Grand Pacific Hải Phòng bị ‘bỏ rơi’ – Kỳ 3: Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Điều traThứ Sáu, 01/07/2016 12:07:00 +07:00

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc công ty luật Đại Nam, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, hành vi của chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp Grand Pacific Hải Phòng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, như báo điện tử VTC News đã phản ánh, nhiều khách mua nhà đã đóng tiền cho chủ đầu tư tại dự án Grand Pacific (2A Sở Dầu – quận Hồng Bàng - Hải Phòng) đang lâm vào cảnh điêu đứng khi công trình “trùm màn” nhiều năm còn chủ đầu tư thì lặn mất tăm.

untitled-0704

 Trong khi dự án dang dở thì nhiều người dân cho biết đang lâm vào cảnh “tiền mất, nợ mang” do lỡ dồn hết số tiền  để mua căn hộ tại dự án này. Ảnh TL

Đáng nói, trong khi đa số người mua nhà - những nạn nhân - phải vất vưởng đi thuê nhà ở tạm, dù đã gõ cửa nhiều nơi để kêu cứu, chủ đầu tư của các dự án này vẫn chưa phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Tiền đã trao, nhưng cháo thì chưa được múc. Người dân dù phải bỏ ra số tiền dành dụm cả đời thì giấc mơ an cư vẫn rất xa vời.

Xung quanh câu chuyện này, PV VTC News đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Khách hàng cho rằng mình bị chủ đầu tư lừa đảo, ông thấy sao?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Trong trường hợp này, chủ đầu tư của dự án Grand Pacific nếu cố ý thông tin sai sự thật về dự án, về năng lực của mình và các thông tin khác nhắm mục đích thu hút khách hàng và đã nhận số tiền của khách hàng nhưng không thực hiện theo đúng cam kết thì có dấu hiều của tội lừa đảo.

Tuy nhiên, nếu các thông tin ban đầu là chính xác nhưng vì một lý do nào đó mà chủ đầu tư không thực hiện được rồi có những hành vi né tránh như văn phòng khoá kín nhiều năm, số điện thoại trong HĐ không liên hệ được, chuyển trụ sở đi đâu không ai rõ.thì có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Vậy, họ nên làm gì trong trường hợp này?

Những người mua nhà đã đóng tiền cho chủ đầu tư tại dự án Grand Pacific (2A Sở Dầu – quận Hồng Bàng - Hải Phòng) cần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết. Trong trường hợp chủ đầu tư kéo dài, không thực hiện đúng cam kết họ có thể khởi kiện ra tòa án đòi bồi thường những thiệt hại do chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết.

Trong trường hợp chủ đầu tư cố tình né tránh hoặc như báo nêu (Văn phòng khoá kín nhiều năm, số điện thoại trong HĐ không liên hệ được, chuyển trụ sở đi đâu không ai rõ...) thì cần làm đơn trình báo đến các cơ quan pháp luật (cụ thể là Cơ quan điều tra, VKS) đề nghị làm rõ sự việc, xử lý các vi phạm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Tốt nhất, họ nên nhờ luật sư tư vấn, trợ giúp hoặc cần sự tư vấn của các trung tâm trợ giúp pháp lý.

Có ý kiến cho rằng “chờ được vạ thì má đã sưng”, có kiện ra tòa, dù thắng kiện, khách hàng cũng khó đòi được tiền, lại tốn thêm thời gian và chi phí tới lui hầu tòa?

Tôi không nhất trí với ý kiến này. Chúng ta có cả một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, một bộ máy công quyền hoàn thiện và trên hết, Đảng và Nhà nước luôn coi bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Như trên tôi đã trình bày, quan trọng là người dân cần biết làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Sở KH&ĐT và chính quyền TP.Hải Phòng có trách nhiệm gì trong thẩm định và giám sát toàn bộ dự án này không, thưa ông?

Dự án Grand Pacific Hải Phòng là dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư gồm 3 tòa tháp 20 tầng trên diện tích đất 2,2 ha, với tổng số vốn 18 triệu USD (tương ứng 360 tỷ đồng). Do vậy, theo quy định của Luật đầu tư năm 2005 hướng dẫn bởi Nghị định 108/2006/NĐ-CP thì Dự án này phải thực hiện thủ tục thẩm tra đầu tư và UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư.

LS_Tuan

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) 

Thứ nhất, đối với UBND TP. Hải Phòng – Cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo quy định tại Điều 80 Nghị định 108/2006/NĐ-CP về quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, UBND thành phố Hải Phòng phải có trách nhiệm sau đây:

- Chủ trì tổ chức việc đăng ký đầu tư, thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trước thời hạn đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo các nội dung chủ yếu sau;

- Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, quan hệ lao động tiền lương, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; chủ trì hoặc tham gia cùng các Bộ, ngành thực hiện thanh tra các dự án đầu tư trên địa bàn;

- Tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giám sát việc sử dụng đất;- Giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ, ngành có liên quan giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền;

- Đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư trên địa bàn.Như vậy, để dự án chậm tiến độ đến gần 4 năm, khả năng đầu tư không đảm bảo và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt vốn thì trách nhiệm chính thuộc về UBND TP. Hải Phòng do không giám sát, kiểm tra, thanh tra dự án dúng quy định và có hiệu quả.

Ngoài ra, việc chậm phát hiện và không tiến hành xử lý các sai phạm của chủ đầu tư dự án, không tiến hành giải quyết vụ việc khi người dân có yêu cầu là UBND TP đã làm trái thẩm quyền và trách nhiệm của mình được quy định trong các văn bản pháp luật về tổ chức UBND, pháp luật đầu tư.

Thứ hai, trách nhiệm của Sở KHĐT – cơ quan tiến hành thẩm tra đầu tư báo cáo UBND thành phố: - Có trách nhiệm thẩm tra và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra;

- Giúp UBND thành phố quản lý đầu tư, tham mưu hướng xử lý đối với các vi phạm về đầu tư của Dự án. Như vậy, để xẩy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng của dự án lỗi một phần do Sở KHĐT không sát sao trong quản lý đầu tư và công tác tham mưu không hiệu quả.

Thưa ông, trong trường hợp nào chủ đầu tư bị buộc thu hồi dự án?

Theo Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014, hướng dẫn bởi Nghị định 118/2015/NĐ-CP thì Nhà đầu tư bị buộc chấm dứt đầu tư dự án khi:

- Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;

- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;

- Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;

- Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;

- Nhà đầu tư bị Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư;

- Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;

- Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;

- Theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài. Thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của chủ đầu tư thuộc về UBND thành phố Hải Phòng. Sau khi thu hồi dự án sẽ được thanh lý theo quy định tại Khoản 5 Điều 41 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, cụ thể: “Sau khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động, việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện như sau:

a) Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản;

b) Đối với dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản tổ chức kinh tế".

Thu rồi xử lý thế nào để bảo vệ quyền lợi cư dân?

Không có quy định nào về vấn đề này, tuy nhiên, UBND TP. Hải Phòng có thể để bảo vệ quyền lợi cho người dân ngoài việc yêu cầu chủ đầu tư bị thu hồi hoàn trả và bồi thường cho người dân các thiệt hại còn có nhiều biện pháp khác để hỗ trợ họ.

Một trong những biện pháp đó là đề nghị chủ đầu tư mới kế thừa HĐ giữa người dân với chủ đầu tư đẫ bị thu hồi dự án

Để tránh xảy ra những vụ việc tương tự, người dân khi mua nhà cần chú ý điều gì, thưa ông?

Người dân đại đa số còn hạn chế hiểu biết về pháp luật, nhất là pháp luật dân sự, chính vì vậy khi làm hợp đồng tốt nhất nên tham khảo tư vấn của luật sư để tránh được các rủi ro không đáng có hoặc những vi phạm pháp luật khác.

Còn đối với quyết định chọn chủ đầu tư, đây là một vấn đề rất thời sự, người dân thường hay bị hấp dẫn bởi những quảng cáo thái quá, thậm chí là có nội dung không đúng sự thật nhằm mục đích lừa đảo (như một số công ty đa cấp).

Vì vậy, để chọn đúng chủ đầu tư cần tham khảo thông tin từ nhiều nguồn và điều quan trọng là phải biết rõ quá trình hoạt động cũng như năng lực của chủ đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hưng (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn