Gông cùm cây xanh: Sự vô trách nhiệm điển hình

Ý kiếnThứ Năm, 03/11/2022 07:00:00 +07:00
(VTC News) -

Việc làm vòng sắt, giá đỡ cho cây mà nhiều người gọi là “gông cùm” thực ra rất cần thiết; "lợi biến thành hại" là do sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị chăm sóc.

Hình ảnh nhiều cây xanh ở Hà Nội bị đai sắt thít chặt tạo thành những vết hằn sâu trên thân làm dư luận “nóng” lên những ngày qua. Nhiều người xót xa, bức xúc khi thấy sự sinh trưởng của nhiều cây đang “tuổi ăn tuổi lớn” bị kìm hãm hoặc tạo thành những vết sẹo tội nghiệp. Do đó, họ phê phán kịch liệt việc dùng giá đỡ, vòng sắt cho cây xanh trên đường phố, công viên, cho rằng những dụng cụ này không chỉ làm hại cây mà còn gây mất thẩm mỹ.

Tuy nhiên, cần nhìn tận gốc vấn đề trong chuyện này. Vòng sắt và giá đỡ được sử dụng để cây xanh đô thị - vốn được mang đến trồng khi đã khá lớn, rễ chưa thể bám chắc vào đất - không bị xiêu vẹo, ngã đổ. Chúng là phương tiện bảo vệ chứ không phải gông cùm. Không có chúng, cây sẽ khó được an toàn chứ đừng nói đến phát triển.

Vì đâu mà thứ dùng để bảo vệ cây lại biến thành công cụ giam hãm, thậm chí bạo hành nhiều cây xanh? Đó là do sự tắc trách của những đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi quá trình phát triển của chúng. Trồng cây không giống như xây một ngôi nhà hay đóng cái bàn cái ghế, xong là xong. Cây là sinh mệnh, vì vậy cần theo dõi thường xuyên sự phát triển của chúng, phát hiện ra các vấn đề trong quá trình sinh trưởng để kịp thời điều chỉnh, khắc phục.

Những vết hằn in sâu vào “da thịt” của cây như thế, chứng tỏ chúng đã bị vòng sắt “bóp nghẹt” trong thời gian rất dài rồi mà không ai để ý, bằng chứng về sự vô trách nhiệm điển hình của các cá nhân, đơn vị liên quan.

Gông cùm cây xanh: Sự vô trách nhiệm điển hình - 1

Hình ảnh những hàng cây "đeo gông" ở Hà Nội gây nhiều tranh cãi thời gian gần đây.

Gông cùm cây xanh: Sự vô trách nhiệm điển hình - 2

Đai sắt cắt sâu vào "da thịt" của nhiều cây xanh.

Trong một lần đứng chờ taxi trên phố, cô cháu gái 6 tuổi của tôi chỉ vào một cái cây bị “bạo hành” như vậy và hỏi tại sao. “Chắc bạn cây này đã rất đau phải không bác? Vết sẹo của bạn ấy sâu hơn cả vết bỏng của bố cháu”, vẻ mặt cháu tôi đầy xót xa. Cô bé từng khóc rất thảm khi thấy vết bỏng của bố vào tháng trước và liên tưởng đến chuyện đó khi nhìn thân cây. Tôi phải lý giải theo hướng tích cực và hứa sẽ gọi điện báo tin cho các cô chú công viên cây xanh để kịp chăm sóc bạn cây này, bé mới an lòng.

Phản ứng của cháu gái khiến tôi giật mình nhận ra rằng tình trạng khổ sở của những cây bị “gông cùm” có thể là tấm gương xấu cho trẻ về cách đối xử với thiên nhiên. Chúng ta muốn dạy trẻ tôn trọng thiên nhiên, sống hòa ái với những sinh vật xung quanh mình, nhưng rõ ràng việc làm vòng sắt bảo vệ rồi mặc kệ cho chúng “siết cổ, cắt da” những cây xanh đang lớn không cho thấy điều đó.

Có lẽ, những đai sắt kia đã không trở thành gông cùm nếu những người có trách nhiệm dùng cái nhìn của con trẻ khi chăm sóc cây: Luôn nhớ chúng là vật sống, biết đau đớn khổ sở, từ đó sẽ làm việc có tâm hơn, kịp thời nới rộng đai cho cây tiếp tục lớn. Khi ấy, việc lắp vòng và giá đỡ bảo vệ cây – một giải pháp hữu ích có mục đích hoàn toàn tốt đẹp – sẽ không phát sinh tác hại.

Rất vui vì sau khi báo chí phản ánh, đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết sẽ nhanh chóng kiểm tra để phát hiện những cây bị “gông” và hoàn thành việc khắc phục trong 3 tuần. Hy vọng rằng công ty cũng chóng rà soát cả những cây đã đến thời kỳ tháo bỏ hoàn toàn bộ khung chống đỡ để xử lý, trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho các đường phố, công viên Thủ đô.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Hùng Lê
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp