GS ĐH Mỹ không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng ở Việt Nam: Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nói gì?

Giáo dụcThứ Hai, 07/05/2018 16:39:00 +07:00

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, có rất nhiều hiệu trưởng xuất thân từ các GS giỏi, sau khi đã tích luỹ đủ kiến thức, kinh nghiệm quản trị, quản lý trường đại học nhưng rất nhiều GS giỏi không bao giờ trở thành hiệu trưởng.

Liên quan đến việc GS Trương Nguyện Thành “không đủ tiêu chuẩn” bổ nhiệm hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, mới đây, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ với VTC News xung quanh vấn đề này.

Theo bà Phụng, có rất nhiều hiệu trưởng xuất thân từ các GS giỏi, sau khi đã tích luỹ đủ kiến thức, kinh nghiệm quản trị, quản lý trường đại học nhưng rất nhiều GS giỏi không bao giờ trở thành hiệu trưởng.

Video: Vì sao "giáo sư quần đùi" chia tay Đại học Hoa Sen?

- Việc GS Trương Nguyện Thành không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng Đại học Hoa Sen khiến ông quyết định quay trở lại Mỹ dạy học đang xôn xao dư luận, khiến không ít người nuối tiếc. Bản thân bà thấy thế nào?

Luật Giáo dục đại học hiện hành (được ban hành từ năm 2012) quy định một trong các điều kiện của hiệu trưởng là phải tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm.

Đó là quy định mang tính định lượng rõ ràng về điều kiện này. Tuy nhiên, chính điều này đã bó hẹp nguồn ứng viên hiệu trưởng. Những quy định như vậy là một trong các lý do cần phải sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học và hiện nay, Luật này đang trong quy trình sửa đổi, bổ sung.

Điều lệ trường đại học quy định thẩm quyền xem xét, công nhận hiệu trưởng của các trường đại học tư thục thuộc chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố.

Tôi hiểu rằng, quy định của Luật Giáo dục đại học nêu trên là cơ sở để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM không công nhận chức danh hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen đối với GS Thành.

Bởi vì, khi Luật đang có hiệu lực thì từ Bộ Giáo dục - Đào tạo đến các cơ quan có thẩm quyền khác hay các tổ chức, cá nhân có liên quan đều phải tuân thủ, thực thi.

Mặc dù vậy, tôi vẫn cho rằng nếu trường Đại học Hoa Sen và ứng viên hiệu trưởng thực sự có quyết tâm cao thì vẫn có thể vừa đạt được hợp tác, vừa thực hiện đúng Luật, không nhất thiết phải bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng ngay ở thời điểm mà điều này còn đang trái với quy định hiện hành hoặc chấm dứt hợp tác.

20170805142501-xet-tuyen-dai-hoc-nguyen-thi-kim-phung 3

 Bà Nguyễn Thị Kim Phụng.

- Có ý kiến cho rằng, việc một GS được nước Mỹ công nhận với nhiều kinh nghiệm và thành tích lại không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng một trường đại học tư thục ở Việt Nam là một điều vô lý, do tiêu chuẩn đó quá khắt khe?

Bản chất của Luật pháp là các quy tắc mang tính pháp lý cao được cả xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia xây dựng theo quy trình nghiêm ngặt. Vì vậy, khi đang có hiệu lực thì phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân…tuân thủ nghiêm minh. Quy định như vậy để mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

Dù vậy, mỗi quy định thường được xây dựng, ban hành phù hợp với một quốc gia nhất định, ở những giai đoạn nhất định, thích ứng với điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội và trình độ, kinh nghiệm lập pháp của giai đoạn đó, quốc gia đó. Tiêu chuẩn hiệu trưởng trong Luật Giáo dục đại học là một trong các quy định như vậy.

Hiệu trưởng và GS là hai chức danh rất khác nhau nên ở Việt Nam và hầu hết các nước, tiêu chuẩn hiệu trưởng và tiêu chuẩn giáo sư của trường đại học được quy định khác nhau.

Theo đó, có rất nhiều hiệu trưởng xuất thân từ các GS giỏi, sau khi đã tích luỹ đủ kiến thức, kinh nghiệm quản trị, quản lý trường đại học nhưng rất nhiều GS giỏi không bao giờ trở thành hiệu trưởng.

- Qua sự việc này, phải chăng quy định trong Luật Giáo dục đại học hiện hành không còn phù hợp với thực tế, thưa bà?

Qua hơn 5 năm thực hiện, đã có một số điều của Luật Giáo dục đại học không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng các trường đại học.

Từ đầu năm 2017, Chính phủ đã trình lên Quốc hội đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 8 tháng 6 năm 2017, trong đó có điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, đưa vào kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật này.

Cùng với một số nội dung khác, nội dung về tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học đang được Ban soạn thảo đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học theo hướng mở rộng diện ứng viên hiệu trưởng và nâng quyền tự chủ cho các trường trong việc này cao hơn so với Luật hiện hành.

- Nếu vẫn giữ tiêu chuẩn có kinh nghiệm 5 năm làm lãnh đạo phòng/khoa của một cơ sở giáo dục đại học trong nước mới đủ chuẩn làm hiệu trưởng, chắc người thuộc top xuất sắc của thế giới vẫn trượt chức hiệu trưởng đại học ở Việt Nam?

Chưa bao giờ có quy định phải có kinh nghiệm 5 năm làm lãnh đạo phòng/khoa của một cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Luật hiện hành quy định điều kiện tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm đã bao gồm cả cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Hiện nay, quy định đang được xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn và trình Quốc Hội cho ý kiến trong thời gian tới.

dai hoc hoa sen 5

 GS Trương Nguyện Thành "không đủ tiêu chuẩn" bổ nhiệm hiệu trưởng Đại học Hoa Sen khiến nhiều người tiếc nuối. (Ảnh: Đại học Hoa Sen)

- Liệu có xảy ra tình trạng chảy máu chất xám không khi nhiều nhà khoa học Việt Nam ở các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu danh tiếng của thế giới muốn về Việt Nam làm việc, cống hiến nhiều hơn nữa nhưng lại gặp khó khăn ngay trên chính đất nước của mình, thưa bà?

Hiện nay, nhiều nhà khoa học Việt Nam đang công tác ở các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học nước ngoài đã và đang trở về Việt Nam để làm việc, cống hiến cho đất nước ở nhiều vị trí khác nhau, không chỉ có một vị trí là hiệu trưởng trường đại học.

Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của Việt Nam cũng đã và đang mở rộng cửa để chào đón đội ngũ trí thức này và quá trình thu hút nhân tài, hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu đang ngày càng hiệu quả.

Những gì là điểm nghẽn hay rào cản về cơ chế ảnh hưởng đến chủ trương trên đều đang được cơ quan có thẩm quyền và các bên khai thông, trên tinh thần tôn trọng pháp luật và cùng xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả.

Chúng ta nên nhìn vấn đề trên bình diện rộng, không nên vì một hiện tượng cá biệt mà phủ nhận quá trình đổi mới của đất nước, phủ nhận sự cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước ở rất nhiều cương vị khác nhau.

- Nếu như trước đây, Việt Nam đặc cách phong GS cho ông Ngô Bảo Châu thì bây giờ Bộ GD có thể đặc cách công nhận bổ nhiệm hiệu trưởng đối với ông Thành được hay không, thưa bà?

Theo quy định của pháp luật, việc GS Trương Nguyện Thành không thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo, liên quan đến sự việc này, Bộ GD-ĐT đang tích cực thực hiện vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Ban soạn thảo đang thực hiện quy trình trình Quốc Hội cho ý kiến để chỉnh sửa Dự thảo Luật nói chung và quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng nói riêng ngày càng hợp lý hơn.

Video: Tranh cãi chuyện GS đại học mặc quần dài lên lớp

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn