GS Việt kiều: 'Đại học tốt nhất Việt Nam cũng chưa đạt chuẩn'

Giáo dụcThứ Sáu, 30/11/2018 10:15:00 +07:00

Giảng viên Đại học Hoise Tokyo đánh giá điều kiện vật chất của các đại học Việt Nam kém, sinh viên phải ngồi ghế đá, hành lang học bài.

Tại tọa đàm Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn TP HCM chiều 29/11, GS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật, Đại học Hoise Tokyo) đặt vấn đề chất lượng giáo dục đại học phải đi cùng với điều kiện vật chất.

Ông so sánh, Việt Nam có 1,76 triệu sinh viên nhưng chỉ có 235 đại học (tính đến tháng 8) trong khi Nhật Bản có hơn 2,5 triệu sinh viên có 781 đại học. Số liệu này cho thấy một số đại học Việt Nam có số sinh viên rất đông, không đảm bảo cơ sở vật chất và thành phần giảng dạy để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Dẫn chứng các tiêu chí về cơ sở vật chất đại học ở Nhật, ông Mô nói, điều kiện vật chất để làm thành một đại học có chất lượng cao gồm: trường có phòng ốc đầy đủ với diện tích 6-10 m2 cho mỗi sinh viên; số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ với tỷ số thầy - trò là 1-10. Từ hai điều kiện này sẽ dẫn đến điều kiện thứ ba là thu hút được đông đảo sinh viên ưu tú.

Áp dụng các điều kiện này với Đại học Bách khoa TP HCM (được ông Mô đánh giá là một trong những trường tốt nhất ở Việt Nam) thì đại học này "vẫn chưa đạt tiêu chuẩn".

1

GS Đặng Lương Mô phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: VnExpress)

Thứ nhất, hai cơ sở của trường này tại quận 10 và Thủ Đức quá cách xa nhau, không đáp ứng tiêu chí giao thông trong vòng 30 phút bằng phương tiện giao thông đại chúng. Tổng diện tích xây dựng chỉ đáp ứng được hơn 35% theo yêu cầu của Bộ Giáo dục về điều kiện xin mở đại học. Họ cần nâng gấp ba lần số phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng... để đáp ứng được số lượng người học hiện có.

Thứ hai, trường có 930 giảng viên, trong đó 9 giáo sư, hơn 100 phó giáo sư, 338 tiến sĩ, 443 thạc sĩ. "Với số giảng viên này trường chỉ nên đào tạo từ 9.300 đến hơn 13.000 sinh viên thay vì hơn 24.000 người như hiện nay, chưa kể học viên sau đại học", ông Mô phân tích.

Lịch sử đại học tương đương, Nhật Bản có 24 giải Nobel

Theo GS Đặng Lương Mô, Nhật Bản có 131 năm lịch sử đại học, Việt Nam là 111 năm. "Tuổi đời" không hơn bao nhiêu nhưng nhờ phát triển tuân thủ các điều kiện vật chất chặt chẽ, Nhật đã có những thành tựu vượt bậc: 24 giải Nobel trải rộng khắp các lĩnh vực và 3 huy chương Field cho Toán học.

"Chúng ta cần thay đổi hoặc thêm một vài tiêu chí về đánh giá đại học để có một bức tranh toàn diện hơn. Hiện, các trang mạng của đại học đề cập nhiều ngành đạt chuẩn AUN-QA hay ABET... nhưng đây chỉ là đánh giá chất lượng của một vài bộ phận chứ không phải toàn bộ đại học", ông nói.

Những đại học luôn có mặt trong các bảng xếp hạng hàng đầu thế giới như Harvard, Yale, Oxford, Cambridge, Tokyo... hầu như không bao giờ quảng cáo đạt chuẩn nọ chuẩn kia, nhưng luôn được đánh giá cao.

Du học sinh tăng do chất lượng đào tạo trong nước thấp

Theo nhiều trí thức Việt kiều, hệ quả tất yếu của vấn đề chất lượng trường đại học là tình trạng du học sinh tăng vọt lên trong mấy năm gần đây. 

2

Sinh viên ngồi ở hành lang, ghế đá tại một đại học ở TP HCM. (Ảnh: VnExpress)

Ông Peter Hồng (kiều bào Australia) đưa ra con số 13 quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia khi du học ở Australia đều ở lại đây làm việc. "Tôi có động viên một cháu về nước nhưng sau đó một thời gian, cháu lại xin quay lại Australia", ông Hồng kể và đặt vấn đề chảy máu chất xám ở Việt Nam.

"Tại sao đến giờ chúng ta chưa làm được câu chuyện đào tạo đại học chất lượng, tại sao mỗi năm mất 3-4 tỷ USD cho du học", ông Hồng tiếp tục câu chuyện.

Theo doanh nhân này, chất lượng sinh viên ra trường còn kém, doanh nghiệp thường mất 6 tháng đến một năm để đào tạo lại. Công tác hướng nghiệp phải được đặt lên hàng đầu, thực hiện cho học sinh từ lúc còn nhỏ, phát hiện sớm năng khiếu và đam mê. Trường học phải tạo cơ hội cho học sinh quan sát, mô phỏng và tiếp cận môi trường làm việc trong các ngành nghề và lĩnh vực mà chúng quan tâm.

Trong khi đó, ông Võ Thành Sơn (Việt kiều Bỉ) nói muốn thay đổi sinh viên, thay đổi xã hội thì cần đổi chính mình với ba yếu tố kiến thức, nghị lực vượt khó và đạo đức. Thực tế cho thấy, sinh viên hiện thiếu tính sáng tạo, tự lập một phần do từ bé đã được cha mẹ nuông chiều.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn