GS Trần Văn Thọ: 'Bất ổn lớn nhất của kinh tế Việt Nam là phụ thuộc vào bên ngoài rất nhiều'

Kinh tếThứ Tư, 08/11/2017 07:43:00 +07:00

GS Trần Văn Thọ cho rằng, một trong những điểm bất ổn lớn nhất hiện nay của kinh tế Việt Nam là phụ thuộc vào bên ngoài rất nhiều.

Có nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải cho việc chậm tiến độ, như do một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Nguyên nhân được xác định là do đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn...

Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, các chuyên gia nhìn nhận đó chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến quá trình cổ phần hóa DNNN bị chậm lại, mà nguyên nhân chính là do tư duy chưa có sự thay đổi, Việt Nam vẫn dè dặt với chính sách này và hệ quả là dẫn đến có một độ trễ khá xa so với thế giới.

IMG_0589

 Giáo sư Trần Văn Thọ: "Tôi cảm thấy sốt ruột vì sự phát triển chậm chạp của Việt Nam".

Trao đổi với PV VTC News, GS Trần Văn Thọ, giảng viên kinh tế trường Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đã thẳng thắn chia sẻ, cá nhân ông cảm thấy sốt ruột vì sự phát triển chậm chạp của Việt Nam bởi các rào cản từ thể chế, chính sách chưa hoặc ít được thay đổi cho phù hợp.

“Cải cách, cổ phần hóa đã bắt đầu từ năm 1992, mà cho đến hôm nay, sau 25 năm, chúng ta lại vẫn còn bàn về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Điều đó nói lên rằng chúng ta đã đi quá chậm, phải nói là rất chậm. Chậm so với ngày trước, chậm so với những đòi hỏi của thế giới bây giờ”, GS Trần Văn Thọ nhận xét.

GS Trần Văn Thọ cho biết: “Ngay từ những năm giữa thập niên 1990, khi tôi tư vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy, tôi mong rằng quá trình cổ phần hóa DNNN sẽ thành công chỉ trong vài năm thôi, và hãy chỉ rõ ra và làm bằng được những công việc cụ thể.

Nhưng đến nay, sau 25 năm, chúng ta vẫn còn bàn về vấn đề này. Tôi nhận thấy rằng, Việt Nam chúng ta đang quá chậm, đang bị mất quá nhiều thời gian cho vấn đề này. Thực tế là 25 năm, Việt Nam vẫn chưa ‘giải’ xong bài toán cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.

GS Thọ cũng chỉ ra rằng, một trong những điểm bất ổn lớn nhất hiện nay của kinh tế Việt Nam là phụ thuộc vào bên ngoài rất nhiều. “Kênh đầu tư vốn FDI chiếm tới 50% sản xuất công nghiệp, 70% xuất khẩu, như vậy là quá lớn. Chúng ta là một nước nhiều tiềm năng, thế mạnh có nhiều mà lại phụ thuộc như thế là rất không ổn”, GS Thọ nói.

GS Trần Văn Thọ nhìn nhận: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm chạp của chúng ta trong phát triển kinh tế, song cái chính vẫn là tư duy. Tôi cho rằng tư duy làm kinh tế của chúng ta chưa thay đổi, và cần phải thay đổi”.

“Hiện nay, chúng ta đặt ra mục tiêu là kinh tế tư nhân phải đóng góp từ 40% - 60% GDP trong tổng số thu nhập quốc dân, muốn làm điều đó thì chúng ta phải đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhanh, không thể chậm trễ”, GS Thọ nói.

GS Trần Văn Thọ cho rằng, ông cảm thấy lo lắng khi quá trình cổ phần hóa DNNN với nâng cao năng lực của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong nước hiện nay chưa có sự tương xứng. Điều này dẫn đến việc cổ phần hóa DNNN có thể sẽ vẫn khiến kinh tế Việt Nam lệ thuộc bên ngoài vì các đối tượng mua cổ phần DNNN bán ra là các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.

“Điều tôi đặc biệt quan tâm lúc này là vấn đề ai sẽ mua các cổ phần khi DNNN cổ phần hóa. Doanh nghiệp nước ngoài họ vào Việt Nam mua cổ phần DNNN, Chính phủ có cách nào để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tư nhân trong nước đứng ra mua cổ phần hóa hay không? Doanh nghiệp nước ngoài họ ào vào, thì chúng ta sẽ làm gì, kinh tế chúng ta sẽ phản ứng thế nào?”, GS Trần Văn Thọ đặt câu hỏi.

“Tôi nhận thấy, doanh nghiệp nhà nước chưa có sự chuẩn bị và doanh nghiệp tư nhân trong nước thì cũng chưa đủ mạnh để đáp ứng được điều này, đây là điều mà tôi rất lo ngại”, GS Trần Văn Thọ nói.

Chậm để an toàn?

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra vào chiều 3/11, đại diện Bộ KH&ĐT đã trả lời các câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Báo chí đặt câu hỏi: “Theo báo cáo của Ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm nay mới cổ phần hoá được 20/44 doanh nghiệp nằm trong danh mục doanh nghiệp phải cổ phần hoá từ nay đến 2020. Theo đánh giá của Chính phủ, tiến độ như vậy là rất chậm. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ có giải pháp nào thúc đẩy tiến độ không?”.

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết: “Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện Đề án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành các quyết định tạo cơ sở pháp lý, các cơ chế chính sách, lộ trình rõ ràng, minh bạch trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quá trình cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng nhìn nhận: Thực tế tiến độ cổ phần hoá hiện nay còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ đề ra. Doanh nghiệp nhà nước thì còn chưa thực chất, chưa nâng cao được hiệu quả hoạt động. Số doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn giảm nhưng tỉ lệ sở hữu vốn của nhà nước trong số những doanh nghiệp cổ phần hoá còn cao.

“Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành đang quản lý nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước đang chiếm 100% hoặc đa số cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá này”, người đại diện Bộ KH&ĐT nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, để thực hiện được việc cổ phần hoá này cần phải lưu ý đến những việc cần phải làm, đặc biệt là vấn đề định giá, đánh giá tài sản của các doanh nghiệp nhà nước.

“Vì nếu chúng ta không có những căn cứ vững chắc, pháp lý rõ ràng để đánh giá, định giá sẽ gây ra vấn đề là đánh giá thấp giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá. Điều này sẽ gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước”, Thứ trưởng Phương cho hay.

Trước đó, đánh giá về kết quả cổ phần hóa và thoái vốn trong 9 tháng đầu năm 2017, người đứng đầu Chính phủ chính cho rằng, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra.

Video: Nghệ sĩ bức xúc nói về sự thiếu minh bạch trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn