Góc khuất buồn bã phía sau danh tiếng HAGL Arsenal JMG

Thể thaoThứ Năm, 05/11/2015 07:52:00 +07:00

Đằng sau danh tiếng của HAGL Arsenal JMG vẫn có những “phiên bản lỗi” là những cầu thủ có thể không thể theo nghiệp vì lý do chuyên môn, vì chấn thương....

Ít ai biết rằng, đằng sau danh tiếng của HAGL Arsenal JMG vẫn có những “phiên bản lỗi” là những cầu thủ có thể không thể theo nghiệp vì lý do chuyên môn, vì chấn thương và vì thể hình quá bé nhỏ…

CÂU CHUYỆN CỦA LÊ VĂN VŨ

Bây giờ ở Học viện HAGL Arsenal JMG nhắc đến “thầy” Vũ không ai là không biết. Vũ trên sân là thầy nhưng ra ngoài đường sẽ đóng vai anh. Sở dĩ lạ như vậy là bởi Vũ năm nay vừa bước sang tuổi 20. Thầy Vũ mà chúng tôi nói đến chính thủ khoa của khóa II (2007-2017) trong số 14 thí sinh được tuyển vào Học viện.

Còn nhớ, đấy là một buổi chiều mưa rả rích, tôi ghé thăm Học viện. Cái buổi chiều “rầu thúi ruột” ấy, tôi đã gặp chàng trai khôi ngô trắng trẻo nhất Trung tâm Hàm Rồng. Quả là lạ vì những người bạn của Vũ ai cũng đen nhẻm, hoặc da màu bánh mật do phơi nắng, bởi cứ đi học về là ra sân và tập cho đến xế trưa mới về tắm rửa và ăn cơm. Ấy vậy mà Vũ vẫn trắng hồng, mái tóc che ngang mắt trông có vẻ thư sinh.
Lê Văn Vũ
 Lê Văn Vũ
Vũ ở cùng phòng với Trần Hữu Đông Triều, người được xem là “hợp cạ” nhất ở Học viện, vậy nên có chuyện gì của “đồng bọn”, thì cầu thủ này đều biết. Triều kể: “Vũ nó dính chấn thương bẩm sinh, cũng đi nhiều bác sĩ và bệnh viện mà đều không thể chữa trị. Có những lúc em với nó ngồi nói chuyện tương lai mà 2 đứa chỉ biết chảy nước mắt”.

Đúng là bi kịch cho một tài năng của Học viện HAGL Arsenal JMG. Để cứu lấy đôi chân của Lê Văn Vũ, bầu Đức đã cho anh ra Hà Nội, vào TP.HCM rồi sang cả Thái Lan gặp các bác sĩ giỏi nhất, nhưng đôi chân của chàng trai trẻ người sông Cầu (Phú Yên) vẫn không thể chơi bóng với cường độ cao.

Vũ đã rất chán nản bởi bao nhiêu đam mê, ước vọng của bản thân và cả gia đình ngày cho con vào Học viện đã tan thành mây khói. “Tôi cảm thấy mọi thứ sụp đổ dưới chân khi các bác sĩ kết luận không thể chơi bóng được nữa. Ở tuổi đôi mươi, thấy chúng bạn chơi bóng mà thèm khát. Nhưng đôi chân què quặt này có thể làm được gì”, Lê Văn Vũ cảm thán nỗi đau của mình.

Văn Vũ đã định trở về nhà hoặc đi học, nhưng cuối cùng anh đã chọn lựa phương án ở lại để làm trợ lý cho các thầy ở khóa 3. Bây giờ thì Vũ đã là “thầy” ở tuổi 20, thi thoảng anh vẫn nhói lòng khi người ta nhắc đến tên mình, hay xướng tên các đồng đội. Sau mỗi cơn gió thoảng qua anh thở dài rồi bảo: Cứ mỗi khi ra sân cùng các cậu em của mình, thấy mọi thứ tan biến…

VỀ ĐÂU NHỮNG “PHIÊN BẢN LỖI”?

Hơn Lê Văn Vũ 1 tuổi, người mới nhất là Nguyễn Văn Đại (sinh năm 1994) cũng đã gia nhập danh sách những ông thầy trẻ ở Học viện HAGL - Arsenal JMG. Văn Đại, Lê Văn Vũ, Phạm Thành Nam, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Lam, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Tiến Hoài, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Quý, Trần Hữu Đông Triều, Nguyễn Anh Việt, Lê Đức Lương là 14 cầu thủ của khóa I, Học viện HA.GL - Arsenal JMG.
Nguyễn Văn Đại cũng đã tiếp bước Lê Văn Vũ làm trợ lý HLV
Văn Đại cũng từng được đánh giá là một trong những tài năng triển vọng của Học viện. Thế nhưng, càng lớn lên thì chuyên môn và chiều cao của Đại lại tỷ lệ nghịch với độ tuổi của mình. Năm 2014, để giúp cải thiện chuyên môn cũng như sự cọ xát, HA.GL đã biệt phái Nguyễn Văn Đại, Phạm Thành Nam sang tăng cường cho CLB Hoàng Anh Attapeu thi đấu ở giải Lao Premier League.

Nhưng cả Đại và Nam đều không đáp ứng được chuyên môn nên hầu như chỉ được xếp dự bị. Sau khi trở về, Văn Đại và Thành Nam đều không thể chen chân và đội hình 1 của HA.GL. Chính vì thế, Văn Đại đã được cho đội hạng Nhì – Kon Tum mượn còn Thành Nam vẫn tập ở đội trẻ.

Sau thời gian cân nhắc và cảm thấy không thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cầu thủ, Văn Đại đã xin CLB nghỉ tập bóng đá để chuyển sang làm trợ lý cho các lớp nhí. Vừa rồi gặp chúng tôi ở Học viện, Văn Đại có vẻ bằng lòng với cuộc sống hiện tại trong cương vị một “thầy trẻ” đi thị phạm, chỉnh sửa động tác cho các em.

“Còn gắn bó với niềm đam mê của mình là vui lắm rồi. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như mơ ước, dù gì tôi cũng là người may mắn khi có một công việc được gắn bó với bóng đá”. Văn Đại chia sẻ.

Sau Văn Vũ, Văn Đại, có thể tiếp theo sẽ là Thành Nam, Quốc Nhật, Quang Chiến những cầu thủ không tìm được chỗ đứng của mình trong đội hình CLB HA.GL, vốn đã chật chội các cầu thủ từ Học viện HAGL Arsenal JMG là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đồng Triều, Văn Sơn, Thanh Tùng, Hồng Duy, Đức Lương, Thanh Hậu, Văn Thanh… giờ lại thêm những sự lựa chọn chất lượng từ lớp Năng khiếu HA.GL: Việt Hưng, Thành Long, Thành Đồng, Ngọc Quang, Ngọc Tín, Minh Vương, Trung Hiếu, A Sân…

Phía HAGL khẳng định, sắp tới sẽ “thử việc” với rất nhiều cầu thủ từ chính Học viện HA.GL - Arsenal JMG và lớp Năng khiếu HAGL. Nếu ai không đủ trình độ và không còn muốn gắn bó với bóng đá, thì đội bóng phố Núi có thể giải phóng hợp đồng, tạo điều kiện đi học đại học, hoặc làm công việc khác.

Rõ ràng, tới đây sẽ có một cuộc chiến cho những cầu thủ từng được xem là “gà nòi” của bầu Đức. Trong trường hợp không còn trụ lại với bóng đá, thì họ còn có một cơ hội để tìm kiếm một công việc mới, đó là điều không phải ai cũng cũng may mắn có được.

Nguồn: Bóng đá+
Bình luận
vtcnews.vn