Góc tối Mà Sa Phìn: Những cái chết oan nghiệt nơi rừng sâu (Kỳ 2)

Thời sựThứ Ba, 06/09/2016 09:43:00 +07:00

Ở Mà Sa Phìn, luật nằm trong tay các tướng và sự sống cái chết của công nhân được quyết định bởi những kẻ này, nhiều khi chỉ bằng một nhát dao oan nghiệt và thi thể mãi không bao giờ tìm thấy.

Ông Hoàng Xuân Phủ - Chủ tịch xã Nậm Xây cho biết, trên địa bàn chỉ có công ty CP Nhẫn khai thác vàng và không có vàng tặc, vàng thổ phỉ.

Trong khi đó, ông Phó Chủ tịch huyện Văn Bàn - Phạm Bình Minh  lại cho biết, hằng năm huyện vẫn lập tổ công tác “diệt vàng tặc”, truy quét các mỏ không phép. Đuổi thì vàng tặc chạy, khi tổ công tác về thì nó lại đến làm.

“Còn vàng thì chúng còn đến” – ông Minh nói.

Video: Cận cảnh hiện trường sạt lở bãi vàng Mà Sa Phìn

Trong chuyến công tác của mình, ông Đặng Xuân Phong - Chủ tịch tỉnh cũng cho biết hiện tượng vàng tặc, vàng thổ phỉ vẫn còn. Người dân địa phương, những người trực tiếp chứng kiến Mà Sa Phìn bị đục khoét đào bới nhiều chục năm nay cũng khẳng định có vàng thổ phỉ, thậm chí đám phu vàng cũng chắc cú như vậy.

Họ cho biết mình không phải công nhân của công ty CP Nhẫn, mà là quân của tướng (cách gọi chủ mỏ vàng của công nhân - PV) Dương, Ly, hay Cương… và còn rất nhiều cái tên chủ mỏ mà họ chẳng thể nào biết hết đang khai thác trên bãi vàng.

Trong khi chính quyền thì lập lờ không nắm rõ được số công nhân, phu vàng thì cho biết mình không làm cho công ty. Thế nên trong dư luận có thông tin, công ty CP Nhẫn nhận thầu rồi bán lại việc khai thác cho tư nhân, dẫn đến tình trạng khai thác ồ ạt không đảm bảo điều kiện an toàn.

Và phải chăng, cũng vì lý do này mà có sự vênh về con số người chết và sự trễ thông tin trong báo cáo ban đầu của chính quyền khi chỉ  có 2 nạn nhân.

Sau đó, phải chờ đến khi báo chí vào cuộc thì chính quyền mới đi thực tế và thừa nhận có 11 người chết và 2 mất tích (tính đến ngày 29/8).

Trong quá trình đi xác minh con số chết chóc kinh hoàng đó, chúng tôi còn được nghe những nhân chứng kể về góc khuất ở Mà Sa Phìn, về luật ngầm của các tướng, về những cái chết trong im lặng, về những ngôi mộ tập thể bị vùi lấp trong lòng đất.

_DSC0245

Ngày 29/8, chính quyền địa phương xác nhận lũ quét và sạt lở đất tại Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn đã làm 9 người chết, 2 người mất tích và 4 người bị thương, công tác tìm kiếm vẫn đang tiếp tục.

Giấc mộng đổi đời

Leo bộ gần đến mỏ vàng Mà Sa Phìn, tôi gặp nhóm của Dương Văn Thắng (SN 1997), Ma A Thanh (SN 1998) và Vừ A Tú (SN 1998) cả 3 đều quê ở Bảo Lâm, Cao Bằng.

Trên người Thắng chỉ đúng có chiếc quần rách sẵn đến tận đầu gối, người thì cởi trần vì cái áo duy nhất đã dùng để băng vết thương ở lưng do bị cây đâm vào hôm xảy ra vụ sạt lở ở bãi vàng.

Cả 3 mặt non choẹt, bủng beo vì chưa được ăn gì mà phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ từ bãi vàng ra đến đây. Không chỉ riêng nhóm Thắng, mà khoảng gần chục tốp phu vàng tôi đã gặp trên đường đều chung vẻ mặt như vậy.

Tất cả họ ra khỏi bãi vàng đều không được trả tiền, thậm chí còn chẳng được ăn gì mà cứ thế vác bụng xẹp lép từ mỏ vàng đi bộ ra xã bắt xe khách về quê. Có người thì cứ đi ra vì ở trong mỏ vàng quá sợ rồi. Họ cũng chẳng biết ra đến xã đến huyện mà không có tiền người ta cho lên xe hay không, nhưng ít ra, thoát khỏi bãi vàng Mà Sa Phìn thì chắc chắn là còn sống.

CAM00035

 3 thanh niên Thắng (giữa) Tú (phải) và Thanh (trái) ôm giấc mộng lên Mà Sa Phìn đổi đời nhưng sau cả năm trời vất vả, không được chủ trả lương, các em còn suýt bỏ mạng trong trận sạt lở đất.

Kéo đám của Thắng lại hỏi chuyện, 3 người kể cho tôi nghe hành trình đến với bãi vàng. Thắng bảo, nhà em nghèo lắm, ở quê chẳng làm gì ra tiền, cũng chưa đi xa bao giờ nên không dám ra thành phố làm thuê. Đúng lúc đó có người quen đến nhà rủ lên Lào Cai làm vàng, 1 tháng họ trả cho 5 - 6 triệu đồng, nuôi ăn ở.

Ở tuổi 17-18, chưa bao giờ cậu dám nghĩ đến việc sẽ kiếm được 6 triệu/tháng. Nếu được nuôi ăn, tính ra 1 năm cũng giữ được mấy chục triệu.

Viễn cảnh đó cứ bay nhảy trong đầu cậu thanh niên mới lớn. Thắng, Thanh, Tú quyết định đi theo đám người lớn trong thôn đi làm vàng. Ai cũng hí hửng khi nghĩ đến viễn cảnh Tết về nhà sẽ có một món tiền kha khá.

Thế nhưng, thực tế mỏ vàng lại khác xa những lời “cò mồi” đã đem ra dụ dỗ. Lên đến Mà Sa Phìn, nhóm Thắng vào làm việc cho tướng Dương. Lán của Thắng có hơn 20 người, cái người mà dụ dỗ cậu cũng chỉ là tay sai. Lên đến mỏ, mọi quyết định và chỉ đạo đều nằm trong tay tướng. Trái lệnh sẽ bị ăn đòn.

Công việc hằng ngày của Thắng là vào hầm khai thác quặng vàng, sau đó chuyển ra ngoài cho vào máy nghiền. Đều như vắt chanh, công việc bắt đầu từ 6h sáng đến 6h tối.

Gần 1 năm làm quần quật, đến hôm xảy ra vụ sạt lở may mắn Thắng và 2 người bạn của mình thoát chết. Hôm sau, cả 3 lên gặp tướng để xin lấy tiền lương về quê. Không trả tiền, tướng Dương còn chửi cho 1 trận. Sợ quá, chúng đành ôm bụng đói, và vết thương do vụ sạt lở gây ra cuốc bộ ra huyện bắt xe về nhà.

20160824_080709

Đất đá sạt lở, vùi lấp nhiều lán trại công nhân, xe cộ và thiết bị máy móc. Nhiều phu vàng cho biết, dưới lớp đất đá này còn có nhiều mạng người bị vùi lấp. 

Cũng chung số phận, anh Giàng A Mai (SN 1984, thôn Phù Lá Ngài), người vừa thoát chết ở Mà Sa Phìn kể, ban đầu các tướng đến nhà dụ dỗ rất ngon ngọt để người dân đi làm vàng. Nào là lương cao 6 triệu, nuôi ăn ở, chỉ việc đi làm, nếu mệt ốm thì nghỉ nhưng thực tế lại khác hoàn toàn.

Một ngày, anh Mai và những phu vàng khác làm từ 6h sáng đến 6h tối. Công việc làm không ngừng nghỉ, trừ lúc buổi trưa nghỉ ngơi để ăn cơm. Đồ ăn cho phu vàng cũng chỉ có mấy cái đầu lợn.

“Lúc chưa đi làm, chủ vào tận nhà, họ quảng cáo công việc ổn, lương tốt nên chúng tôi mới đi làm" – anh Mai uất hận kể lại.

Theo anh Mai, nếu một tháng làm tốt thì làm được khoảng 6 triệu, còn không thì được khoảng 4 triệu. Nhưng đó là theo lý thuyết, thực tế thì cũng bị chủ trừ hết chẳng được bao nhiêu. Các phu vàng tháo chạy sau tai họa về nhà đều không được chủ trả lương.

“Các tướng chỉ bảo cứ về rồi họ sẽ gửi tiền xuống, còn nếu không bao giờ có thì lên lấy” – anh Mai nhắc lại lời chủ mỏ nói với phu vàng.

Những người phu vàng như anh Mai chỉ nghĩ đi ít ngày rồi về, nhưng vào đây mới biết chủ họ quy định 3 tháng làm mới được trả công. Nếu bỏ về trước họ không trả tiền.

“Người nào biết việc thì một tháng được 4 triệu, còn ít thì 2 triệu, người nào chui vào hẳn trong hầm thì được nhiều hơn. Vào trong hang thì rất nguy hiểm, mà cũng không được trang bị đồ bảo hộ hay vật dụng cá nhân gì. Mọi thứ công nhân phải tự lo hết, cùng lắm thỉnh thoảng anh em công nhân được ứng 20 đến 50 ngàn mua thẻ điện thoại,” anh Mai kể.

Video: Sạt lở bãi vàng, xác người khiêng ra liên tục

Bươn chải ở bãi vàng từ năm 15-16 tuổi, Triệu Tòn Nhất (thôn Phiêng Đoóng) thở dài khi nhắc đến những lao động trên bãi vàng. 

Nhất kể, vì cậu là người địa phương nên không đi làm cho các tướng trên đó mà cùng mấy người trong bản tự đãi vàng. Ngoài ra, cậu còn cung cấp (gùi thực phẩm) cho các chủ mỏ. Gần chục năm lăn lộn ở Mà Sa Phìn, Nhất chứng kiến không biết bao nhiêu là nước mắt và cả máu của công nhân đã đổ xuống.

Có nhiều người lên làm vàng không nhận được một đồng nào, thậm chí còn bỏ xác tại đây vì những luật ngầm hà khắc của chủ mỏ.

Những cái chết oan nghiệt

 
Bình thường những công việc này nếu không có mưa lũ cũng đã rất nguy hiểm. Có rất nhiều người chết trong khi phu vàng ở đấy, vì đá lăn, vì sập hầm...

Anh Giàng A Mai

Đêm ngủ lại nhà của Nhất, nhiều người trong bản kéo ra cà kê uống rượu, họ râm ran kể cho nhau nghe về những cái chết trên bãi vàng, những ngôi mộ tập thể bị chôn vùi dưới giếng (mỏ vàng) và cả những chuyện tướng xử tử công nhân như thời Trung cổ vì dám trộm vàng.

Mặc dù, chưa ai tận mắt chứng kiến, đó cũng chỉ là những câu chuyện mà dân bản nghe đám phu vàng kể lại. Song có một điều chắc chắn, ở bãi vàng có những luật ngầm vô cùng hà khắc.

Ông G.T.C (khoảng 45 tuổi, xin giấu tên) kể, ngày trước, nhà nước chưa cho công ty vào làm, trên Mà Sa Phìn toàn mỏ vàng thổ phỉ. Ở đó, đĩ điếm, ma túy và những tệ nạn đủ cả.

Luật lệ do các tướng đặt ra, cái thuật ngữ tướng để gọi các chủ mỏ cũng bắt đầu từ đó. Có lần, có phu mỏ trộm vàng bỏ trốn, tướng xách dao cùng đồng bọn đi tìm. Thấy phu vàng, chẳng nói một lời, nhát dao oan nghiệt tuyên luôn án tử hình cho người trót lấy trộm.

20160824_080802

Một mỏ khai thác vàng tại Mà Sa Phìn. 

Hỏi nhiều phu vàng, họ cho biết đến giờ khi công nhân lên bãi làm việc, các tướng vẫn lấy câu chuyện đó ra đe lính mới. Dù chưa thấy ai trộm vàng, song Thắng bảo, nếu trộm thì sẽ bị xử rất nặng.

Câu chuyện tướng xử tử phu vàng khiến người nghe nổi da gà, rợn tóc gáy. Nhưng nó vẫn chưa ám ảnh bằng chuyện sập hầm khai thác vàng. Nhiều phu vàng tiết lộ, việc sập hầm xảy ra như cơm bữa.

“Bình thường những công việc này nếu không có mưa lũ cũng đã rất nguy hiểm. Có rất nhiều người chết trong khi phu vàng ở đấy, vì đá lăn, vì sập hầm...” – anh Mai nói.

Đám phu vàng thủ thỉ, có hầm bị sập không lấy công nhân ra được, tướng cho lấp luôn rồi vác tiền về nhà “đấm” vào mồm gia đình mỗi nạn nhân vài chục triệu để mua sự im lặng.

ma-sa-phin-2

Đường vào hiện trường vụ sạt lở bãi vàng.

Dân bản ở và đám phu vàng ví von, tiếng suối Chăn, suối Nậm Xây Luông ngày đêm gầm gào nơi núi rừng Mà Sa Phìn có tiếng kêu ai oán của những mạng người đã chết trong im lặng.

Sự việc sạt lở mỏ vàng hôm 19/8 vừa qua, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên là nơi có số người thiệt mạng nhiều nhất đến thời điểm hiện tại. 5 người chết, 3 người bị thương. Có thông tin cho biết, mỗi gia đình có người chết được một nhóm người đến thương lượng và đền bù với số 150 triệu đồng kèm theo sự im lặng.

Đón đọc kỳ 3: Những đứa trẻ thèm thuồng khói thuốc phiện

Đức Thuận - Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn