GS.TS Nguyễn Mại: Thương hiệu là tài sản lớn của tập đoàn kinh tế

Kinh tếThứ Sáu, 13/12/2019 10:03:00 +07:00

GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (VAFIE) nhấn mạnh, thương hiệu là yếu tố sống còn của các tập đoàn kinh tế.

Tại Tọa đàm “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành Dầu khí” do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 12/12/2019, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp dầu khí đã có những ý kiến đóng góp có giá trị về tầm quan trọng cũng như giải pháp đối với việc củng cố và phát triển thương hiệu của ngành dầu khí.

16_3

GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE 

Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (VAFIE), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã khẳng định được vị thế là một thương hiệu mạnh ở trong nước, cần tận dụng lợi thế của Việt Nam hiện đang được các nước trong khu vực và nhiều nước lớn trên thế giới đánh giá cao, kể cả Mỹ, để có chiến lược kinh doanh trên thị trường thế giới, từng bước trở thành thương hiệu mạnh của khu vực và thế giới.

"Tôi thường lấy Petronas của Malaysia để so sánh với PVN và rất vui mừng vì quá trình phát triển của PVN đã tiến gần trình độ phát triển của Petronas. Tuy vậy vẫn còn khoảng cách không nhỏ cần được PVN lưu ý. 10 giá trị thương hiệu lớn nhất của Việt Nam hiện nay được định giá chỉ 18,9 tỉ USD. Từ đây, tôi nghĩ rằng, khi bàn đến các Tập đoàn kinh tế lớn, chúng ta cần quan tâm không chỉ xuất khẩu, không chỉ đóng góp ngân sách, mà cần bàn đến thương hiệu, bởi hiện nay là giai đoạn cần tăng tốc về giá trị thương hiệu" - GS Nguyễn Mại nêu rõ.

Đồng thời GS Nguyễn Mại cho rằng, làm gì để có thương hiệu mạnh phải trở thành nội dung quan trọng nhất của các tập đoàn kinh tế, trong đó có PVN và phải coi xây dựng thương hiệu là bộ phận quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của PVN đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong vài năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã chủ trương tham gia cuộc CMCN 4.0, tích cực chuyển đổi sang nền kinh tế số, lấy đổi mới và sáng tạo là phương châm hoạt động của Nhà nước và DN. Đây là định hướng quan trọng đối với các tập đoàn kinh tế để thay đổi, chuyển biến mang tính chất đột phá nhờ ứng dụng công nghệ và số hóa trong tất cả các hoạt động. Không có một đáp án sẵn cho chuyển đổi số đối với mọi DN mà phải căn cứ vào đặc thù kinh doanh và thị trường để từng tập đoàn kinh tế có cách tiếp cận, cách xử lý những vấn đề trọng tâm theo hướng: Nghĩ lớn, làm cụ thể; gắn chuyển đổi số với chuyển đổi DN; lãnh đạo phải đi tiên phong.

"Quá trình chuyển đổi số của DN phải coi trọng yếu tố con người. Đó là sự sáng tạo và đổi mới của lãnh đạo, giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ, sự tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo của người lao động. PVN là tập đoàn kinh tế Nhà nước đã phát triển nhanh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Hy vọng PVN sẽ đi đầu trong quá trình đổi mới và sáng tạo, thích ứng với nền kinh tế số để xây dựng thương hiệu mạnh" - lãnh đạo Hiệp hội DN đầu tư trực tiếp nước ngoài nhấn mạnh.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn