GS Nguyễn Lân Dũng: Đề 'trinh tiết' có gì thô tục?

Giáo dụcThứ Sáu, 13/04/2012 07:10:00 +07:00

(VTC News)- Loại đề mở này rất hay, nó trái ngược hẳn với loại đề bình luận sáo mòn về những chuyện mà học sinh rất ít trải nghiệm.

(VTC News) - Xung quanh đề thi “trinh tiết” của ĐH FPT gây xôn xao dư luận, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng đề thi không có gì trái với thuần phong mỹ tục như nhiều chuyên gia phản ánh.



-  Thưa GS, dư luận hiện nay đang xôn xao với những luồng ý kiến trái chiều nhau về đề thi “trinh tiết” của ĐH FPT trong kỳ tuyển sinh ngày 8/4 vừa qua. Là một chuyên gia giáo dục, ông đánh giá điều này như thế nào?

Tôi cho là trước khi phê phán hãy đọc kỹ lại đề thi này. Tôi không thấy có gì trái ngược với thuần phong mỹ tục cả.

Học sinh được trả lời theo đúng suy nghĩ của một thanh niên đủ tuổi trưởng thành và đã tiếp cận với tuổi sinh học về sinh sản. Loại đề mở này rất hay, nó trái ngược hẳn với loại đề bình luận sáo mòn về những chuyện mà học sinh rất ít trải nghiệm.

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng đề thi của ĐH FPT vừa qua không có điều gì trái với thuần phong mỹ tục 

- Nói đến đây thì GS có suy nghĩ gì về cách ra đề thi ở nước ta hiện nay ?

Tôi thấy Trần Đăng Khoa kể những câu chuyện rất đáng để chúng ta suy nghĩ về chuyện ra đề thi và chấm bài thi Văn ở bậc phổ thông.

Đề văn của tôi thuở xưa: “Em hãy tả ngôi trường của em”. Trẻ em đâu đã biết hư cấu. Thường cứ thật thà thấy sao nói vậy. Trường tôi mà “nhìn từ xa” thì chẳng thấy cái gì cả, vì khu trại chăn nuôi che khuất hết. Chả lẽ lại thật thà viết: “Ngôi trường em nếu nhìn từ xa thì đúng là mấy dãy chuồng bò...”. Tôi đành phải biến tấu: “Từ xa nhìn lại, khu trường thân yêu của em trông như một cái gọng bừa. Đến gần, nó là ba căn nhà xinh xắn xếp theo hình chữ U...”.
ÔngNguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học FPT chia sẻ: 

“Việc thí sinh lựa chọn quan điểm nào không quyết định tới điểm số, mà quan trọng là thí sinh biết cách phân tích, lập luận đưa ra những ví dụ xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình. Điều chúng tôi đánh giá chính là tư duy của thí sinh được thể hiện qua bài viết luận”,
Bài văn tôi viết hồi lớp ba này từng được đưa vào tập tuyển những bài văn mẫu chọn lọc. Tôi đã phải đến Nhà xuất bản Giáo dục, tìm thầy Nguyễn Nghiệp, nhờ thầy loại giúp bài văn ấy ra, vì không thể lấy bài viết ấu trĩ đó làm mẫu cho học sinh bây giờ được.

Ngày xưa, bọn tôi đi học được luyện văn như thế đấy. Dùng từ cũng phải cụ thể. Bầu trời đã xanh, là cứ phải xanh lơ, xanh trứng sáo, xanh lá mạ. Không thể viết “Bầu trời xanh bát ngát.” Cô sẽ phê ngay: “Dùng từ không chính xác. Bát ngát là từ chỉ rộng”. Nhưng khổ nỗi, em học sinh ấy lại muốn diễn tả bầu trời vừa xanh, vừa rộng thì sao?

- GS có kỷ niệm thú vị nào chia sẻ xung quanh câu chuyện này?

Các nhà văn mà viết văn hộ học trò là dễ bị trượt lắm. Và họ sẽ bị phê “dùng từ không chính xác”. Nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan, có truyện ngắn “Anh xẩm”, với đoạn mở đầu truyện rất độc đáo, nhưng nếu đưa cô chấm, khéo bị điểm hai vì câu cụt câu què:

“Từ chiều, lại bắt đầu trở rét.
Gió.
Mưa.
Não nùng...”
Nhà văn lớn Nguyễn Khải, hồi còn ở bãi Phúc Xá, đã kể cho tôi với nhà văn Lê Lựu nghe một chuyện thật mà cứ như bịa. Thằng con trai nhà văn có bài văn cô cho về nhà. Bài văn lại phân tích tác phẩm “Mùa lạc” của Nguyễn Khải.

Thế là cu cậu cứ vòi, bắt bố làm hộ. Chiều con, nhà văn lớn bỏ ra cả một buổi tối làm bài nghị luận cho con. Rồi ông hồi hộp, thấp thỏm chờ đợi. Và thật bất ngờ, khi cô trả bài, ông bị điểm hai, với lời phê của cô: “Dùng từ sai. Em không hiểu ý tác giả” !

- Nhận xét về đề thi của ĐH FPT năm nay, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nếu là người hiểu biết về văn học cũng dễ dàng nhận thấy đề thi của ĐH FPT thể hiện sự yếu kém về chuyên môn. GS có đồng tình với nhận xét này không?

Tôi cho rằng đề thi này không cần nhắc đến Nguyễn Du cũng đầy đủ thông tin của một đề thi rồi. Đánh giá trình độ kiến thức văn học của người ra đề thi tôi xin nhường cho các chuyên gia ngữ văn. Tôi là người ngoại đạo không dám lạm bàn.

Đề thi " Trinh tiết" của ĐH FPT gây xôn xao dư luận 

- Thậm chí có chuyên gia văn học còn cho rằng đề thi đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi người ra đề đã không giấu được chủ kiến của mình đề vô hình chung gây sức ép bắt thí sinh đi theo quan điểm của người ra đề ?

Tôi thấy không có câu chữ nào biểu hiện điều đó. Nếu là thẩm phán mà suy luận kiểu này thì chết cho bị can rồi. Đề thi nhắc đến những thực tiễn mà ai cũng biết nhưng dành quyền đánh giá cho học sinh. Dù theo quan điểm nào cũng phải chứng minh để bảo vệ quan điểm của mình. Qua các luận điểm này thầy giáo có thể đánh giá đúng được trình độ nhận thức cũng như năng lực biểu hiện chính kiến của từng học sinh.

- Nhiều ý kiến cho rằng còn có rất nhiều nội dung giáo dục mang ý nghĩa xã hội sâu sắc sao không được sử dụng để làm đề thi?

Ở tuổi thi vào Đại học mà sao có thể nói là còn có rất ít kiến thức về sức khỏe, giới tính. Nói như vậy là rất xa rời thực tiễn. Học sinh cấp THCS mà còn đã dắt nhau vào nhà nghỉ rồi cơ mà. Chính vì tránh né không giáo dục một cách đàng hoàng về sức khỏe sinh sản mới dẫn đến biết bao bi kịch về tình dục sớm, tình dục không an toàn.

Tại sao mọi đề thi đều phải xoay quanh các chủ đề mang tính kinh điển? Vậy chuyện sức khỏe sinh sản, chuyện quan điểm hôn nhân không mang ý nghĩa xã hội sâu sắc hay sao?

Chắc ai cũng nhớ câu nói của đại thi hào Goethe - Mọi lý thuyết đều xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi (!)

- Ngoài sự yếu kém của chuyên môn, đề thi môn tự luận còn thô tục đến khó chấp nhận do đưa vào những từ ngữ nhạy cảm và đang có đồng nhất giữa 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau là “cái màng trinh” và vấn đề “trinh tiết”. GS có suy nghĩ gì về quan điểm này?

Bây giờ học sinh đều đã học qua môn Giải phẫu sinh lý người ngay từ lớp 8. Những thuật ngữ sinh học ấy có gì là thô tục? Ai nhận xét như vậy thì đúng là ông đồ nho của thời kỳ xa xưa mất rồi.

Về mặt sinh học thì đương nhiên “cái màng trinh” liên quan đến vấn đề “trinh tiết”rồi. Học sinh cần hiểu rõ thì mới có thể có hành xử liên quan một cách đúng đắn chứ. Tôi vẫn nghĩ học sinh ở tuổi thi Đại học đâu còn là trẻ con?

-Nhiều độc giả cũng thể hiện băn khoăn liệu với đề thi mở như vừa qua của ĐH FPT thì đáp án ra sẽ theo hướng nào?

Tôi cho rằng đã là đề thi theo hướng mở thì không nên có đáp án cứng nhắc. Hãy nhớ đến bài thi được giải cao ở Australia của một em học sinh phổ thông gốc Việt. Đầu đề chỉ có hai chữ Bước ngoặt. Em ấy đã viết về chuyến về thăm Việt Nam. Sau khi nêu các nhận xét đáng học tập từ học sinh trong nước, em ấy đã bày tỏ tình cảm thương học sinh chúng ta ở hai điều: Không được tranh luận với thầy cô (!) và Sân trường không một cọng cỏ (!) Với các bài thi như vậy thì đáp án sẽ là như thế nào đây?

Xin cảm ơn GS vì những chia sẻ này!

Bạn đọc nhận xét về đề thi "trinh tiết" của ĐH FPT xin gửi ý kiến vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!


Phạm Thịnh ( thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn