GS Trần Ngọc Thêm: Nhiều người chưa đọc hết bài của tôi đã lao vào 'ném đá'

Ý kiếnThứ Bảy, 27/11/2021 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm khẳng định, ông đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" chứ không phải bỏ dạy lễ, nhưng nhiều người chưa đọc hết đã lao vào "ném đá".

Tham luận của GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) tại hội thảo về giáo dục ngày 21/11, trong đó có đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các trường học, đang tạo ra cuộc tranh cãi sôi nổi trên không gian mạng. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, rất nhiều người phản đối và chỉ trích nặng nề.

Trò chuyện với VTC News, GS Trần Ngọc Thêm chia sẻ quan điểm của ông về câu chuyện "Tiên học lễ" cũng như triết lý giáo dục để có những con người sáng tạo, đưa đất nước phát triển.  

GS Trần Ngọc Thêm: Nhiều người chưa đọc hết bài của tôi đã lao vào 'ném đá' - 1

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm.

- Quan điểm của giáo sư về việc bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vì sao giáo sư lại đề xuất như vậy?

Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã gắn bó rất lâu đời với nền giáo dục và trong xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, không phải cứ lâu đời thì phải giữ, mà phải xem khẩu hiện này có còn phù hợp hay không, mặc dù tôi không phủ nhận, khẩu hiệu này trong một thời gian dài đã có ích cho giáo dục, cho xã hội. Nó xuất phát từ Nho giáo, bảo vệ chế độ phong kiến, mà chế độ này chỉ cần người dân biết lễ nghĩa, biết trên dưới là đủ chứ không cần một xã hội phát triển, dân chủ và sáng tạo.

Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử nói rằng: “Con em ở nhà thì hiếu thảo, ra ngoài thì kính nhường, thận trọng và thành thực, yêu thương khắp mọi người, gần gũi người nhân đức; làm được những việc trên rồi mà còn dư sức thì học văn”. Nghĩa là người ta chỉ cần học lễ là đủ (còn dư sức thì mới học văn). Mà lễ là khuôn phép, là biết trên biết dưới, biết kính nhường, đó là quan niệm kính nhường một chiều, từ dưới lên trên.

Với xã hội truyền thống, điều đó là cần, là đủ, là có ích. Thế nhưng xã hội bây giờ cần phát triển, mà sự phát triển cần sự đóng góp của mỗi người, chứ không phải coi người dưới là công cụ, là cỗ máy để người trên sử dụng, vì như thế thì xã hội không thể nào phát triển được. Quan niệm trọng lễ, coi lễ làm đầu không còn thích hợp nữa, vì vậy tôi mới đề nghị bỏ khẩu hiệu này.

- Vậy theo giáo sư, việc bỏ khẩu hiệu này ảnh hưởng như thế nào đến xã hội và liệu có làm xã hội cởi mở, sáng tạo hơn?

Trong quá khứ, từ xã hội phong kiến cho đến bây giờ, chúng ta vẫn giữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Từ khi đổi mới đến nay, xã hội đã phát triển nhiều về kinh tế, nhưng trong văn hóa thì nhiều giá trị lại đang đi xuống. Kinh tế phát triển không phải nhờ “tiên học lễ”. “Tiên học lễ” không đảm bảo cho xã hội lành mạnh, phát triển. Giữ tiên học lễ mà trong xã hội vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái, trong đó không thể có tư duy phản biện được.

Phương Tây tuy không hề có "tiên học lễ" nhưng xã hội rất phát triển, trong nhà trường hoàn toàn dân chủ, cởi mở và sáng tạo. Câu chuyện cậu bé người Mỹ Osman Yahya 11 tuổi, học lớp 6, với tư cách người dẫn chương trình, đã hai lần thẳng thắn ngắt lời Tổng thống Barack Obama vì ông trả lời quá dài dòng trong chương trình hỏi đáp giữa Tổng thống với học sinh trung học ngày 30/4/2015 (Telegraph, 8/5/2015) là một minh chứng.

Rõ ràng chuyện như thế không thể xảy ra ở xã hội “tiên học lễ” như chúng ta. Ở các nước phát triển, người ta không trọng lễ nghĩa theo kiểu người dưới phải phục tùng người trên một chiều, giáo dục dân chủ đã giải phóng sức sáng tạo một cách mạnh mẽ. Trong gần 120 năm tổ chức giải Nobel (1901-2018), các quốc gia phương Tây có 744/816 người được giải (không tính giải Nobel Hòa bình), chiếm tỷ lệ áp đảo là 91,2%.

Văn hóa truyền thống đề cao “tiên học lễ” và đề cao quá mức vai trò của người thầy. Người thầy xưa có vị trí sau vua và trên cha (Quân - Sư - Phụ). hơn nửa chữ đã là thầy. Việc đề cao quá mức vai trò của người thầy có thể kéo theo hệ quả là một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình, dẫn đến những hiện tượng như cô giáo này không nói suốt ba tháng đứng lớp, cô giáo kia bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng,…

Điều đó cho thấy không nhất thiết phải khư khư giữ lấy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Giữ "tiên học lễ" nhưng  vẫn còn bộ phận cán bộ suy thoái; không thể có tư duy phản biện được khi còn trọng lễ nghĩa. Để có con người sáng tạo, cần đề cao dân chủ trong giáo dục, khuyến khích tư duy phản biện, khai phóng, khuyến khích sự sáng tạo trong giáo dục con người.

GS Trần Ngọc Thêm: Nhiều người chưa đọc hết bài của tôi đã lao vào 'ném đá' - 2

Giáo sư Trần Ngọc Thêm: "Bỏ khẩu hiệu 'Tiên học lễ hậu học văn' không có nghĩa là từ bỏ dạy lễ, dạy văn, mà chỉ là từ bỏ cách dạy lễ theo kiểu phục tùng một chiều".

- Như ông đã phân tích, văn hóa truyền thống đề cao “tiên học lễ” và đề cao quá mức vai trò của người thầy, vậy người thầy trong giáo dục sáng tạo phải thế nào?

Vai trò thực sự của người thầy trong giáo dục sáng tạo là hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình chứ không phải bắt học sinh phục tùng… Để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo đó.  

Dân chủ trong giáo dục là dân chủ trong trao đổi và sáng tạo tri thức, dân chủ phải đi cùng với thượng tôn pháp luật chứ không phải thứ dân chủ dẫn đến rối loạn xã hội, dẫn đến những sự cố như học sinh bóp cổ cô giáo, đâm thủng bụng thầy giáo,…

Mặt khác, cần tạo dựng một môi trường khuyến khích tính chủ động, điều quan trọng là người học phải tự tin. Để chủ động và tự tin trong giao tiếp thì người học phải rèn luyện tư duy phản biện và phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác với số đông còn lại, thoát ra khỏi áp lực của họ. Để chủ động và tự tin trong hoạt động thì người học phải rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch.

- Xã hội Việt Nam vẫn tôn trọng chữ “Lễ”, đề xuất này của ông liệu có đi ngược với xã hội?

Xã hội truyền thống của Việt Nam là xã hội ưa ổn định nên mục tiêu đào tạo là xây dựng mẫu người thừa hành với căn bệnh thụ động, khép kín, với thói cào bằng, đố kỵ và thói dựa dẫm, ỷ lại.

Phẩm chất thường được đánh giá cao trong văn hóa Việt Nam không phải là tính tiên phong hay sự tự tin mà là sự khiêm tốn. Trong khi ở phương Tây, khiêm tốn là sự đánh giá đúng về giá trị và năng lực của mình thì ở Việt Nam, khiêm tốn lại thường được hiểu là sự nhún nhường, tự hạ thấp mình, nói giảm đi một cách quá mức để hy vọng người khác sẽ nâng mình lên. Trong trường hợp ngược lại thì sẽ nói quá lên, sẽ “nổ” và “chém gió”. Đó là sự “khiêm tốn giả vờ”.

Bản tính phục tùng, nguyên lý trọng lễ, mục tiêu đào tạo người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động, khép kín, bảo thủ, thiếu sáng tạo. Thêm vào đó, tính cộng đồng cùng áp lực của số đông, sự "dìm hàng", "ném đá" của cộng đồng giáng xuống đầu những người đi tiên phong như một sự cảnh cáo đã giết chết mọi sự tích cực.

Khi nêu quan điểm bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có nhiều người phản đối quyết liệt, trong đó không ít người đơn giản là chụp mũ, thóa mạ không thương tiếc mà không cần đọc hoặc đọc hết bài viết của tôi. Đó là gì nếu không phải là biểu hiện của căn bệnh “ném đá tập thể” – căn bệnh đã và đang giết chết mọi sự tiên phong, mọi sự tích cực?

GS Trần Ngọc Thêm: Nhiều người chưa đọc hết bài của tôi đã lao vào 'ném đá' - 3

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã gắn bó với xã hội Việt Nam qua nhiều thế kỷ.

- Theo giáo sư, nếu bỏ khẩu hiệu này, chúng ta sẽ thay thế bằng một khẩu hiệu khác hay phải thay đổi quan niệm về chữ “Lễ” thế nào?

Bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” không có nghĩa là từ bỏ dạy lễ, dạy văn, mà chỉ là từ bỏ cách dạy lễ theo kiểu phục tùng một chiều, còn giáo dục đạo đức thì xưa nay vẫn cần, không bao giờ là thừa cả. Đức và tài xưa nay luôn phải song hành với nhau.

Bản tính phục tùng, nguyên lý trọng lễ, mục tiêu đào tạo người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động, khép kín, bảo thủ, thiếu sáng tạo.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

Chỉ có điều, giáo dục đạo đức rộng hơn nhiều so với “học lễ” theo kiểu người dưới phục tùng người trên, “áo mặc không qua khỏi đầu”, “sống lâu thì lên lão làng”. Như thế thì không thể nào có sự phát triển được. Mối quan hệ giữa lễ và văn phải thay bằng mối quan hệ giữa đức và tài.

Đức và tài biểu hiện cho phẩm chất và năng lực. Trong mối quan hệ này, tùy từng giai đoạn, hoàn cảnh mà xác định cái nào quan trọng hơn, cần tập trung chủ yếu cho cái nào. Ví dụ như ở các cấp học thấp cần tập trung cho việc học làm người. Nhưng khi lên các cấp học cao hơn, khi những phẩm chất của một công dân đã hình thành đủ rồi thì phải tập trung học tri thức, học sáng tạo. Lên cấp đại học rồi, không thể cứ “tiên học lễ, hậu học văn” như phổ thông được, cứ như thế thì lấy đâu ra nhân tài?

Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng để thay đổi một số quan niệm và thói quen trong văn hóa học đường truyền thống, để xã hội Việt Nam có con người sáng tạo. Bác Hồ thường nói tài trước, đức sau. Bác nói tìm người tài đức chứ không phải đức tài.

Thống kê trong 15 tập của Hồ Chí Minh toàn tập cho thấy, Bác nhắc đến mối quan hệ này 14 lần, trong đó có tới 12 lần Bác viết tài trước, đức sau. Người có đức chưa chắc có tài, mà đức thì có thể suy thoái, biến chất. Do vậy, đức là điều kiện cần, là cái nền để trên đó phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Ngày 12/6/1956, Bác nói: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.

Đức không chỉ là lễ nghĩa, mà thể hiện qua lối làm việc và sự tuân thủ pháp luật. Sau cách mạng tháng Tám,  cán bộ mới được bổ nhiệm tha hóa khá nhiều. Chỉ sau hơn một năm, Bác đã phải viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” để chấn chỉnh. Từ năm 1949, Bác đã nói đến sự cần thiết phải xây dựng một nền “thần linh pháp quyền”. Tháng 9/1950, Bác phải đau lòng y án tử hình Trần Dụ Châu, nguyên là Đại tá, Giám đốc Nha Quân nhu về tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, sống xa hoa.

Người ta lo lắng rằng khi bỏ khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”, lớp trẻ sẽ không còn coi trọng đạo đức nữa, xã hội sẽ suy thoái. Nhưng điều đó (coi trọng lễ) không đảm bảo cho xã hội tốt lên, quan trọng là phải có nền pháp quyền đi kèm.

Sở dĩ phương Tây không có “tiên học lễ, hậu học văn” mà xã hội vẫn ổn định, cán bộ suy thoái không nhiều, không có hiện tượng chuỗi sự cố học đường là vì pháp luật của họ được thực thi nghiêm minh và đều khắp, không có vùng cấm, không có người đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Khi mọi người đều đã tôn trọng pháp luật như nhau rồi thì “tiên học lễ” sẽ trở nên thừa.

- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

MAI THÚY (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp