Gộp thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ?

Giáo dụcThứ Hai, 10/02/2014 02:58:00 +07:00

(VTC News)- Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng cần phải hướng tới một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015.

Thời gian thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần trong khi Bộ GD-ĐT vẫn chưa chốt được các phương án cụ thể cho hai kỳ thi này.
Trong bối cảnh Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo vừa được Hội nghị T.Ư 8 thông qua cùng với yêu cầu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển đất nước đang đặt ra cấp bách, những giải pháp đổi mới mang tính đột phá lại càng trở nên cấp thiết.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn VTC News, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã đề xuất nhiều giải pháp được xem là quyết liệt trong bối cảnh hiện nay.
- Trong đổi mới giáo dục, theo ông đâu là bước đột phá đầu tiên?
Đổi mới giáo dục cần sự đồng bộ trong dạy, học và thi cử, trong đó thi cử được xem là bước đột phá đầu tiên.
Việc đổi mới chương trình, phương pháp, đội ngũ giáo viên… đều đòi hỏi phải có thời gian và đầu tư tài chính mới có thể làm được. Trong khi đó, đổi mới thi cử có thể làm ngay vì chỉ cần thay đổi tư duy.
Đổi mới thi cử có thể tiết kiệm ngân sách nhà nước và chi phí của xã hội hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm và giúp các trường tuyển lựa được các thí sinh thích hợp và chất lượng.
Ngoài ra, đây còn là điều kiện giúp các trường tự chủ tuyển sinh theo điều 34 Luật Giáo dục Đại học đề ra và nghị quyết của Hội nghị TƯ lần thứ 8.
- Vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 cần phải có những thay đổi gì?
Năm 2014, tốt nghiệp THPT nên tổ chức thi 4 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT không nên đặt vấn đề miễn thi 20% vì rất dễ xảy ra tiêu cực. Bộ chỉ nên miễn thi cho đối tượng học sinh tham gia kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, Bộ vẫn thi “3 chung” nhưng đó là chung đề, chung kỳ thi và chung chấm. Các trường sẽ dựa vào kết quả các môn thi của kỳ thi chung đó để tự xét tuyển.
Như vậy, tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 sẽ không còn điểm sàn và các trường không bắt buộc phải tuyển sinh theo khối thi.
- Không còn tiêu chí điểm sàn liệu có khiến các trường tuyển sinh ồ ạt thí sinh có chất lượng thấp?
Đối với các trường, Bộ GD-ĐT đã giám sát chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, trong đề án tuyển sinh các trường phải đưa ra tiêu chí cụ thể về điều kiện tuyển. Đây chính là điều kiện để thay thế cho điểm sàn.
Nếu trường nào thực hiện sai những quy định trên, Bộ GD-ĐT phải mạnh tay xử lý.
Như vậy, việc thay đổi điểm sàn bằng tiêu chí khác cũng không tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh ồ ạt các thí sinh có chất lượng thấp.
- Thực tế tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm trên toàn quốc, thậm chí ở các địa phương vùng sâu vùng xa vẫn gần như tuyệt đối. Vậy theo ông có nên thay đổi kỳ cách thi tốt nghiệp phổ thông?
Phải đổi mới mạnh mẽ kỳ thi này theo hướng đánh giá thực chất được năng lực của học sinh.
Đó là cần có kỳ thi quốc gia nghiêm túc, vừa để cấp bằng tốt nghiệp THPT, vừa để lấy làm căn cứ quan trọng để các trường xét tuyển, nâng cao tính tự chủ của mình. Tôi nhấn mạnh, đây chỉ là một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng chứ không phải đây là kết quả duy nhất xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Các trường tùy vào chuyên ngành đào tạo cụ thể của mình có thể bổ sung những điều kiện xét tuyển kèm theo.
 
Bầu chọn
Có nên tổ chức một kỳ thi quốc gia chung?

- Có nhiều ý kiến nói hình thức “nhập 2 kỳ thi làm một” này rất khó thực hiện bởi mục đích của hai kỳ thi là hoàn toàn khác nhau?
Đúng vậy. Nhưng chúng ta vẫn có cách để tách biệt hai mục đích này trong cùng một kỳ thi. Chẳng hạn phần chung sẽ là những câu hỏi cơ bản giống như đề thi tốt nghiệp chúng ta vẫn làm trước nay.
Phần nâng cao là để dành cho việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Tất cả học sinh tốt nghiệp THPT có quyền tham gia thi. Có kết quả thi rồi các trường mới công bố điểm và các tiêu chí khác phù hợp để tuyển sinh và thí sinh chỉ phải đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Như vậy, với các điểm số và các tiêu chí tuyển chọn công khai của các ngành/trường, thí sinh sẽ lượng được sức mình đăng ký vào những ngành/trường phù hợp nhất chứ không phải “dự đoán” và dựa vào yếu tố may rủi khi nộp hồ sơ vào các trường/ngành như hiện nay.
- Trong tương lai, chúng ta cần tiến tới hình thức thi nào thưa ông?
Việc hướng tới đề thi và cách thức tổ chức tương tự như thi SAT ở Mỹ, thi tiếng Anh (TOEFL, IELTS…) là điều rất tốt và đó cũng là hình thức thi tiên tiến, chúng ta cần cố gắng vươn tới trong tương lai.
Theo hình thức thi này, tất cả các môn học ở cấp học THPT sẽ được đưa vào một bài thi chung duy nhất với các phần thi là các môn học.
Trước mắt, khi chương trình sách giáo khoa và phương pháp dạy học mới chưa được áp dụng thì việc thi theo hình thức SAT có thể khiến cho học sinh Việt Nam bỡ ngỡ.
Vì vậy, hiện tại chúng ta cần cải tiến thi cử theo hướng đánh giá toàn bộ quá trình học, không nên gây áp lực cho thí sinh, phụ huynh, xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị các điều kiện để thực hiện phương thức thi tiên tiến của thế giới như SAT.
Xin cảm ơn ông!
Độc giả có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến bình luận cho chúng tôi theo ô thảo luận cuối bài viết để làm sáng tỏ vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước này. 
Bình luận
vtcnews.vn