Góc tối Mà Sa Phìn: Chết mòn trong nghèo đói và thuốc phiện (Kỳ cuối)

Thời sựThứ Năm, 08/09/2016 07:28:00 +07:00

Thật kỳ lạ, ở nơi chỗ nào cũng nhìn thấy vàng này, người ta lại có thể chết dần chết mòn trong cái đói, cái nghèo và khói thuốc phiện.

Trong vòng bán kính chưa đến 1 cây số, thôn Phù Lá Ngài (Nậm Xây - Văn Bàn - Lào Cai), địa điểm giáp ranh với rốn vàng Mà Sa Phìn, tôi đã được nghe kể hoặc chứng kiến rất nhiều người nghiện. Ngoài cha mẹ Giàng A Hứ, ngay sát vách nhà em cũng là một gia đình đang khốn đốn vì ma túy.

Phóng sự: Góc tối Mà Sa Phìn: Chết mòn trong nghèo đói và thuốc phiện

Vừa bước chân ra khỏi căn chòi của chị em Giàng A Hứ, tôi được chị Vàng Thị Chu kéo vào nhà chơi. So với căn chòi của chị em Giàng A Hứ, nhà chị Chu cao và rộng hơn. Thế nhưng, nhìn một lượt bên trong cũng chẳng có gì.

Quan sát một lượt, nhà chẳng có gì đáng giá ngoài bao thóc. "Có 2 bao nhưng chồng mang bán mất 1 bao rồi. Nó bán lấy tiền mua ma túy".

Tôi ngạc nhiên hỏi: "Chồng chị cũng nghiện?"

"Nó nghiện lâu rồi. Không bỏ được đâu", chị Chu vừa nói vừa lắc đầu.

Người chồng nghiện của Vàng Thị Chu tên Thào A Pó (30 tuổi). Lấy nhau chưa đến chục năm trời nhưng hai vợ chồng đã có đến 6 mặt con. Đói khát, bệnh tật nên dù mới có 28 tuổi nhưng nhìn chị Chu như một bà già 40 tuổi.

IMG20160824094046

 Nhà nhân vật Vàng Thị Chu. Ảnh Kim Thược

"Nhà có 6 đứa con nhưng 4 đứa chết mất rồi. Chúng nó cứ đau bụng xong ra bờ suối ngoài kia nằm chết", Vàng Thị Chu kể về những đứa con xấu số của mình.

Các con của chị Chu đều mắc bệnh tả trước khi chết. Chúng toàn ăn thức ăn ôi thiu, bẩn thỉu và uống nước dưới dòng suối đang chảy đục ngầu từ thượng nguồn bãi vàng Mà Sa Phìn.

Nhà nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, nhận thức của cha mẹ lại kém nên ngày qua ngày, 4 đứa con cứ lần lượt đi vệ sinh rồi nằm chết bên suối. "Giờ còn có 2 đứa thôi, chúng nó mà đau bụng chết hết là chẳng còn ai", vừa nói chị Chu vừa chỉ tay vào bức ảnh của mấy đưa trẻ đang treo ở trên tường.

Đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi chị Chu đang ôm trong tay tỉnh ngủ. Nó có vẻ đói nên cho bàn tay năm ngón vào miệng mút. Bàn tay nhỏ nhắn nhưng cáu bẩn, chắc do lâu ngày mẹ nó không lau chùi hay tắm rửa. Nó không khóc mà thỉnh thoảng nhìn người lạ lại nhoẻn miệng cười.

Chị Chu kể chuyện: "Giờ ở nhà nuôi con chứ không đi làm được gì đâu. Chồng nó có đi làm trong bãi vàng nên thỉnh thoảng về cũng cho tiền mua gạo. Mấy tháng thì cho vợ được 500 nghìn. Mới tôi hôm qua nó về, giờ lại đi vào bãi vàng rồi".

Buổi sáng, tôi thấy một người đàn ông thất thểu leo lên con dốc lối đi vào nhà Vàng Thị Chu. Người đàn ông vừa đi vừa ngáp ngủ, không biết, đó có phải chồng của Chu? Tôi quan sát khoảng chừng 20 phút, thấy người đàn ông này đi bộ về phía bãi vàng Mà Sa Phìn.

 
Ở đây, ai cũng có thể nghiện. Từ anh bốc vác hàng thuê vào bãi vàng Mà Sa Phìn cho đến chị vợ chỉ ở nhà làm nương, rẫy. Từ mấy đứa thanh niên choai choai cho đến bà già 60.

Anh Triệu Tòn Nhất

Chị Vàng Thị Chu lôi tôi ra ngoài hiên đứng lên mỏn đá cao nhất, chị chỉ tay về hướng có một nóc nhà nhô lên bên bờ suối: "Nhà mẹ chồng bên kia kìa, mẹ cũng nghiện đấy. Mẹ còn nghiện trước thằng chồng nên cũng không bỏ được".

Tôi chép miệng quay sang hỏi: "Vậy chị có sợ nghiện không?"

Chị Chu lắc đầu.

"Chị mà nghiện thì ai nuôi con bây giờ?"

Chị Chu nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng vàng oạch.

Im lặng và bất lực

Trên con đường rời khỏi Phù Lá Ngài, tôi còn ghé vào vài nhà dân bản địa. Trong đó, có gia đình anh Giàng A Mai, một người phu vàng vừa thoát chết trong cơn lũ quét sập lán trại bãi vàng Mà Sa Phìn. Tôi hỏi anh Mai về tình hình người chết trong bãi.

"Nhiều người còn vùi xác dưới lớp đất đá kia lắm. Những người nằm im trong lán may ra còn có cơ hội tìm thấy xác. Những người nghiện ngập lọ mọ đi linh tinh thì chịu không biết tìm xác họ ở đâu", anh Mai kể lại.

"Người chết do sập lán trại trong bản thì không có, họ toàn là người từ các vùng khác tới. Trong bãi vàng nhiều người nghiện lắm. Do có người mang thuốc phiện vào đây bán nên có khi mấy năm những người nghiện họ không ra ngoài.

Làm đến đâu họ lấy tiền mua thuốc phiện hết đến đó. Không làm sẽ không có thuốc hút. Vì vậy, chủ bưởng ở trong bãi vàng họ chẳng phải lo quản lý đám thợ nghiện", anh Mai nói.

14203303_574390456082637_2721524834369475126_n

Anh Giàng A Mai - Người dân Phù Lá Ngài 

Trong khi tôi ngồi nói chuyện với anh Mai, Vàng Thanh Chua đã ngồi chờ tôi gần 2 tiếng đồng hồ để kiếm một cuốc xe ôm. "Chị cho em xin 150 nghìn từ đây ra đến cầu Nậm Xây Luông nhé?". Tôi không mặc cả mà đồng ý luôn vì thái độ nhẫn nại, thật thà của chàng trai bản.

Là dân bản địa nên chẳng có gì lạ khi Chua nói thông thuộc địa hình của xã Nậm Xây: "Ở đây, đi xe máy chỉ có một con đường duy nhất nhưng đi bộ thì còn một vài con đường rừng. Hôm qua, họ khiêng xác chết qua đường rừng nên nhiều Nhà báo đứng ngoài kia không biết".

Chua kể: "Nhà em cũng có một ông anh trai nghiện. Đã nghèo còn nghiện nên khổ lắm, làm được bao nhiêu mua ma túy hết, vợ con thì đói khổ, nheo nhóc...".

Nói rồi Chua quay sang hỏi tôi "Có cách nào không chị? Chẳng lẽ, người dân quê em cứ chết dần, chết mòn trong nghèo đói và ma túy thế này ạ?" Tôi không thể trả lời cho Chua được câu hỏi đó.

Nằm ngay bên kia cây cầu Nậm Xây Luông mới bị nước lũ cuốn trôi, UBND xã Nậm Xây nhìn cũng khá sơ sài. Trao đổi với chúng tôi trong phòng làm việc, ông Hoàng Xuân Phủ - Chủ tịch UBND xã dường như vẫn chưa hết hoang mang.

14203303_574390456082637_2721524834369475126_n

 Hoàng Hoàng Xuân Phủ - Chủ tịch UBND xã Nậm Xây. Ảnh Kim Thược

Khác với anh bạn đồng nghiệp, tôi không hỏi nhiều về tình hình bãi vàng mà quan tâm hơn đến cuộc sống của người dân trong xã. Ông Phủ cho biết: "Nậm Xây là địa bàn khá phức tạp do có nhiều thành phần đến cư trú. Từ khi bãi vàng hoạt động, việc quản lý trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nghiện hút, ma túy và các tệ nạn xã hội xuất hiện nhiều. Người dân số có công ăn việc làm ít, số lười lao động, số nghiện hút nhiều".

Cũng theo ông Chủ tịch xã, ngoài trồng lúa và thảo quả thì Nậm Xây chưa có nghề gì để phát triển, thoát nghèo. Đến nay, Nậm xây có đến hơn 50% hộ dân thuộc diện nghèo, đói.

Tôi lấy câu của cậu xe ôm Vàng Thanh Chua hỏi lại ông Phủ: "Chẳng lẽ, người dân Nậm Xây cứ chết dần, chết mòn trong nghèo đói và ma túy thế này ạ?"

Ông Phủ im lặng không trả lời. Tôi hiểu cái im lặng đó như cách mà chính quyền huyện trả lời cơ quan báo chí trước thực trạng khai thác vàng lậu trong Mà Sa Phìn. "Chúng tôi đang bất lực", ông Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện nói.

IMG20160825113132

Ông Phạm Bình Minh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn trong một buổi làm việc với PV VTC News 

"Ở đây, ai cũng có thể nghiện. Từ anh bốc vác hàng thuê vào bãi vàng Mà Sa Phìn cho đến chị vợ chỉ ở nhà làm nương, rẫy. Từ mấy đứa thanh niên choai choai cho đến bà già 60", Triệu Tòn Nhất, thôn Phù Lá Ngài nói.

Nhất kể những nhà có người nghiện trong thôn: "Xung quanh đây cũng có 3 gia đình liền nhau. Họ nghiện ma túy đơn giản lắm. Có người gánh hàng thuê vào bãi vàng, mệt mỏi quá thấy hút ma túy vào khỏe nên nghiện. Có người hay  đau bụng, mỗi lần đau lại lấy ma túy ra hút dần quen cũng thành nghiện. Cũng có người, chồng nghiện ma túy, thấy vợ làm vất vả, mệt nhọc, thương vợ cũng lấy ma túy cho vợ hút. Thế là, cuối cùng cả hai vợ chồng cùng rơi vào con đường nghiện ngập".

"Nhà ngay đằng sau quán em cũng có hai mẹ con cùng nghiện ma túy. Dân gùi hàng qua đây cũng nhiều người nghiện, thỉnh thoảng họ vào đây ngồi uống nước. Không có ruộng nương, không có nghề nghiệp, mỗi lần cần tiền mua thuốc họ lại vào bãi vàng Mà Sa Phìn làm thuê. Làm xong lấy tiền mua thuốc hút, hút xong khỏe lại có sức làm... Cứ như vậy, họ luẩn quẩn trong nghèo đói và thuốc phiện".  

Kể đến đây, giọng Nhất bắt đầu nhỏ dần và tan vào bóng đen đầy đặc của đêm Phù Lá Ngài./.

Video: Con đường cheo leo tìm lên vùng đất "cúi xuống là nhặt được vàng" 

Kim Thược - Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn