghiêm 7 vụ nhập lậu lợn từ Trung Quốc vào địa bàn.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang, Trịnh Văn Bình cho biết: “Dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm, khả năng lợn bị chết cao và chưa có vắc xin phòng ngừa và điều trị. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của bệnh dịch, ngành Thú y đang tập trung chỉ đạo các trạm thú y, chốt kiểm dịch động vật trên toàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc nhập lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn tỉnh;

Ngành Thú y tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đặc biệt khuyến cáo người dân nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Các cấp, ngành và người dân cần vào cuộc quyết liệt; nâng cao ý thức, trách nhiệm, triển khai hiệu quả các giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh và ngành chức năng để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Biện Luân
Bình luận
vtcnews.vn