Góp ý tổ chức cụm thi, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu có lợi cho học sinh

Giáo dụcThứ Tư, 07/01/2015 10:58:00 +07:00

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến các chuyên gia và điều chỉnh Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 theo hướng có lợi nhất

(VTC News) – Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến các chuyên gia và điều chỉnh Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 theo hướng có lợi nhất cho thí sinh.

Góp ý cho dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến việc tổ chức số lượng cụm thi trên cả nước. Theo các chuyên gia và cán bộ quản lý giáo dục, việc tổ chức 34 cụm thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015 trên cả nước là không hợp lý.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần thiết phải tạo điều kiện cho những thí sinh ở những vùng khó, đặc biệt cần quan tâm đến an toàn giao thông khi các em tham dự kỳ thi.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ GD-ĐT cần phải nâng số lượng cụm thi và quan tâm đến những khó khăn thực sự của các thí sinh ở các tỉnh miền núi 
Chia sẻ về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT cũng cho rằng mỗi học sinh sau khi học xong cấp 3 đều bình đẳng trong việc thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, thay vì tổ chức 34 cụm thi nên tổ chức mỗi tỉnh một cụm thi để học sinh đỡ phải di chuyển xa.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Vụ Phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng đề xuất mỗi tỉnh nên lập 1 cụm thi để thí sinh không phải đi lại khó khăn. Đặc biệt, đối với những thí sinh ở những địa bàn khó khăn, Bộ GD-ĐT nên tổ chức cho các em thi ngay tại trung tâm xã, thị trấn nơi các em đang học để tránh việc phải đi lại hàng trăm km.

Mai Văn Trinh
Ông Mai Văn Trinh cho biết Bộ GD-ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia theo hướng có lợi nhất cho thí sinh 
Trao đổi với VTC News, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết sau khi đưa dự thảo Quy chế kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục góp ý cho Bộ GD-ĐT.


“Trong đó có rất nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, có chất lượng”, ông Trinh thông tin.

Hiện tại, Cục khảo thí sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, sau đó sẽ tổng hợp lại, báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT xem xét và quyết định cuối cùng.


Sau khi thống nhất về quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ họp báo để công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Phương án nào khả thi, có lợi cho thí sinh, đảm bảo công bằng cho học sinh và đỡ tốn kém thì Bộ GD-ĐT sẽ làm. Việc đổi mới kỳ thi chính là hướng tới những mục tiêu đó. Bộ vẫn cố gắng để làm tốt hơn”.

Nhận xét về phương án tổ cụm thi riêng cho những thí sinh chỉ có nhu cầu tốt nghiệp, ông Trinh chưa đưa ra ý kiến chính thức và cho rằng mỗi phương án hiện nay đưa ra đều có những điểm thuận lợi và không thuận lợi. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp để tìm ra một phương án trên tinh thần “ cái gì có lợi cho thí sinh thì Bộ GD-ĐT sẽ làm”.

“Không có phương án nào có được sự thuận lợi 100%”, ông Trinh chia sẻ.

Vị Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết thêm những góp ý của các chuyên gia cũng đã được Bộ GD-ĐT suy nghĩ và lưu tâm. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh lại quy chế cho phù hợp với thực tế.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu Đỗ Văn Hán chia sẻ, với điều kiện của Lai Châu, chỉ thi tốt nghiệp trong tỉnh thôi học sinh đi lại cũng rất vất vả, khó khăn rồi. Thêm nữa, Trường THPT dân tộc bán trú của các tỉnh miền núi thực tế là trường nội trú. Hầu như các em ăn học tại trường chứ không về nhà, có khi cách tới 250 km. Vì vậy, nếu phải thi ở tỉnh khác thì sẽ còn khó khăn hơn nữa.

“Cá nhân tôi cho rằng nên tổ chức mỗi tỉnh một cụm thi. Lai Châu sẽ làm trung thực và tốt”, ông Hán khẳng định.
kỳ thi thpt quốc gia 2015
Dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của dư luận 
Chung quan điểm này, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình Đặng Quang Ngàn cũng cho rằng tốt nhất nên tổ chức cho học sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp tại cụm thi tỉnh do Sở chủ trì. Còn những học sinh muốn tham gia thi để xét tuyển ĐH, CĐ thì nên tham gia ứng thí tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì.

Trước đó, góp ý cho dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội đặt câu hỏi: “Tại sao trong dự thảo lần này Bộ GD-ĐT đã quyết định chỉ tổ chức một loại hình cụm thi cho tất cả thí sinh, song lại vẫn đặt ra vấn đề đối với những tỉnh khó khăn sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp?

Đặt giả thiết, nếu những thí sinh thi tại cụm thi tỉnh sau khi có kết quả thi lại có nguyện vọng dự tuyển vào ĐH, CĐ thì sẽ xử lý như thế nào? Nên tránh tình trạng phân biệt cụm này chỉ dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT, cụm kia dành cho thí sinh dự tuyển vào ĐH, CĐ để tạo tâm lý thoải mái cho mọi thí sinh”.

Ngày 18/12/2014, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 để xin ý kiến góp ý xã hội.

Dự kiến sau 45 xin ý kiến rộng rãi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh và công bố chính thức Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn