GS Trần Văn Giàu và hình ảnh một con người giản dị

Chính trịThứ Sáu, 17/12/2010 11:06:00 +07:00

GS Giàu đã bán căn nhà do Nhà nước cấp lấy 1.000 lượng vàng bỏ vào quỹ khích lệ những nhà nghiên cứu trẻ và sống đạm bạc trong căn nhà nhỏ ở quận 11, TP.HCM.

GS Giàu đã bán căn nhà do Nhà nước cấp lấy 1.000 lượng vàng bỏ vào quỹ khích lệ những nhà nghiên cứu trẻ và sống đạm bạc trong căn nhà nhỏ ở quận 11, TP.HCM.

"Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tôi may mắn có rất nhiều kỷ niệm với Cụ Hồ. Hôm nay tôi không nói về những chuyện lớn lao mà chỉ kể hai mẩu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn về giáo dục cán bộ. Đó là chuyện Cụ Hồ “chỉnh” tôi về ăn và mặc” - GS.NGND, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu xúc động kể với phóng viên tại nhà riêng vào chiều 30/1/2007.

1. Cán bộ phải giản dị

Giữa tháng 9/1945, Cụ Hồ chỉ thị tôi và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra Bắc để báo cáo với Chính phủ về tình hình khởi nghĩa tại miền Nam, những vấn đề gì cần phải giải quyết… Đây cũng là lần đầu tiên tôi được gặp Cụ Hồ.

Tôi ở trong Nam ra, lúc đi tôi không có bộ đồ Tây nào đàng hoàng, chỉ có quần áo sơ mi trông rất tềnh toàng. Khi ra Bắc tôi ở nhà ông Đỗ Đình Thiện vì ông là bạn học của tôi.

Hôm chuẩn bị vào gặp Cụ Hồ, ông Thiện dẫn tôi ra phố Hàng Trống để may một bộ đồ nỉ hết sức đẹp, có bộ cúc áo trông rất sang trọng. Ông Thiện nói với tôi: “Ông Giàu ở Sài Gòn ra phải mặc như vậy để vào gặp Cụ Hồ …”.

GS Trần Văn Giàu (ngồi) được phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2003

Hôm vào gặp Cụ, tôi mặc bộ quần áo mới. Lúc gặp tôi, Cụ lại cầm tay áo xem cúc áo và khen “Bộ quần áo nỉ đẹp quá, bộ cúc áo cũng thật đẹp!”. Lúc này ông Thiện nói nhỏ với tôi: “Ông Cụ đang phê bình ông đấy!”.

Khi về, tôi cất ngay bộ đồ này và lần sau đến gặp Cụ, tôi mặc bộ đồ kaki bình thường. Cụ bắt tay tôi niềm nở, không khen chê gì cả. Tôi hiểu, đó là cách Cụ “chỉnh” mình. Là cán bộ không được se sua, phải ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, đàng hoàng, đơn giản như mọi người.

2. Khổ cùng với cái khổ của dân

Trong khoảng thời gian ở miền Bắc gần một tháng, hàng ngày tôi đến ăn cơm trưa với Cụ tại Phủ Chủ tịch. Tuy nhiên có nhiều bữa ghế của tôi trống vì tôi không đến, Cụ Hồ hỏi những người ngồi ăn chung: “Chú Giàu dạo này ăn ở đâu, sao ít thấy đến ăn trưa ở đây vậy?”. 

Anh em nói với Cụ “Chắc anh ấy đi ăn cơm ở nhà ông Đỗ Đình Thiện” (ông Đỗ Đình Thiện là một trong những nhà giàu bậc nhất Hà Nội khi đó và cũng là người đã đóng góp nhiều tiền vào kho bạc đang trống rỗng của chính quyền cách mạng).

Sau đó tôi có nghe anh em nói lại, khi nghe nói tôi đi ăn ở nhà ông Đỗ Đình Thiện, Cụ Hồ bảo: “Chắc ăn cơm với Bác khổ quá nên chú Giàu đến ăn cơm nhà ông Đỗ Đình Thiện ngon hơn”. Bản thân tôi cũng nghe Cụ Hồ nói: “Ăn cơm với Bác cực quá nên chú lại ăn cơm với ông Thiện phải không…”. Rất nhẹ nhàng nhưng với tôi đó là lời nhắc nhở thật thấm thía.

Trong lúc dân ta đang khổ, nạn đói năm 1945 đang còn ảnh hưởng đến bao người, đã là cán bộ phải biết khổ cùng với cái khổ của dân, phải sướng sau dân, vậy mà tôi là cán bộ cách mạng lại tìm đến chỗ cơm ngon để ăn thì quả là không được.

Qua hai câu chuyện trên tôi thấy những gì Cụ dạy tôi rất sâu sắc và có tác dụng rất cao, cao hơn gấp nhiều lần nếu chỉ thẳng bảo tôi phải làm cái này, làm cái kia.

Ảnh cuộc sống bình dị của GS Trần Văn Giàu:

 GS Giàu đã bán căn nhà do Nhà nước cấp lấy 1.000 lượng vàng bỏ vào quỹ khích lệ những nhà nghiên cứu trẻ và sống đạm bạc trong căn nhà nhỏ ở quận 11, TP.HCM
Phòng làm việc của ông chứa rất nhiều sách
Bức tượng Trần Văn Giàu và chiếc tủ đựng hồ sơ được ghi chi tiết từng lĩnh vực khác nhau.
Chiếc tủ gỗ kê những bài thơ ca ngợi GS Giàu do bạn be mến tặng vào ngày mừng thọ 85 tuổi.
Chiếc bàn làm việc trong phòng ngủ tại giờ vắng bóng dáng ông
Và khu vườn nhỏ
 Cùng chiếc giường đơn sơ của Giáo sư

Theo Vnexpress/SGGP
Bình luận
vtcnews.vn