“Góc phố danh vọng” góc nhìn mới của người Việt trẻ

Tổng hợpThứ Tư, 29/08/2012 11:01:00 +07:00

Góc Phố Danh Vọng là một chuỗi chương trình ca nhạc và kể chuyện với sự kết hợp thử nghiệm giữa biểu diễn ca nhạc, diễn kịch độc thoại...

“Không ít người hỏi chúng tôi rằng có quá mạo hiểm không khi đưa một loại hình nghệ thuật còn quá mới mẻ đến với thị trường thưởng thức nghệ thuật còn đang quá khắt khe của Việt Nam. Tại sao chúng tôi cứ nhất nhất phải là nhạc kịch phương Tây? Đơn giản vì đó là những gì chúng tôi thích. Đó cũng có thể là những gì bạn thích và đa số những người trẻ hiện nay thích” – Tổng đạo diễn 9x- Nguyễn Phi Phi Anh chia sẻ.

Có một “Góc phố danh vọng” của Hà Nội

Góc Phố Danh Vọng là một chuỗi chương trình ca nhạc và kể chuyện với sự kết hợp thử nghiệm giữa biểu diễn ca nhạc, diễn kịch độc thoại và các màn trình diễn vũ đạo đậm tính nghệ thuật. Năm đêm diễn đầy nghệ thuật của Góc Phố Danh Vọng đã diễn ra thành công vào trung tuần tháng 8 tại khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

Trong ba giờ đồng hồ của mỗi đêm diễn, khán phòng thực sự được đốt nóng liên tục bởi tiếng cười và tràng pháo tay không dứt trước những tình tiết và lời thoại hóm hỉnh, sâu cay. Pha lẫn tiếng cười, khán giả cũng nín thở trước những màn vũ đạo được dàn dựng dồn dập trên nền ca kịch nhạc ngoại được diễn giải bằng lời Việt đầy hào sảng. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca hát, diễn kịch độc thoại cùng những màn vũ đạo đẹp mắt, lôi cuốn khán giả trong từng phân cảnh.

 
Kịch bản đầu tư kỹ lưỡng, dàn diễn viên trẻ trung đã tạo mạch kể chuyện hấp dẫn về mối tình tay ba ngang trái giữa Rudolph – chú tuần lộc hóa kiếp người nhờ phép màu của đêm Giáng sinh, Roxanne – cô ca sỹ phòng trà với tham vọng trở thành người nổi tiếng và Flint – anh thợ xây nghèo nhưng lại chính là chàng hoàng tử đã bỏ trốn khỏi hoàng cung.

Những tham vọng về tiền tài, địa vị, sự giàu sang hay ham muốn trở thành người nổi tiếng đều không chiến thắng được tình yêu chân chính. Tình yêu chân thành của Flint đã thức tỉnh “giấc mơ danh vọng” trong Roxanne. Dù thỏa mãn ước mơ sống trong tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ nhưng cuối cùng Roxanne nhận ra rằng cô không tìm thấy hạnh phúc khi sống cùng Rudolph.

Cuộc tranh cãi nảy lửa giữa cô và Rudolph đã đẩy câu chuyện lên cao trào. Rồi Rudolph hiểu Roxanne không phải người con gái dành cho anh, anh quyết định “trả lại tự do” cho cô để cô được sống bên người mình yêu thương. Một cái kết có hậu được đem đến cho người xem khi Roxanne ý thức được giá trị đích thực của cuộc sống và quay về sống hạnh phúc bên Flint trong sự chào đón của cả vương quốc.

 
Câu chuyện đề cập đến nhiều vấn đề nóng của xã hội hiện đại như chuyện bới móc đời tư ca sĩ trên báo chí, chân dài và đại gia, dùng tiền bạc để mua danh tiếng… nhưng không vì thế mà trở nên khô khan. Với ngôn ngữ hiện đại, cách dẫn chuyện hài hước, Góc Phố Danh Vọng là một vở nhạc kịch trào phúng nhẹ nhàng, giàu tính nhân văn, thể hiện cách nhìn của người trẻ về mặt trái của xã hội.

Đáng nói hơn, khác với một vở kịch hay một bộ phim ca nhạc, Góc Phố Danh Vọng có sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều thể loại âm nhạc từ ca hát, nhảy, múa, khiêu vũ và kịch. Các ca khúc quốc tế nổi tiếng và trích đoạn nhạc kịch kinh điển được viết lại lời Việt khiến câu chuyện hơi hướng “Tây” trở nên gần gũi hơn. Tiếng hát ngọt ngào đầy nội lực của các bạn trẻ cùng màn vũ đạo độc đáo, chuyên nghiệp, người xem có cảm giác như đang được sống trong không khí của một vở kịch nói bằng âm nhạc chưa từng có ở Việt Nam.

 

Khi nói về dự án nhạc kịch Góc Phố Danh Vọng, Phi Anh chỉ khiêm nhường nhận đó chỉ là một chương trình “ca nhạc - kể chuyện” được thực hiện bởi toàn người trẻ. Dù chỉ qua 5 đêm diễn, nhưng Góc Phố Danh Vọng thực sự là một “làn gió mới” cho nhạc kịch Việt Nam. Thành công của dự án này sẽ góp phần cổ vũ phong trào sáng tạo nghệ thuật độc lập của các bạn trẻ, đáp ứng được kì vọng của những người thực hiện chương trình: Tôn vinh những giá trị nghệ thuật đa dạng, đem đến một sản phẩm kịch và âm nhạc chất lượng dành cho khán giả Hà Nội.

“Gánh nặng” của những người tiên phong

Nếu gặp Nguyễn Phi Phi Anh ngoài đời, chắc hẳn ít ai tưởng tượng nổi cậu thanh niên 21 tuổi này đang là “kiến trúc sư” của cả một “công trình” nghệ thuật hoành tráng như Góc Phố Danh Vọng. Cấp 3 là dân trường Ams rồi được học bổng sang Singapore học, Phi Anh từng là tổng đạo diễn, tác giả kịch bản Geek Show (2009) tại Anglo - Chinese School, Singapore. Chương trình được tiến sĩ Ong Teck Chin - hiệu trưởng - đánh giá là tốt nhất trong lịch sử của trường và được thực hiện lại trong hai năm tiếp theo.

 
Phi Anh cũng chỉ đạo sân khấu vở Making Nice được huy chương Đồng Singapore Youth Festival 2010... Cậu còn là một họa sĩ đã có ba tác phẩm trưng bày ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Singapore. Khi lên bậc đại học, Phi Anh theo học ngành sân khấu – điện ảnh của trường Đại học Hampshire (Mỹ).

Bằng niềm đam mê dành cho nhạc kịch và khao khát được đem loại hình nghệ thuật đặc sắc này lại gần hơn với khán giả Việt Nam, Phi Anh đã dành 4 năm để chuẩn bị và cho ra đời kịch bản chương trình này. “Cách đây không lâu, tôi đã có dịp xem tận mắt vở nhạc kịch Broadway chính hiệu trong khán phòng Ambassado nổi tiếng ở New York. Tôi thấy choáng ngợp vì “nhạc kịch” không giống như những gì tôi tưởng tượng qua các bộ phim: High School Musical, Burlesque hay Moulin Rouge.

Ở Broadway, tôi được chứng kiến một sự kết hợp nghệ thuật siêu đẳng, giữa những màn vũ đạo rạo rực năng lượng và những tình huống vô cùng gay cấn. Nhưng hơn hết cả là âm nhạc - thứ âm nhạc kỳ diệu len lỏi vào từng câu thoại, từng cái nháy mắt, từng bước đi của mỗi diễn viên. Tôi vừa thấy bức xúc, vừa thấy tủi thân, vì tôi biết ê kíp của mình, dù có tài năng đến đâu, cũng sẽ không thể làm nổi một chương trình nghệ thuật đẳng cấp đến thế”, Phi Anh chia sẻ.

 
Khi được hỏi tại sao bạn không Việt hóa câu chuyện với các nhân vật Việt mà vẫn mượn một câu chuyện khá Tây, Phi Anh tâm sự: “Nhạc kịch kiểu Broadway là một thể loại rất Tây và thứ âm nhạc dùng cho nó cũng phải là nhạc Tây thì mới phù hợp. Hơn nữa, tôi sợ mình chưa đủ trình độ để làm cho nhạc Việt phù hợp với một thể loại rất Tây như vậy. Sống ở nước ngoài gần sáu năm nay, lại trong khoảng thời gian đang tuổi lớn, nên tôi quen với văn hóa quốc tế hơn, và cũng chưa hiểu văn hóa VN đủ sâu để viết được một câu chuyện “ít Tây” hơn. Nhưng trong câu chuyện tôi viết, những cá tính, những tham vọng, những suy nghĩ đố kỵ, tự ti, mâu thuẫn thì người Việt sẽ liên hệ được.”

Cùng sự tham gia của các du học sinh chuyên ngành Sân khấu & Điện ảnh ở Mỹ và Singapore, từ tháng 6 năm 2012, chương trình đã tuyển chọn ra 30 diễn viên và luyện tập với cường độ trung bình 50 giờ/tuần để có thể thể hiện thật tốt vai diễn của mình. Bên cạnh việc tập luyện vũ đạo, hàng ngày các diễn viên còn phải luyện tập thanh nhạc, diễn xuất vì chương trình đòi hỏi diễn viên cả ba yếu tố: hát – nhảy – diễn. Điều này không phải dễ dàng đối với những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề nhưng các bạn trẻ vẫn luôn tin rằng công sức mình bỏ ra sẽ được đền đáp.

Theo Phi Anh đây là một dự án phi lợi nhuận với mục đích thử nghiệm và tôn vinh những giá trị nghệ thuật đa dạng. Vì thế những người thực hiện dự án muốn hướng tới đối tượng là các bạn trẻ, những người chưa có nhiều trải nghiệm nghệ thuật mới. Tuy nhiên chất lượng của chương trình vẫn được êkíp trẻ này đặt lên cao nhất.

Kinh nghiệm học tập và làm việc tại nước ngoài giúp những bạn trẻ như Phi Anh có sự chuẩn bị và tổ chức tốt trong quá trình triển khai dự án. Dẫu vẫn chưa thực sự hoàn hảo, nhưng sự ủng hộ và hưởng ứng của dư luận đã cho các bạn trẻ đầy đam mê này thêm niềm tin vào con đường mình đang đi. Còn những kế hoạch, những dự định mới mẻ đang chờ phía trước. Và họ luôn tâm niệm đây không phải là cuộc chơi vui vẻ mà là một sản phẩm nghệ thuật thực thụ. Vì thế sự nghiêm túc và chất lượng nghệ thuật phải được đặt lên hàng đầu.

Y Bình

 

Bình luận
vtcnews.vn