GS Đặng Hùng Võ: Làm MC thú vị hơn làm thứ trưởng

Tổng hợpThứ Sáu, 17/08/2012 09:37:00 +07:00

GS Đặng Hùng Võ tiết lộ, đa tài thì ông chắc không dám nhận. Nhưng ông là người ham nhiều thứ nên có lẽ làm được nhiều việc. Làm MC thú vị hơn làm Thứ trưởng…

Với Giáo sư Đặng Hùng Võ, có rất nhiều chuyện có thể “phiếm” cùng ông. Từ những thứ khô cứng như công việc, đất đai, tài chính, kinh tế… cho tới những mảng màu mềm mại như tình yêu, hôn nhân, nghệ thuật… Và kể cả khi nói về nghề MC – lĩnh vực rất mới mẻ đối với người đàn ông tài hoa và đào hoa này – thì đó cũng là một câu chuyện vô cùng thú vị, mang nhiều triết lý, trải nghiệm sâu sắc để các MC trẻ có thể suy ngẫm.

Con người luôn biết đi giữa các lý thuyết…

Nhắc đến Giáo sư Đặng Hùng Võ, nhiều người cho rằng đó là một người đàn ông thú vị và có nhiều chuyện để nói…

Nhận định đó hơi chung quá chăng? Nhiều chuyện trong một phạm vi nhất định thôi chứ không phải lắm chuyện đến mức gì cũng nói được. Cũng có nhiều chuyện tôi nói kém lắm (Cười).


Chuyện Giáo sư làm MC thì sao? Đó là câu chuyện mới mẻ và có thể chia sẻ được, đúng không ạ?

Đúng vậy. Dẫn cho Đa chiều là bước khởi động đầu tiên của tôi với công việc MC. Mới mẻ, thú vị và dễ chia sẻ.

Công việc MC “hot” và hút nhiều người bởi sức hấp dẫn lớn từ danh tiếng và thu nhập. Phải chăng Giáo sư cũng không cưỡng được sức hút này?

Biết thì có lẽ tôi cũng là một người được nhiều người biết tới. Như vậy cũng gọi là có danh. Về hưu rồi mà lại không hoạt động trong giới nghệ thuật nên cũng chẳng cần quảng bá thêm hình ảnh làm gì. Còn về thu nhập, chắc chắn thu nhập mà công việc MC mang lại thua rất xa thu nhập từ những công việc khác của tôi.

Vậy điều gì đã khiến Giáo sư quyết định nhận lời làm MC cho Đa chiều?

Khi BTV Mỹ Nga gọi điện mời tôi tham gia chương trình, tôi đọc qua khuôn dạng của chương trình thấy nội dung của Đa chiều khá thú vị. Vốn tò mò, thích lạ lẫm, ham hiểu biết, chưa làm MC bao giờ nên tôi cũng muốn thử sức xem sao. Đó là lí do chủ yếu.

Lí do thứ hai là làm MC hay đòi hỏi độ nhạy cao với diễn biến tức thời, phải là con người có thể phản ứng nhanh trong mọi tình huống, không cho phép cân nhắc lâu. Nghề nào mà cần phải phản ứng nhanh thì đều có sức hấp dẫn tôi rất mạnh, chứ cho về nhà ngồi suy nghĩ chán rồi nói thì tôi lại không thích.


Có thể chủ động phát ngôn, phản ứng nhanh trong mọi tình huống đòi hỏi người đó phải có kiến thức nền tảng tốt. Giáo sư hẳn rất tự tin về kĩ năng cũng như kiến thức của mình?

Tôi tin mình đáp ứng được yêu cầu của công việc. Gốc của tôi là nghề dạy học, dậy cũng được nhiều sinh viên quý mến. Giảng dạy để được người nghe thú vị cũng cần có kiến thức nền tảng rộng và cái mình dậy lại phải sâu, khi giảng cần có tư duy mạch lạc và phản ứng cũng phải nhanh.

Tất nhiên, công việc MC có nhiều cái mới, cái khác hơn so với công việc giảng dạy. Nghề dậy cũng vẫn là độc diễn vì ít khi sinh viên dám giơ tay “đốp” lại thầy, như vậy tính tương tác là bất đối xứng. Làm MC thường bị động bởi rất nhiều tình huống khác nhau, có khi lạc hẳn kịch bản, có khi thấy những quan điểm lạ, có khi là những câu hỏi ngược lại của khách mời, tính tương tác bình đẳng hơn, phản ứng càng nhanh thì mới tạo nên thú vị.

Do đó, nghề MC đòi hỏi độ nhạy phải cao hơn, kiến thức phải rộng hơn, diễn đạt phải đa dạng hơn. Tất cả những câu hỏi, câu trả lời, cách dẫn chuyện, cách xoay chuyển tình huống luôn đòi mình phải chủ động. Chắc cũng không đến mức tự phụ, nhưng tôi cho rằng mình có thể ứng đối được trong mọi tình huống.

Gần một năm gắn bó với Đa chiều, Giáo sư đánh giá chương trình này thế nào?

Ý định của chương trình, vấn đề đặt ra, kịch bản của từng số, tôi cho là rất tốt; có thể đánh giá cao vì đã tạo ra được một diễn đàn đa chiều thực. Chương trình đã đưa ra nhiều vấn đề thời sự, cũ có, mới có, nhưng đều được mổ xẻ dưới nhiều góc nhìn khác nhau, quen có, lạ có, để có thể tạo nên thảo luận rộng trong xã hội. Dù chưa thực sự độc đáo, nhưng tôi cho rằng đó là chương trình có thể thu hút được nhiều người.

Và sức hút ấy có sự góp sức không nhỏ từ một người dẫn chuyện như Giáo sư?

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều này. Tôi chỉ cố gắng để một đề tài nào đó đưa vào chương trình thì mình cũng phải nghiên cứu ở mức độ nhất định trước khi thực hiện, xem dư luận đang bàn về vấn đề này như thế nào, lục lại trí nhớ về các cách nhìn ngày xưa, nước ngoài quan niệm ra sao, cái gì mình có thể nêu ra, cái gì có thể tạo nên điểm nhấn…


Là dân “ngoại đạo” lại dẫn ngay một chương trình mang tính chính luận cao, đòi hỏi phản ứng nhanh, kiến thức rộng… Giáo sư thấy công việc của một MC có khó không?

Việc gì cũng đều khó nếu muốn hướng tới sự hoàn hảo. Công việc MC cũng khó nếu đòi hỏi chất lượng cao. Trong quá trình thực hiện Đa chiều, tôi thấy mình theo được. Chỉ có một e ngại là nhiều khi những vấn đề nóng, trước những quan điểm trái chiều có thể dễ dẫn tới những ca… khó đỡ. Liệu mình có đủ sức để gỡ ra hay không?

Thường trước một chương trình, tôi dành từ 2-3 giờ để nghiên cứu rất kĩ đề tài, tập trung tư duy cho đề tài đó… Tôi cho rằng mình có khả năng dự báo. Khi vào cuộc bao giờ tôi cũng dự báo được những tình huống có thể xảy ra tiếp theo để bám lấy mà tư duy. Nhờ vậy mà nhiều ca khó đỡ đã được gỡ. Nhưng biết đâu trong tương lai sẽ có những ca quá khó, có khi tắc hẳn mà mình không thể gỡ nổi…

Khá nhiều người hoài nghi Giáo sư rất am hiểu về đất đai, môi trường, tài chính… Nhưng làm MC cho một chương trình đòi hỏi nặng kiến thức về các vấn đề mang tính văn hóa, xã hội… Cũng có thể khiến Giáo sư rơi vào tình trạng… tắc lắm chứ?

Có lẽ ít người biết, tôi vốn rất thích tìm hiểu về các vấn đề xã hội, văn học, nghệ thuật.

Trưởng thành trong thời bao cấp, nhiều người khuyên tôi đừng có dại mà đi theo mảng xã hội hay văn học nghệ thuật, khó khăn lắm đấy! nhất là mọi người đều biết tôi là người trực tính, có sao nói vậy. Tôi ngẫm ra cũng đúng nên đành chọn theo ngạch khoa học kĩ thuật – một thứ ít liên quan tới chính trị, ít nhạy cảm. Nhưng cũng không vì vậy mà kiến thức về xã hội, nhân văn, văn học, nghệ thuật của tôi bị tụt hậu. Tôi tự tin mình theo được với Đa chiều...

Hoài nghi không đi theo mảng xã hội vì sợ nó nhạy cảm, nó tắc. Giờ lại quyết định làm Đa chiều – một chương trình có thể động chạm tới nhiều vấn đề nhạy cảm. Phải chăng Giáo sư đã thay đổi, đã hết e ngại, hết sợ tắc rồi sao?

Sự hoài nghi, e ngại đó là khi tôi còn trẻ. Hơn nữa cũng bị người lớn hù dọa nên đâm ra e ngại. Đến một cái tuổi nào đó tôi thấy mình bớt… lo ngại dần. Hay nói cách khác, kinh nghiệm sống, trải nghiệm cuộc đời cho tôi thấy rằng nó cũng chẳng đến mức… sợ lắm đâu. Thậm chí tôi có thể biết đo được nhạy cảm đến đâu là nên dừng lại. Chính vì vậy mà không sợ khi dẫn cho Đa chiều (Cười).

Vốn là người nổi tiếng nói thẳng, nói thật trước truyền thông, thường bị truyền thông “mổ xẻ”. Giờ đứng ở tư cách phải cố gắng “mổ xẻ”, lấy thông tin từ người khác, Giáo sư cảm thấy thế nào?

Tôi cho rằng mọi chuyện “mổ xẻ” đều tốt cả, và tôi rất thích làm chuyện đó.  Tất nhiên, tôi không xui dại người khác, không vì vị trí, công việc của mình mà đưa người khác vào tình huống phải nói điều không nên. Mình đã biết được ranh giới của sự lo ngại đến đâu thì cũng phải biết đừng bắt người khác vượt quá giới hạn đó. Đây cũng là biện pháp “bảo vệ” cho chương trình. Đa chiều là đưa ra nhiều vấn đề, nhiều góc cạnh, rồi để hướng dẫn được dư luận cách nhìn hợp lý, hợp tình, có khi cũng phải trao quyền tự trả lời cho khán giả, mức độ đưara sao cho Đa chiều đủ để tồn tại và mang lại hiệu quả tích cực.

Còn đối với giới truyền thông, tôi cũng khá dễ tính nhưng không ngờ nghệch đâu. Dễ dãi nhận lời với truyền thông là vô thức, nhưng câu trả lời lại không dễ dãi vì được hình thành một cách có ý thức. Tất cả chỉ vì mục đích nâng cao dân trí. Và giờ “mổ xẻ” người khác cũng là sự “mổ xẻ” một cách có ý thức để vấn đề đưa ra được thấu đáo, cũng mang lại hiệu quả nâng cao dân trí. Bị “mổ xẻ” hay được “mổ xẻ” trong trường hợp cả tôi với giới truyền thông chỉ khác nhau về hình thức thôi, nội dung không có gì khác.


Nhiều khách mời chưa đủ trải nghiệm để biết được ranh giới sự lo ngại như Giáo sư. Họ khá dè dặt trong cách trả lời. Trong khi Đa chiều lại cần những quan điểm rõ ràng, mạng đậm chất cá nhân, đạt đến được “ranh giới” đó…

Lúc đó bắt buộc mình phải tìm những câu hỏi để gợi họ, đẩy họ đến được “ranh giới” để thể hiện rõ được quan điểm cá nhân. Nhưng cũng không được đẩy quá ranh giới. Mà những nhân vật đã ngại nói quan điểm riêng thì có muốn đẩy quá đà cũng không được đâu, họ tỉnh táo lắm (Cười). Ngoài ra, cũng có những khách mời lại chẳng “kiêng khem” gì cả, bầy tỏ tư duy riêng của mình như ở chỗ không người. Lúc đó lại phải tìm cách kéo khẩu khí về trong giới hạn chấp nhận được. Đó cũng là một cái khó, một thử thách thú vị mà người MC phải làm được, phải vượt qua.

Có trường hợp nào Giáo sư “đẩy” thất bại không?

Có chứ. Đó gọi là… tắc đấy! (Cười lớn).

Đối diện với những vị khách mời có quan điểm khác nhau, thậm chí khác cả quan điểm của Giáo sư. Có khi nào ông cảm thấy khó xử không?

Tôi là người thích triết lý “trung dung” của Khổng Tử: con người tốt nhất nên tìm chỗ “trung dung”, đừng rơi vào trạng thái cực đoan. Trung dung không phải là ngồi ở chỗ có lợi nhất cho mình, mà là phải biết nhặt được mọi cái hay từ rất nhiều quan điểm trái chiều nhau. Tôi cho rằng, cái gì được cuộc sống tiếp nhận, đang tồn tại, ít nhiều  đều có lý, đều có thể nhặt ra được một cái hay nào đó.

Năm 1991, nhà báo Thao Lâm đã từng viết về tôi là “con người luôn biết đi giữa các lý thuyết”. Tôi luôn biết  “gặt hái” ở vùng ranh giới của các lý thuyết – một vùng ít người động đến nên có nhiều thứ để tìm kiếm.

Nghe tưởng đơn giản, nhưng để đi được giữa các lý thuyết như Giáo sư nói thực tế lại rất khó…

Để xác định được ranh giới của các lý thuyết và nhặt được những cái tốt ở đó thì phải biết được tất cả các lý thuyết. Đó là cái khó. Đây là cả một quan điểm tiếp cận cái mới mà tôi luôn vận dụng nó trong cuộc sống cũng như trong công việc, trong đó có công việc MC hiện tại.

Ở vị trí của một MC, không bao giờ được coi mình là người của trường phái nào để chống lại trường phái nào. Phải thừa nhận cái gì đang tồn tại đều có lý. Vấn đề là xem nó có lý ở chỗ nào, trong hoàn cảnh nào, nó phát triển ra sao thôi. Đừng vì 90% vô lý, chỉ có 10% có lý mà vứt hết đi, phải gạn được cái phần có lý nhỏ nhoi ấy và phát triển nó lên.

Phải là người có hiểu biết có độ rộng nhất định mới có thể xem xét một vấn đề ở nhiều hệ quy chiếu khác nhau, nhìn vấn đề ở nhiều chiều khác nhau, nếu không sẽ rất dễ rơi vào một “cuộc đấu” vô nghĩa.

Những trải nghiệm cuộc sống mang đến cho Giáo sư sự tiết chế khi làm MC. Nhưng điều đó có lẽ rất khó đối với những MC trẻ…

Đúng. Đối với người trẻ, sự tiết chế khách quan là điều khó khăn. Cũng phải có kinh nghiệm sống đến một mức nhất định thì mới có thể tự điều chỉnh được bản thân. Khi còn trẻ tôi cũng không làm được. Vì thế, không nên trách các MC trẻ.

Tôi cũng là một người… ngoa ngoắt

Khi xem Đa chiều người ta vẫn thường so sánh Đặng Hùng Võ với Lê Hoàng (MC Chuyện đêm muộn)… Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Phải công nhận anh Hoàng là người có kiến thức rộng, hiểu biết nhiều, kinh nghiệm cuộc sống cũng nhiều. Nhưng phong cách dẫn chuyện của tôi và anh ấy chắc chắn khác nhau bởi xuất phát điểm khác nhau và định hướng của hai chương trình cũng khác nhau. Anh Hoàng thiên về tính nghệ sĩ và khai thác theo hướng đó nhiều hơn. Còn tôi với Đa chiều lại thiên về khai thác những góc cạnh mang tính xã hội.

Dù định dạng của hai chương trình có na ná nhau, nhưng “Đa chiều” và “Chuyện đêm muộn” lại đi theo hai hướng khác nhau, đúng như nhập vai MC mà mỗi chương trình đã lựa chọn. “Đa chiều” đi sâu vào khai thác thác tính xã hội, còn “Chuyện đêm muộn” mang tính giải trí nhiều hơn. Tôi nghĩ anh Hoàng và tôi đều đang đảm nhận tròn vai của mình.

Lê Hoàng có một phong cách rất riêng, hấp dẫn người khác bởi sự ngoa ngoắt, đanh đá. Còn Giáo sư Đặng Hùng Võ thì hướng mình theo phong cách nào?

Cái riêng của tôi là cách diễn đạt không giống ai, giọng nói cũng không giống ai (Cười). Bên cạnh đó, tôi cho rằng những ý bình luận của tôi về các vấn đề xã hội cũng là nét đặc trưng riêng bởi hiện nay MC sâu về mặt xã hội không nhiều. Trong cách dẫn chuyện của tôi, những mâu thuẫn trong xã hội, vấn đề bất bình đẳng xã hội, những cái sẽ phát sinh, thậm chí là những tật xấu trong xã hội… được đề cập nhiều hơn là những góc mang tính vui vẻ của cuộc sống.

Gần một năm Đa chiều lên sóng, hình ảnh Giáo sư Đặng Hùng Võ đã trở nên thân thuộc với khán giả truyền hình. Nhưng nhiều người vẫn cảm giác Giáo sư thiếu một cái gì đó để tạo sức hút thực sự cho talkshow. Ví dụ như… sự ngoa ngoắt chẳng hạn…

Tôi cũng là người đanh đá chứ không phải lành lắm đâu (Cười). Nhưng tôi chưa muốn đưa những yếu tố đó lên bởi tôi muốn thời gian đầu cần tạo dựng một hình ảnh chính luận rõ ràng cho chương trình, sau đó mới đẩy dần sự ngoa ngoắt vào đó. Như thế hay hơn là ngoa ngoắt ngay từ đầu.

Tức là với Đa chiều, Giáo sư vẫn đang “giấu” đi cái phần ngoa ngoắt của mình?

Nhạc sĩ Phú Quang từng nói với tôi: “Trong cách trả lời phỏng vấn, tôi cứ nghĩ tôi là người đanh đá, nhưng xem ra ông còn đanh đá hơn tôi”. Như tôi đã nói, mười mấy số đầu tiên này chưa nhất thiết phải thể hiện sự đanh đá trong đối thoại. Hơn nữa, khách mời của Đa chiều thời gian qua đều là những người khá “dịu dàng”, mang tính học giả nhiều. Họ không ngoa ngoắt, mình ngoa ngoắt với họ cũng có cái gì đó… không phải. Đẩy sự ngoa ngoắt của chương trình trong thời gian sắp tới như thế nào cho hợp lý cũng là điều tôi đang tính trong đầu. Cần có đề tài phù hợp, đối tác phù hợp.

Vậy là khán giả Đa chiều có thể chờ đợi để thấy sự ngoa ngoắt của Giáo sư trong những số kế tiếp?

(Cười lớn) Ngoa ngoắt sẽ dẫn tới những góc, những kim nhọn để mang tới những thú vị cho chương trình.

Người ta nói Giáo sư Đặng Hùng Võ vừa đa chiều lại vừa đa tài. Quả không sai…

Những câu khen ấy, tôi xin để bụng thôi (Cười). Đa tài thì tôi chắc không dám nhận. Nhưng tôi là người ham nhiều thứ nên có lẽ làm được nhiều việc. Làm MC thú vị hơn làm Thứ trưởng…

Đến bây giờ Giáo sư cảm nhận thế nào về nghề MC?

Đó là một công việc thú vị. Khảo những vấn đề nổi cộm, những vấn đề nóng của xã hội và phải luôn tìm cái hấp dẫn cả về hình thức lẫn nội dung… luôn luôn mang tới cảm giác mới mẻ và hấp dẫn. Phải thấy đây là một quãng thời gian hạnh phúc khi được làm công việc này.

Giáo sư có ý định gắn bó với công việc này lâu dài không?

Đến lúc nào VTC ngỏ ý muốn nói rằng ông làm chán lắm, đừng làm nữa thì tôi sẽ xin dừng lại ngay lập tức. Khi nào mọi người vẫn còn thú vị thì tôi còn làm.

Về hưu rồi mà xem chừng Giáo sư vẫn còn bận rộn quá…

Tôi nghe nhiều người nói con người vô tích sự mới là con người về hưu rồi mà không có việc gì để làm. Tôi khẳng định tôi không phải là người vô tích sự (Cười). Cứ gì phải đứng trong một cương vị, đảm nhận một công việc nào đó của Nhà nước mới gọi là làm việc, mới là có giá trị?

Tôi cho rằng việc tôi làm Thứ trưởng hay việc tôi làm MC là tương đương nhau. Dù làm công việc gì thì tôi cũng dấn thân, làm hết mình và cố gắng mang lại niềm vui cho những người khác. Làm Thứ trưởng và làm MC cũng đều là những công việc lần đầu tiên tôi được làm, thấy mới mẻ, thú vị. Thậm chí, tôi cảm giác làm MC còn thú vị hơn làm Thứ trưởng bởi công việc của MC không đơn điệu.

 

Bận rộn vậy thì thời gian nào để Giáo sư tiêu tiền và yêu?

Đúng là bận rộn thật, với tôi thì xưa nay vẫn vậy. Về hưu rồi được làm và làm được nhiều việc hơn nên càng bận. Nhưng con người không thể vì bận mà từ bỏ những góc riêng tình cảm mà chỉ con người mới có. Tôi cho rằng đừng ai buộc mình phải chạy trốn tình yêu vì sợ tốn kém thời gian, tình cảm con người với con người chiếm già nửa cuộc sống. Tất nhiên, đừng lợi dụng để suốt ngày lang thang với tình yêu thì cũng không nên... vì sẽ đói. (Cười).

Riêng tôi, tôi vẫn đủ thời gian để đi mua sắm với vợ, đưa vợ con đi nghỉ, chăm sóc con cái, tu bổ nhà cửa cho ấm áp hơn. Hai vợ chồng tôi đều có tính thích mua sắm đồ mới nên diện tích ở ngày càng bị hẹp lại. 

Có lẽ chưa bao giờ Giáo sư Đặng Hùng Võ buồn…

Kể cả những lúc buồn nhất tôi vẫn vui.

Đến bây giờ Giáo sư cho rằng cuộc đời mình thú vị nhất là điều gì?

Cái thú vị nhất của con người chính là mối quan hệ giữa người với người. Mối quan hệ ấy có thể làm con người tốt lên và cũng có thể làm hỏng con người. Mọi sự thú vị đều nảy sinh từ đó.

Công việc MC chắc chắn tạo ra nhiều thú vị cho Giáo sư bởi nó mang đến nhiều câu chuyện, nhiều mối quan hệ?

Đúng vậy. Đó cũng là đặc trưng của nghề báo – nghề có quyền tiếp cận với mọi người.

Cảm ơn Giáo sư về buổi trò chuyện thú vị này!

 Hoàng Hạnh thực hiện

Bình luận
vtcnews.vn