Gói 30.000 tỷ đồng: Hỗ trợ hay 'cái bẫy' của người nghèo?

Bất động sảnThứ Năm, 10/03/2016 07:16:00 +07:00

Thông tin về lãi suất gói 30.000 tỷ đồng và cách tính lãi suất cho nhà ở xã hội của Ngân hàng nhà nước công bố khiến nhiều người mua nhà ngỡ ngàng

(VTC News) - Chỉ còn chưa đến đến 3 tháng nữa việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản sẽ kết thúc, người vay tiền mua nhà từ gói ưu đãi này mới tá hỏa khi biết những hệ lụy "tréo ngoe" từ gói hỗ trợ này khi kết thúc.

Gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ bắt đầu triển khai từ tháng 6/2013. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc giải ngân gói này mới chỉ đạt 60%. Được biết, hiện tại đã có hơn chục NH tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Bao gồm các NH  như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Bảo Việt, PVComBank, Eximbank, Saigonbank, TPbank, SHB, NamAbank, Seabank, VPbank, ACB, VIB, Vietbank, LienVietPostBank.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 
Đây là gói vay hỗ trợ mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Về thời hạn giải ngân, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Thông tư 11 quy định số giải ngân kể từ ngày Thông tư có hiệu lực (1/6/2013) và giải ngân tối đa 36 tháng nên ngày 1/6/2016 là thời điểm kết thúc giải ngân.


Như vậy, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, gói hỗ trwoj này sẽ kết thúc. Một trong những vấn đề nảy sinh khiến nhiều khách hàng phải băn khoăn là các ngân hàng buộc phải giải ngân gói này lệch pha với tiến độ đóng tiền mua nhà trong hợp đồng. Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy cho người mua nhà lẫn ngân hàng.

Anh Hà, một khách hàng vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho biết, theo hợp đồng, đến quý 3/2016, gia đình anh mới phải đóng lãi suất cho ngân hàng, nhưng mới đây ngân hàng đã gửi yêu cầu đóng lãi suất sớm hơn 6 tháng.

Lý do là để kịp tiến độ của gói 30.000 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ hết hạn vào ngày 1/6/2016. Khoản đóng lãi suất trước này lên đến gần chục triệu đồng và gia đình anh phải thực hiện nếu muốn tiếp tục được hoàn tất việc sở hữu căn hộ trên. Điều này đồng nghĩa với việc chủ đầu tư được lợi hàng chục triệu đồng khi người mua nhà buộc phải đóng tiền trước tiến độ phải giải ngân như thỏa thuận trong hợp đồng.

Ngoài ra, việc vay lãi suất ưu đãi 5% sẽ chỉ được thực hiện trong thời gian gói vay này còn hiệu lực. Điều đó có nghĩa là sau thời hạn 1/6/2016, mức lãi suất mà người vay sẽ phải trả sẽ do các ngân hàng quyết định. Điều này, khiến cho nhiều khách hàng rất hoang mang vì tới đây, họ sẽ hết được ưu đãi và mức lãi suất phải trả được "thả nổi" sẽ là bao nhiêu.


Thực tế, khi hướng dẫn cho khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng, hầu hết các nhân viên tư vấn đều chỉ nhấn mạnh vào việc mức lãi suất ưu đãi và thời hạn vay trong 15 năm. Điều này dễ khiến khách hàng hiểu lầm rằng mình sẽ được vay với lãi suất 5% trong suốt 15 năm.

Tuy nhiên,  theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn:"... Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1/6/2013). Điều đó cũng có nghĩa hết thời hạn ngày 1/6/2016 thì mức vay ưu đãi này cũng sẽ hết.

Chị Hà Anh (một khách hàng vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng) tỏ ra lo lắng cho rằng, chị không hề biết quy định này khi vay. Chị mới vay gói 30.000 tỷ đồng từ cuối năm 2015, hiện dự án chị mua mới thanh toán 30%, điều đó có nghĩa số tiền lãi chị phải trả sau này là rất lớn vì dự án chị mua dự kiến sẽ bàn giao vào quý 4/2017.

Thực tế, ngay khi gói 30.000 tỷ đồng vừa có hiệu lực, vấn đề lãi suất ưu đãi chỉ được thực hiện trong 3 năm đầu đã được các chuyên gia kinh tế mổ xẻ tại thời điểm đó. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã thẳng thừng cho rằng, việc cho vay với lãi suất ưu đãi trong 3 năm đầu, nhắc lại cho chúng ta bài học về đại nạn cho vay bất động sản bên Mỹ, giờ chúng ta lại đi vào vết xe đổ của họ.

"Người ta cho vay với lãi suất ba năm đầu rất thấp để tiếp thị, kể cả những người không có khả năng chi trả dài hạn cũng vay mua nhà vì lãi suất quá thấp. Sau ba năm họ cho vay với lãi suất cao hơn, có thể cao hơn 50% so với lãi suất ban đầu. Những người đi vay mua bất động sản không có khả năng chi trả, phải phá vỡ hợp đồng. Những hợp đồng cho vay thành nợ xấu không thu hồi được, ngân hàng ôm nợ xấu, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng theo", ông Thành phân tích.

Ngoài ra, thông tư của Ngân hàng Nhà nước còn quy định, nợ vay tối thiểu là 80% phương án vay. Có nghĩa là dù khả năng chi trả của người dân là 50% thì họ vẫn buộc phải vay tới 80%. Trong trường hợp sau 3 năm lãi suất sẽ được đẩy lên nghĩa là người dân còn càng nhiều nợ thì càng phải chịu lãi suất cao. Vì quyền lợi của ai mà tại sao đặt ra chính sách như vậy, người dân rất cần lời giải thích.

"Tôi xin nhắc lại, cho vay mua bất động sản với lãi suất không cố định chẳng khác nào nhử người ta vào cái bẫy lãi suất thấp. Khi người ta vào bẫy rồi, chui vào rọ rồi thì lãi suất có thể đẩy lên tới mức nào tùy thích, điều đó là không thể chấp nhận được.

Không thể chấp nhân một hợp đồng cho vay mua bất động sản với lãi suất không cố định. Rủi ro ở đây không chỉ đối với người mua mà còn cả ngân hàng và rộng hơn là cả nền kinh tế. Nói cụ thể hơn, người mua nhà chết, hệ thống ngân hàng chết thì sẽ kéo cả nền kinh tế chết theo", ông Thành nhận định.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn