GS Đại học Mỹ không được bổ nhiệm hiệu trưởng: 'Căn cứ tiêu chuẩn một cách máy móc'

Giáo dụcThứ Tư, 09/05/2018 14:46:00 +07:00

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nhiều người công tác 5 năm nhưng vẫn không làm được việc, vì vậy, không nên căn cứ tiêu chuẩn một cách máy móc như vậy để xét bổ nhiệm hiệu trưởng đối với GS Trương Nguyện Thành.

Video: GS Trương Nguyện Thành "không được bổ nhiệm làm hiệu trưởng ĐH Hoa Sen

GS Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng điều hành, trường Đại học Hoa Sen (TP.HCM) “không đủ tiêu chuẩn” bổ nhiệm hiệu trưởng của trường này dù được đánh giá cao với hàng trăm bài báo khoa học và công trình nghiên cứu.

Điều này khiến ông quay lại Mỹ - nơi có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy ở một trường đại học công khá uy tín.

Liên quan đến việc này, ông Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã bày tỏ quan điểm của mình xung quanh vấn đề này.

31968225_1230957123707644_2225038340615307264_n

 Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ.

Ông Nhĩ cho biết: “Thực chất, một người có làm được việc hay không nên cho đơn vị đó tự chủ, Hội đồng nhà trường đó xem xét. Tôi thấy, có người 5 năm quản lý cấp khoa/phòng nhưng vẫn không làm được việc. Vì vậy, không nên căn cứ một cách máy móc. Tôi khẳng định, hiện nay, Việt Nam có nhiều vấn đề rất máy móc.

Vì vậy, nếu GS Thành làm có hiệu quả thì nên đặc cách. Theo đó, phải xem xét hiệu quả làm việc của GS có tốt không để có cơ sở đánh giá mặc dù không phù hợp với quy định”.

“Chúng ta phải xem xét hiệu quả cuối cùng là làm việc như thế nào. Ví dụ bây giờ quy định một cán bộ 60 tuổi mới được về hưu nhưng 55 tuổi đã yếu không  đủ sức nữa thì làm sao làm việc được đến 60 tuổi. Tuy nhiên, có người 60 tuổi vẫn còn sung sức, còn có khả năng thì cống hiến tiếp”, ông Nhĩ nói.

Tiêu chuẩn có kinh nghiệm 5 năm làm lãnh đạo phòng/khoa của một cơ sở giáo dục đại học trong nước mới đủ chuẩn làm hiệu trưởng, về vấn đề này, thầy Nhĩ nhận định: “Những người có khả năng quản lý không cần thiết chuyện đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề quan trọng hiện nay là phải xem hiệu quả làm việc, nếu làm việc tốt có thể trở thành ngoại lệ”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, quan trọng vẫn là GS Thành hoạt động có hiệu quả không. Cái bây giờ người ta cần là hiệu quả chứ không phải phần đa là thời gian. Tuy thời gian cũng cần nhưng đó chỉ là tương đối, việc xét do quyền tự chủ của nhà trường.

Hiện nay, vì chưa giao quyền tự chủ cho nhà trường nên khi đặt ra những khâu bắt buộc người ta phải theo. Chính vì vậy, người ta làm được việc nhưng căn cứ vào điểm nào đó lại không được. Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải xuất phát từ hiệu quả làm việc của người đó ra sao, nếu không tốt thì thôi, còn tốt thì có đề nghị, xem xét lại quy định đó.

Theo ông Nhĩ, có thể GS Thành không đủ thời gian quy định để bổ nhiệm hiệu trưởng nhưng phải xem hiệu quả làm việc ra sao, đủ năng lực, làm việc tốt thì cũng có trường hợp ngoại lệ. Theo đó, thước đo của hiệu trưởng là hiệu quả của làm việc như thế nào, làm tốt thì phải công nhận.

Ông Nhĩ đưa ra ví dụ, chương trình học cấp I là 5 năm, tuy nhiên, có học sinh học giỏi 3 năm đã học hết chương trình thì như thế nào? Hay hiện nay, có nhiều học sinh 13 tuổi đã học xong bậc đại học.

Việc GS Trương Nguyện Thành được nước Mỹ công nhận với nhiều kinh nghiệm và thành tích lại không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng một trường đại học tư thục ở Việt Nam, tuy nhiên phải xem việc đó công nhận như thế nào.

Ông Nhĩ bày tỏ: “Nếu GS Thành được công nhận ở Mỹ thì phải xem xét đó là trường nào ở Mỹ. Vì có thể ông Thành được công nhận ở những trường nổi tiếng như Harvard . Tuy nhiên, cũng có trường hoàn toàn không nổi tiếng. Còn suy nghĩ nếu được công nhận ở Mỹ mà Việt Nam có thể làm được thì hơi máy móc”.

dhhs

 GS Trương Nguyện Thành

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ GD, khi giao quyền tự chủ cho các trường thì một số quy định cần nghiên cứu lại. Tự chủ có hình thức cao nhất là Hội đồng nhà trường và nhà trường được quyết định về tất cả, có nhiều quy chế cần có sự thay đổi. Như vậy, họ có thể quy định, còn nếu không phù hợp có thể báo cáo, giải trình cấp trên.

Ông Nhĩ cho rằng, tự chủ có cái hay ở chỗ đó. Tuy nhiên hiện nay, các trường không được tự chủ mà phải tuân theo những quy chế, quy định áp đặt. Hiện nay, Chính phủ cũng khuyến khích việc tự chủ ở các trường.

Vừa qua, ngành Giáo dục tiến hành thí điểm tự chủ và xem xét tự chủ, không phù hợp thì kiến nghị với Nhà nước, thay đổi để tạo điều kiện phát triển.

“Theo tôi, phải xem xét cái gì không phù hợp thì thay đổi cho phù hợp và nên lấy ý kiến những điều không phù hợp với giáo dục. Tôi nghĩ nên sửa đổi để hội nhập, thu hút nhân tài”, nguyên Thứ trưởng cho hay.

GS Trương Nguyện Thành nhận lời mời về công tác tại Đại học Hoa Sen với vị trí phó hiệu trưởng điều hành từ năm 2016.

Tháng 4, ông được HĐQT Đại học Hoa Sen đề xuất công nhận vị trí hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022 với sự tín nhiệm cao, 16/18 phiếu tán thành.

Tuy nhiên, theo quy trình công nhận hiệu trưởng của Luật Giáo dục Đại học, ông Thành chưa đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Tại Đại học Utah (Mỹ), ông tham gia giảng dạy, làm công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa của trường này.

Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp phòng/khoa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với Việt Nam. Do vậy, không đủ cơ sở pháp lý để xác nhận cụ thể nội dung này.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn