GS Võ Tòng Xuân: Chỉ hô hào dân ‘trồng cây gì, nuôi con gì’, còn phải ‘giải cứu lợn’

Kinh tếThứ Tư, 03/05/2017 09:02:00 +07:00

Giáo sư, nhà nông học Võ Tòng Xuân nói chừng nào lãnh đạo chỉ hô hào dân "trồng cây gì, nuôi con gì" nhưng nền nông nghiệp đất nước vẫn do thương lại tự do điều khiển thì những cuộc "giải cứu lợn" sẽ vẫn tiếp diễn.

Đến hẹn lại lên. Hết khoai lang nghĩa tình, đến thanh long nghĩa tình, dưa hấu nghĩa tình, chuối nghĩa tình. Và bây giờ thịt heo (lợn) đang tồn đọng. Thịt heo giá rớt thê thảm, người chăn nuôi heo của ta, từ bắc xuống nam, đang điêu đứng, lỗ lã dồn dập không còn khả năng trả nợ, tái đầu tư.

Thương lái điều khiển nền nông nghiệp

Các giới hữu trách, Hiệp hội chăn nuôi, người dân chăn nuôi heo, và báo chí đã bàn rất nhiều về hiện tượng tai hại này. Nó cứ lặp đi lặp lại mãi mà chúng ta vẫn cứ ở trong cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra.

Chúng ta hiểu rõ người nông dân phải lao động để tồn tại. Họ lao động một cách tự phát hùa theo đám đông, thấy người ta trồng và có thương lái săn đón thu mua sản phẩm với giá cao thì bắt chước trồng theo; thấy thương lái mua gom heo, cũng đua nhau nuôi heo.

Hinh anh GS Vo Tong Xuan: Chi ho hao dan ‘trong cay gi, nuoi con gi’, con phai ‘giai cuu lon’ 4

Chừng nào lãnh đạo chỉ hô hào dân "trồng cây gì, nuôi con gì" nhưng nền nông nghiệp đất nước vẫn do thương lại tự do điều khiển thì những cuộc "giải cứu lợn" sẽ vẫn tiếp diễn.

Chính quyền địa phương và trung ương cũng hồ hởi động viên người người nuôi heo, nhà nhà nuôi heo cho thương lái. Mọi người tưởng đâu nông nghiệp của ta đã đến thời phồn thịnh rồi, hãy sản xuất cho thật nhiều lúa, thật nhiều cá, thật nhiều, thanh long, dưa hấu, khoai lang, và bây giờ là thật nhiều heo.

Cho đến khi thương lái trong nước ngưng mua, vì thương lái nước ngoài không mua nữa, mới vỡ lẽ là cả một đất nước như thế này mà ngành nông nghiệp và thương mại luôn luôn được điều khiển bởi thương lái, từ thương lái quốc doanh đến thương lái tư nhân trong nước và thương lái ngoài nước.

Người nông dân vốn đã phải tự lo lấy thân vì doanh nghiệp không chơi với mình, họ chỉ chơi với thương lái là chính. Các doanh nghiệp cũng không tin nông dân, không chơi với nông dân được, nên họ cũng chỉ chơi với thương lái là chính.

Và thương lái của ta chỉ nghe theo sự điều khiển của thương lái nước ngoài mà thôi. Khi thương lái nước ngoài bỗng nhiên ngưng mua một cách không thương tiếc, thương lái của ta cũng ngưng mua, không chịu trách nhiệm gì với nông dân, mặc cho nông dân kêu cứu.

Đến lúc đó, người ta mới thấy có nhà nước nhúng tay vào đi buôn bán những “hàng hóa nghĩa tình”.

Suy cho cùng, thương lái không có tội gì cả vì họ nào có ký hợp đồng trách nhiệm gì với nông dân? Nông dân tự phát bắt chước nhau sản xuất, không cần biết gì về thị trường đầu ra. Mà làm sao họ biết được khi chính nhà nước cũng không biết, không tiên đoán được xu hướng thị trường hàng hóa trong nước và thế giới.

Vai trò Nhà nước lu mờ

Nhà nước, từ cấp cao đến cấp địa phương lúc nào cũng hô hào nông dân tăng gia trồng cây này, nuôi con kia, nhất là cây lúa, con cá, con tôm, con heo… cho thương lái mua.

Thương lái của ta gom hàng giá càng rẻ khi nông dân sản xuất càng nhiều để đem bán theo tiểu ngạch cho thương lái nước ngoài đang chờ tại cửa khẩu. Họ chở hàng trên xe tải nặng 30-40 tấn thay vì 10-20 tấn theo quy định, mặc cho đường xá, cầu cống bị hư, để cho nhà nước chịu tiền sửa chữa.

Theo thông lệ tổng kết tình hình phát triển nông nghiệp, nếu mọi mặt đều êm xuôi thì đó là do nhà nước tổ chức tài tình, khi có trục trặc hàng hóa ối đọng thì đó là do nông dân tự phát.

Nhìn vấn đề một cách thẳng thắn, chúng ta lấy làm tiếc vai trò quản lý của nhà nước các cấp quá lu mờ trong suốt chuỗi sản xuất.

Hinh anh GS Vo Tong Xuan: Chi ho hao dan ‘trong cay gi, nuoi con gi’, con phai ‘giai cuu lon’ 3

 

Nếu chỉ hô hào “trồng cây gì, nuôi con gì” nhưng thiếu vắng sự quản lý và tổ chức sản xuất của ban ngành chức năng của nhà nước, để cho thương lái trong và ngoài nước tự do điều khiển thị trường, những cuộc “giải cứu heo (lợn)” sẽ còn tiếp tục dài dài.

GS Võ Tòng Xuân

Tóm lại, nếu chỉ hô hào “trồng cây gì, nuôi con gì” nhưng thiếu vắng sự quản lý và tổ chức sản xuất của ban ngành chức năng của nhà nước, để cho thương lái trong và ngoài nước tự do điều khiển thị trường, những cuộc “giải cứu heo (lợn)”, “heo nghĩa tình”, “dưa hấu nghĩa tình”, “thanh long nghĩa tình”... sẽ còn tiếp tục dài dài.

Thoát cảnh "lợn nghĩa tình", cách nào?

Trước mắt, đối với khối lượng thịt heo dư thừa hiện nay, đã có nhiều sáng kiến từ nhiều viên chức nhà nước có trách nhiệm, kêu gọi các ban ngành giúp tiêu thụ lượng heo này.

Nhiều người nuôi heo cũng đã có sáng kiến tự tiêu thụ heo của mình với bà con xóm giềng. Trong khi phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chuộng ăn thịt heo tươi, người tiêu dùng ở các quốc gia Tây phương và các nước tiến bộ Á châu tiêu thụ thịt heo đông lạnh là chính.

Thịt heo tươi hoặc thịt heo đã chế biến (xúc xích, lạp xưởng, jambon, ba rọi hun khói, chả lụa) được đông lạnh để bảo quản trong ít nhất 6 tháng mà vẫn ngon khi xả đông.

Trong tình thế hiện tại, chúng tôi đề nghị:

-   Các trung tâm chế biến thịt nên mở rộng kho đông lạnh của mình để cho tạm trữ thịt heo tươi, hoặc cố gắng cho lực lượng công nhân chế biến của mình ra tay chế biến thịt heo ra các dạng nêu trên đây,

-   Các nhà hàng, khách sạn, các chuỗi siêu thị bán lẻ, các cửa hàng tiện lợi khắp nơi trong nước nên mở kho lạnh của mình cho tạm trữ thịt heo trong thời gian 4-6 tháng khủng hoảng này.

Về lâu dài, nhà nước các cấp không nên buông lỏng quản lý, mà phải bắt tay ngay vào hệ thống sản xuất nông nghiệp của vùng mình, quan tâm thật sự đối với nông dân của mình:

-   Về thị trường, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương nên có hệ thống tiên đoán được khối lượng và giá cả mỗi loại hàng nông sản là bao nhiêu để thông báo cho các địa phương.

Hoặc nhà nước cần nắm được thị trường nước nào đang thiếu hàng nông sản gì mà Việt Nam ta có thể sang chào hàng, mở thị trường. Đề nghị các tùy viên thương vụ của các Đại sứ quán VN phải thường xuyên thông báo về cho Bộ NN-PTNT biết để thông báo kịp thời cho các địa phương.

Tốt nhất là bộ phận xúc tiến đầu tư, thương mại của Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT cần đến các nước, nhất là Trung Quốc, thương thuyết ký hiệp ước giao thương các mặt hàng cụ thể chưa ghi chi tiết trong các Hiệp Định Tự do thương mại.

Hiệp định này sẽ làm cơ sở cho các công ty Việt Nam sang tìm đối tác Trung Quôc ký hợp đồng mua bán hàng nông sản một cách chính thức như một số công ty Việt Nam đã thực hiện, thay vì chỉ xuất theo tiểu ngạch.

-   Về quản lý, tổ chức sản xuất, nhà nước địa phương không thả lỏng cho thương lái thao túng điều khiển vô trách nhiệm nông dân của địa phương.

Phải khuyến cáo các gia trại và trang trại về tình hình thị trường trong nước và thế giới để quyết định sản xuất, không sản xuất nếu không có hợp đồng, nông dân nào không nghe theo chỉ đạo thì phải tự chịu trách nhiệm, không kêu ca nhà nước gì cả.

Video: Giá thịt lợn rẻ nhất thế giới, nông dân trắng tay, phá sản

-   Thiết lập chợ đầu mối nông sản ở các các địa điểm chiến lược. Nông dân ta có tập quán làm ăn cá thể và bán hàng tại ruộng vườn mình cho thương lái chứ không muốn đưa đi đâu xa.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, được biết đến nhiều nhất nhờ sự đóng góp của ông giúp đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Ông từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; Hiệu trưởng ĐH An Giang và hiện là quyền Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ.

Giáo sư đang đảm đương chương trình trồng lúa ở châu Phi, chương trình “4 nhà và cây lúa”, chương trình cây mía ở Tây Ninh, dự án khu công nghệ cao ở Hậu Giang.

Giáo sư nhận rất nhiều danh hiệu, trong đó có Huy chương Công trạng Nông nghiệp Pháp, Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới",...

Ngoài ra, ông cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như Quỹ Rockefeller, Viện Quản lý châu Á và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế…

Chính vì thế mà nông dân suốt đời chỉ bị thương lái ép giá. Bà con phải nhận ra điều đó để tìm cách thoát khỏi cảnh cá nằm trên thớt.

Kinh nghiệm nông dân tiên tiến tại các quốc gia giàu là người nông dân tự nguyện đứng chung trong hợp tác xã để luôn được thông suốt về thị trường về giá cả và nhu cầu trong nước và ngoài nước cho từng loại nông sản mà địa phương mình sắp hoặc có thể sản xuất.

Hợp tác xã sẽ đại diện mình đến các chợ đầu mối nông sản đấu giá hàng nông sản mình làm ra. Vấn nạn “thương lái ép giá tại đồng ruộng nông dân” sẽ không tái diễn nữa.

Do đó nhà nước sẽ cho xây dựng chợ đầu mối nông sản có sàn giao dịch để đại diện các hợp tác xã nông nghiệp đưa hàng nông sản đến giới thiệu; đại diện các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, khách sạn, chợ bán lẻ trong khu vực, v.v. đến chọn hàng và đấu thầu. Hợp tác xã sẽ bán hàng cho ai đấu giá cao nhất.

-   Nuôi, trồng sản phẩm nông sản theo quy trình kỹ thuật cao (GAP). Để đạt được người tiêu dùng trong nước và quốc tế chấp nhận, trả giá cao với hàng nông sản của mình, mỗi nông dân phải tuân thủ đúng quy trình GAP do hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hướng dẫn.

HTXNN sẽ được định vị với mã số riêng để sau này người mua hàng có thể truy xuất nguồn gốc. Mỗi xã viên trong HTXNN nuôi heo sẽ đeo vòng truy xuất nguồn gốc trên từng con heo của mình.

Hệ thống thương mại của TP.HCM sẽ hỗ trợ 50% chi phí truy xuất nguồn gốc cho tất cả vùng nuôi heo có ký hợp đồng cung cấp heo cho Thành phố. Với cam kết truy xuất nguồn gốc này mỗi nông dân sẽ luôn sản xuất sản phẩm ngon, sạch, an toàn.

Để nông sản Việt Nam chiếm lĩnh thì trường trong nước và quốc tế bền vững, nhà nước cần thương thuyết với các quốc gia bạn hàng để ký kết mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam sang thương thuyết bán hàng một cách chính thức thay vì bán theo tiểu ngạch.

Những đề nghị về hướng cứu trợ những người nuôi heo tự phát đã được nêu trên đây có thể giúp tiêu thụ đàn heo khổng lồ của chúng ta.

Giáo sư Võ-Tòng Xuân
Bình luận
vtcnews.vn