Góc nhìn khác của “Nhất nghệ tinh”

Tổng hợpThứ Năm, 26/05/2011 10:12:00 +07:00

Có một góc nhìn khác của Nhất nghệ tinh - đó là hướng về những con người hiện tại, giới trẻ, những người đang quay lại khôi phục làng nghề bằng kiến thức và...

Làm về các làng nghề truyền thống ở Việt Nam có rất nhiều chương trình truyền hình, các bài báo, và cả các công trình nghiên cứu. Nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng đã có rất nhiều sách bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Nhưng, có một góc nhìn khác của Nhất nghệ tinh - chương trình mới trên kênh VTC16, đó là hướng về những con người hiện tại, giới trẻ, những người đang quay lại khôi phục làng nghề bằng kiến thức và bằng cả tâm huyết.

 

 

Tay nghề giỏi lo gì khó làm giàu!

 “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” - người xưa thường trọng nghề vì nghề nuôi được thân. Tay nghề giỏi ắt sẽ sung sướng. Chính vì vậy, những tay nghề cao, những nghệ nhân trong các làng nghề luôn đau đáu tìm được người để truyền kinh nghiệm, gọi là để lại nghề cho thế hệ sau. Nhưng thời gian trôi qua cùng với nhiều biến động của lịch sử, nhiều làng nghề mất đi, có nhiều làng nghề mai một dần.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người thợ có thể sống được bằng nghề của làng mình thay vì bỏ đi kiếm sống ở những nơi khác. Nhất nghệ tinh đã chứng minh điều đó bằng những dẫn chứng cụ thể, con người cụ thể. Đó là làng gốm Phủ Lãng với gốm Nhung và gốm Quyến; làng nghề Đúc đồng, hay làng nghề cơ khí Xuân Tiến (Nam Định) đang dần dần khôi phục được nghề xưa, không những thế còn mở rộng mặt hàng, thị trường mang về công ăn việc làm cho người dân trong làng.

BTV Trần Thu Hương cho biết, thông điệp mà chương trình đưa ra là nếu những người trẻ không giữ làng nghề của chính mình thì nó sẽ chết song họ có thể sống, thậm chí làm giàu bằng nghề truyền thống mà không phải đi đâu hết. Hương dẫn chứng “chúng tôi đã chia sẻ với hai nhân vật là anh Nhung và anh Quyến. Hai nhân vật này đều tốt nghiệp Đại học mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Họ có khả năng để kiếm việc ở những nơi khác nhưng như thế sẽ mãi mãi vẫn chỉ là người đi làm thuê. Thay vì đó, họ quay trở lại với Phủ Lãng, làm chủ chính cơ nghiệp cha mẹ, tổ tiên để lại và làm nó phát triển nhờ các kiến thức đã học và bằng sự nhìn sâu trông rộng. Gốm Phủ Lãng từ chỗ quen với việc sản xuất các chum vại mà hiện tại ít được trưng dụng nay đổi sang sản xuất đa dạng các mặt hàng hơn. Nhờ đó, nhiều loại hàng hóa đã được xuất đi nước ngoài, có thêm nhiều đối tác làm ăn tiềm năng khác”.

Ngoài anh Quyến, anh Nhung, anh Kiều ở làng Xuân Tiến (Nam Định) cũng là một trong những nhân vật chính đầu tiên của chương trình tôn vinh các làng nghề - Nhất Nghệ Tinh. Người thanh niên này tốt nghiệp khoa Cơ khí, Đại học Bách Khoa đã trở về làng và giờ đây, anh là ông chủ của Công ty Tân Thiên Phú. Anh đã từng rất thành công khi mở các lớp dạy tin học nhưng rồi còn thành công hơn với nghề mà cha đẻ anh để lại cho mình.

Hương chia sẻ “qua những người trẻ tiêu biểu này, điều chúng tôi mong đợi là có nhiều người hơn nữa tìm thấy cơ hội cho chính mình trên mảnh đất quê hương…”. Và trong tương lai sẽ có nhiều hơn những ông chủ Gốm Nhung, gốm Quyến hay ông chủ Kiều của làng cơ khí Xuân Tiến”.

 

 

Nói dễ nhưng làm không dễ

Mặc dù khá tâm huyết, nhưng với hình thức là dạng phim tài  liệu có thời lượng phát sóng 30 phút, phát sóng hàng tuần, khó khăn lớn nhất của các BTV là làm sao trong thời gian có hạn có thể sản xuất ra những chương trình chất lượng nhất. Mục tiêu của các BTV Nhất nghệ tinh là bước đầu sẽ tái hiện những câu chuyện có thực, đời thường giản dị và mộc mạc.

Tuy hạn chế về con người và thời gian làm việc nhưng điều dễ nhận thấy là đội ngũ BTV của chương trình đều trẻ, năng động và yêu nghề. Chẳng vì thế mà mặc dù trước khi đi làm, bao giờ kịch bản cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng khi đến hiện trường, phát hiện ra những chi tiết hay ngoài kịch bản các phóng viên cũng nhanh nhạy nắm bắt, cập nhật thông tin và linh hoạt xử lý để chương trình lại có thêm những chi tiết thú vị, độc đáo mà rất có thể bạn xem truyền hình không biết.

Câu chuyện về chiếc xe lôi ở Xuân Tiến - một loại xe có thể đi lại trong các con đường nhỏ, ngõ nhỏ và vận chuyển được nhiều rất tiện lợi là một ví dụ. Loại xe này vốn trước đây vẫn nhập từ Trung Quốc nhưng sau này được sản xuất bởi bàn tay của chính những người thợ cơ khí làng Xuân Tiến với chất lượng thậm chí tốt hơn và giá rẻ hơn. Ban đầu, mục đích của Nhất nghệ tinh đến Xuân Tiến để khám phá sự đổi mới của làng nghề từ chỗ chỉ sản xuất nồi niêu, dao, kéo nay có thêm các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp. Nhưng khi đến đây, các phóng viên mới phát hiện ra, để tiện cho việc di chuyển ở các ngõ, hẻm, các con đường nhỏ mà các loại xe lớn không vận hành được, người dân Xuân Tiến đã tự mình sáng tạo bằng cách sản xuất ra loại xe lôi, cơ động, tốt và rẻ có thể đánh bật các loại xe Trung Quốc. Thậm chí, các làng nghề khác cũng có thể mua các sản phẩm này từ Xuân Tiến thay vì sử dụng các loại xe thồ thô sơ và tốn công sức như trước đây. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, mỗi một nơi đến, mỗi một con người gặp, mỗi một chuyến tác nghiệp lại mang đến cho đội ngũ sản xuất Nhất nghệ tinh những kiến thức cũng như những phát hiện thú vị về sự chăm chỉ cũng như sự sáng tạo của người nông dân Việt Nam như vậy.

Đó là một cái “được” nhưng cái được lớn nhất đối với các phóng viên, BTV khi làm chương trình này chính là nhận được “lửa” từ chính những người trẻ- những người đang cố gắng làm giàu cho bản thân và khôi phục phát triển làng nghề của mình.

Có lẽ còn quá sớm để khẳng định điều gì, song quả thực khi được nghe những câu chuyện từ những đồng nghiệp của tôi, những người làm chương trình “Nhất nghệ tinh” góc nhìn trong tôi về giá trị của những làng nghề Việt, về tương lai của những “đứa con” làng nghề đã dần thay đổi. Và một câu nói của ai đó rằng giờ đây “có nghề trong tay, đổi thay cuộc sống” đã khiến tôi vững tin hơn, bởi tôi vốn cũng là một đứa con ra đi từ một làng nghề.

Tuấn Minh


Bình luận
vtcnews.vn