Góc khuất cần làm rõ sau một phiên tòa

Pháp luậtThứ Tư, 29/06/2016 16:15:00 +07:00

Không chỉ là một vụ đòi tài sản đơn thuần, vụ kiện giữa 2 vị giám đốc ở Nha Trang còn nhiều uẩn khúc liên quan đến mua bán, chuyển nhượng cổ phần mà tòa không xem xét đến.

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên xử phúc thẩm và ra yêu cầu ông Võ Quang Lộc (trú tại Phương Sơn – Nha Trang – Khánh Hòa) “thực hiện nghĩa vụ trả tiền” cho đối tác với số tổng số tiền là hơn 6 tỉ đồng. Những tưởng đây là một vụ kiện đòi tài sản đơn thuần, thế nhưng đi sâu tìm hiểu, phóng viên phát hiện ra, đằng sau vụ án là một câu chuyện rất nhiều góc khuất chưa có lời giải đáp.

“Mớ giấy lộn” trị giá hơn 21 tỉ đồng

Thời điểm năm 2013, công ty cổ phần sản xuất thương mại xây dựng và dịch vụ Tân Minh (gọi tắt là công ty Tân Minh) có địa chỉ tại lô A3 - A4 khu công nghiệp Diễn Phú – huyện Diên Khánh – tỉnh Khánh Hòa do Võ Xuân Minh làm chủ. Để tiến hành xây dựng nhà xưởng, ông Minh thỏa thuận với ông Võ Quang Lộc (Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên Quang Lộc - đơn vị thi công, xây dựng) về việc chuyển nhượng 20% cổ phần thay cho kinh phí xây dựng và được ông Lộc đồng ý.

Mọi việc diễn ra thuận lợi cho tới đầu năm 2014, Võ Xuân Minh đặt vấn đề muốn chuyển nhượng nốt 80% cổ phần còn lại của công ty Tân Minh cho ông Lộc với giá trị hơn 21 tỉ đồng.Tin tưởng bạn làm ăn, ông Lộc đồng ý. Tới ngày 12/6/2014, hai bên cùng lập biên bản thỏa thuận thanh toán tiền chia làm 3 lần.

Công văn hoãn thi hành án để xem xét giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. 

Tại thời điểm đó, lần thứ nhất, ông Võ Quang Lộc đã chuyển tiền mặt cho ông Minh với số tiền 14 tỉ 550 triệu đồng. Lần thứ 2, ông này thanh toán bằng tiền mặt 2 tỉ đồng qua ngân hàng.Song song với việc thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần, theo cam kết, phía Võ Anh Minh phải có trách nhiệm phối hợp chuyển giao 80% cổ phần của công ty. Và vấn đề bắt đầu nảy sinh ở đây.

Dù trong hợp đồng ghi rõ, công ty Tân Minh không bị ràng buộc bởi bất kỳ sự cầm giữ, yêu sách và các khoản nợ nào ở thời điểm chuyển nhượng nhưng thực tế, dưới sự quản lý của ông Võ Xuân Minh, đơn vị này đang nợ ngân hàng Vietcombank số tiền 14 tỉ 875 triệu đồng và hàng trăm triệu tiền thuế, phí, bảo hiểm xã hội, …

Biết chuyện, thấy đối tác có dấu hiệu không trung thực, không thực hiện đúng cam kết nên ông Lộc tạm dừng thanh toán số tiền còn lại là 5 tỉ 2 trăm triệu (theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần) và yêu cầu ông Minh trả nợ cho ngân hàng ngay lập tức. Thấy đối tác làm căng, ông chủ công ty Tân Minh nói rằng đang gặp khó khăn, chờ một thời gian sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Vietcombank.

Đến ngày 3/4/2015, ông Võ Anh Minh cho biết chuẩn bị đi nước ngoài nên những khoản công nợ hiện có muốn để lại chứng từ cho vợ con quản lý nên yêu cầu đối tác Võ Quang Lộc xác nhận nợ bằng văn bản số tiền 5 tỉ 200 triệu còn lại. Thế nhưng, trên thực tế ông Lộc không nhận khoản vay bằng tiền mặt nào.Tin bạn, ông Lộc viết giấy xác nhận nợ và chờ Võ Xuân Minh thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng Vietcombank rồi rải ngân nốt.

Tuy nhiên, sau khi có được giấy nợ này, ông Minh đòi đối tác thanh toán tiền nợ theo giấy xác nhận nợ và tiếp tục duy trì khoản nợ hơn 14 tỉ với phía ngân hàng. Không tìm được tiếng nói chung với đối tác, ông Minh khởi kiện ra toàn án nhân dân thành phố Nha Trang.

Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, ông Võ Quang Lộc đã chuyển cho đối tác Võ Xuân Minh số tiền 16 tỉ

875 triệu đồng để mua lại 80% giá trị cổ phần và trả hàng trăm triệu công nợ cũ của công ty Tân Minh nhưng do phía đối tác không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng khoản nợ trước khi chuyển giao cổ phần nên công ty Tân Minh (nay là công ty cổ phần kính Quang Lộc) đã bị ngân hàng kê biên tài sản.

Ngoài việc bỏ ra một số tiền cực lớn để mua lại công ty “chết” – nợ khắp nơi với số tiền lớn, ông Lộc còn phải đối mặt với việc bị khởi kiện ra tòa đòi số tiền thực chất không nợ.

“Tòa tách vụ việc, chỉ xử đuôi mà không có đầu”

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Võ Quang Lộc đã phải thốt lên như vậy để diễn tả sự bức xúc của bản thân.

Cả hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm được xét xử tại tòa án nhân dân TP Nha Trang và tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đều ra yêu cầu buộc ông Võ Quang Lộc phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền mà không quan tâm tới nguồn gốc sự việc.

Xác nhận với phóng viên, bà Trần Thị Ánh Tuyết (thẩm phán xét xử phúc thẩm) cho hay: Kiện việc gì thì xử việc nấy, đây là hai việc tách biệt nhau. Tức là tòa án tỉnh Khánh Hòa chỉ quan tâm tới số tiền trong giấy xác nhận nợ mà không quan tâm tới bản chất số nợ đó là như thế nào. 

Video: Nhân viên ngân hàng nghi bị kết án oan vì chứng cứ giả 

Thực tế, trong thời gian vừa qua, phía ông Quang Lộc cũng đã làm đơn kiện ông Võ Xuân Minh về vấn đề tranh chấp tiền chuyển nhượng cổ phần. Chính vì lẽ đó, để tăng tính khách quan và làm rõ hơn vấn đề, tại phiên phúc phẩm, đại diện VKS nhân dân tỉnh thực hiện quyền công tố tại tòa cũng yêu cầu đợi kết quả phiên sơ thẩm vụ việc tranh chấp cổ phần nêu trên rồi mới tiến hành xét xử nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận mà vội vàng ra bản án số 17/2016/DS-PT yêu cầu ông Lộc phải trả tiền cho Võ Xuân Minh.

Hết cách, ông Lộc phải làm đơn xin thực hiện giám đốc thẩm tại tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Lập tức, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng Phan Văn Sơn đã ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án theo điều 286 Bộ luật tố tụng dân sự để chờ thực hiện thủ tục giám đốc thẩm vụ án này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.                                                                                                

Nguồn: Bảo vệ Pháp luật
Bình luận
vtcnews.vn