'Hà bá' sông Đà nuốt hàng loạt nhà dân ở Hoà Bình: Chuyên gia nói 'do nhiều nguyên nhân cộng hưởng'

Thời sựThứ Bảy, 04/08/2018 07:40:00 +07:00

PGS.TS Ngô Quang Toàn cho rằng, đặc thù đứt gãy địa chất của khu vực kèm theo mưa lớn kéo dài và hồ thủy điện xả lũ cộng hưởng với nhau trở thành nguyên nhân chính khiến hàng loạt nhà dân và đường xá ven bờ sông Đà ở Hoà Bình bị sạt lở.

“Dòng chảy xoắn là thủ phạm chính gây sạt lở”

Sau đợt mưa lớn kéo dài, Hòa Bình xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đất khiến gần 80 hộ dân phải di dời khẩn cấp do nhà bị sập hoặc rạn nứt nghiêm trọng.

Trả lời PV VTC News về vấn đề trên, PGS.TS Ngô Quang Toàn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ Biển (IARMST), thành viên Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc và Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở nói trên là do sự cộng hưởng của nhiều tác động, trong đó chủ yếu là do “dòng chảy xoắn”.

satlo

Sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều ngôi nhà đổ nghiêng tại Hoà Bình. 

PGS.TS Ngô Quang Toàn nhận xét: "Có hai vấn đề phải lưu ý: Thứ nhất là do mưa lớn kéo dài, thứ hai là do xả lũ ở hồ thủy điện Hòa Bình. Xả lũ khiến tốc độ dòng chảy tăng đột biến. Bên dưới dòng chảy tốc độ cao sẽ xuất hiện cả dòng chảy ngang, hai dòng chảy này cộng hưởng với nhau tạo nên dòng chảy xoắn ngầm ở phía dưới. Dòng chảy thẳng và dòng chảy xoắn ngầm ở dưới tạo nên véc-tơ xoắn ngầm.

Thực tế, ngay cả khi trời không mưa mà đập thủy điện xả lũ ở hạ lưu, đoạn chảy qua Kỳ Sơn đều có hiện tượng xoáy ngầm gây xói mòn. Như vậy, những vụ sạt lở xảy ra tại TP Hòa Bình và huyện ở Kỳ Sơn nằm trong trường hợp này”.

Theo PGS.TS Ngô Quang Toàn, việc sạt lở bên bờ sông do “dòng chảy xoắn” xảy ra là tương đối phổ biến khi thủy điện xả lũ, tuy nhiên, ở trường hợp ở Hòa Bình do người dân làm nhà quá gần bờ nên mới xảy ra những vụ sạt lở khiến nhiều ngôi nhà đổ xuống sông.

ngoquangtoan

 

Nhìn tổng thể như thế để thấy rằng, có thể vừa qua, ngoài nguyên nhân do xả lũ, mưa lớn, dòng chảy xoắn ngầm, những đường nứt ở huyện Kỳ Sơn và TP Hòa Bình nằm trong sự vận động của địa chất, hướng đứt gãy song song với dòng chảy, trùng với hệ đứt gãy theo phương á kinh tuyến cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà ở Hoà Bình sạt lở.

PGS.TS Ngô Quang Toàn

“Sạt lở nhà ở Hoà Bình là do bà con xây nhà sát bờ sông. Vừa rồi, mưa nhiều, thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến mực nước sông Đà dâng cao, nước thẩm thấu vào đất, bão hòa và gây nhão. Cộng thêm dòng chảy xoắn tạo ra hiện tượng xói ngầm ở chân bờ sông khiến nhà dân sập xuống. Do đó, có thể nói dòng chảy xoắn là thủ phạm chính gây sạt lở”, PGS.TS Ngô Quang Toàn nói.

Theo PGS.TS Ngô Quang Toàn, khu vực sông Đà nói riêng, vùng Hòa Bình và một số tỉnh Tây Bắc nói chung nằm trên đứt gãy địa chất có kiến tạo còn rất trẻ.

PGS.TS Ngô Quang Toàn phân tích: “Qua kết quả khảo sát ở khu vực sông Đà, hồ Hòa Bình và khu vực Kỳ Sơn, sông Đà hình thành rất trẻ.

Sông Đà có kiến tạo địa chất đứt gãy hình thành theo phương kinh tuyến, chảy về phương Bắc và nhập vào sông Hồng ở Việt Trì (Phú Thọ). Đứt gãy này thuộc về đứt gãy lớp trẻ.

Trên lãnh thổ Việt Nam, những đứt gãy á kinh tuyến thường là những đứt gãy kiến tạo trẻ và phần lớn đều đang hoạt động. Chính vì vậy, khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu hiện nay vẫn có những đợt động đất hoặc dư chấn nhẹ”.

Khai thác cát cũng là nguyên nhân gây sạt lở

Trước ý kiến của người dân TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) cho rằng ngoài nguyên nhân hồ thủy điện xả lũ, việc hàng loạt nhà dân bị sạt lở xuống lòng sông Đà còn do nguyên nhân khai thác cát trên sông khiến dòng chảy bị thay đổi.

Cụ thể, một số người dân cho biết, tình trạng sạt lở đất chỉ bắt đầu xảy ra từ mùa mưa năm ngoái (2017) và TP Hòa Bình là nơi có nhiều điểm sạt lở đất nhất ở tỉnh này.

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, ông Quách Tùng Dương, Bí thư Thành ủy thành phố Hòa Bình cho rằng, có thể việc khai thác cát cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở.

XEM DIỄN BIẾN LIÊN QUAN TẠI ĐÂY:

>> Công bố nguyên nhân gây sạt lở ở Hòa Bình

>> Ngập lụt, sạt lở không phải do Thủy điện Hòa Bình xả lũ

Ông Quách Tùng Dương cho biết: “Khi chúng tôi đi khảo sát thực tế, bờ sông bên kia có bãi khai thác cát của một doanh nghiệp được tỉnh cho thuê đất. Cũng có thể đây là một phần nguyên nhân. Cái chính là do mưa lớn, trên thì mưa to mà dưới thì xả lũ mạnh, đấy mới là nguyên nhân".

Về công tác khắc phục, ông Quách Tùng Dương cho biết, hiện cơ quan chức năng đã cho di dời toàn bộ dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm và sắp tới sẽ nhanh chóng hoàn tất khu tái định cư cho người dân.

“Trước mắt, chúng tôi sơ tán toàn bộ người dân trong khu vực nguy hiểm, chủ yếu là đưa người dân đến ở nhờ nhà người thân. Một số hộ không có người thân ở gần, chúng tôi bố trí cho họ đến ở tạm thời tại nhà văn hóa tổ dân phố. Về lâu dài, chúng tôi sẽ bố trí tái định cư cho họ, giao đất hoặc giao nhà cho người dân”, ông Dương nói.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn