Góa phụ ve chai và 3 người con bị tâm thần: 'Bao năm qua, có biết Tết là gì đâu'

Thời sựThứ Ba, 31/01/2017 07:41:00 +07:00

Chưa một lần họ biết Tết là gì, bà Thuân cùng 3 người con đang sống trong những ngày tàn tạ của kiếp người ở Hải Phòng.

Tháng 6/2015, VTC News đã từng đăng bài viết “Nghiệt ngã cảnh đời người góa phụ ve chai và 3 đứa con tâm thần” nói về gia cảnh bà Nguyễn Thị Thuân (62 tuổi), thân mang trọng bệnh, ngày ngày vẫn phải đi nhặt ve chai về nuôi những đứa con tâm thần giam lỏng trong song sắt ở Tổ 4, phường Văn Đẩu (Kiến An, Hải Phòng).

IMG_1452

Anh Vũ Đức Cường (SN1983) bị 'giảm lỏng' sau song sắt 

Buổi chiều một ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, trong cái lạnh tê tái đặc trưng mùa đông Bắc bộ, PV VTC News quay trở lại ngôi nhà nơi bà Nguyễn Thị Thuân - Người góa phụ suốt bao năm qua vẫn gồng mình, vượt lên trên những đau đớn vì bệnh tật của bản thân mình, vượt lên cả những đau đớn về tinh thần ngày ngày thức khuya, dậy sớm lượm ve chai để nuôi dưỡng, chăm sóc đến 3 đứa con mắc bệnh tâm thần.

Ngôi nhà ấy vẫn lạnh lẽo, đơn sơ và có phần u ám bởi hình ảnh 2 người thanh niên trong trạng thái  ‘mình trần như nhộng’ đang cuộn tròn trong chiếc chăn đơn phía sau song sắt; người con thứ 3 không đến mức phải ‘giam lỏng’ nhưng cũng có biểu hiện ‘ngây ngây’ đang có triệu chứng giống như 2 người anh.

IMG_1448

 Người con thứ hai của bà Thuân luôn trong tư thế ngồi gập người, cuộn tròn quanh mình chiếc chăn dưới nền nhà lạnh lẽo

Thắp nén hương cho người chồng đã mất, bà Thuân rưng rưng nước mắt, không giấu nổi sự ám ảnh bởi bệnh tình của 3 người con trai. Anh con trai lớn Vũ Đức Cường (SN1983), đêm mùa đông nào cũng vậy, ‘mình trần như nhộng’ gào thét, la hét, chửi bới hết đêm. Anh Cường cũng không thể tự chủ vệ sinh cá nhân nên “căn phòng” anh ở lúc nào cũng sặc mùi xú uế.  

Mặc cái lạnh thấu xương của những ngày rét đậm, anh Cường vẫn giữ thói quen cuốn tròn trong chiếc chăn và nằm dưới nền nhà khiến bà phải thay chăn liên tục, hai ngày thay một lần. Tiếng kêu la của anh Cường khiến bà luôn trong tình trạng mất ngủ.

“Có đêm nó không kêu thì còn ngủ được, chứ phải hôm nó kêu là suốt đêm tôi lại thức trắng luôn, rồi ban ngày vẫn phải gắng gượng đi nhặt ve chai kiếm thêm từng đồng nuôi con vậy thôi chứ biết làm sao”, bà Thuân ngậm ngùi.

Người con thứ hai Vũ Đức Dũng (SN 1985) thì lại mắc phải triệu chứng “dở hơi” khác, mùa đông thì đập chân xuống nền nhà đến tóe cả máu chân; mùa hè ngồi kỳ má đến toé máu mặt.

Người con út Vũ Đức Hải (SN 1990), mấy năm trở lại đây bệnh tình thêm nặng, tuy không phải nhốt trong “cũi” như 2 người anh nhưng có lúc phát bệnh là đập phá đồ đạc và chửi bới mẹ mình. “Nó lên cơn nó chửi tôi mà tôi vẫn phải xin lỗi nó thì nó mới để tôi yên không nó sẽ chửi tôi suốt đêm”, bà Thuân kể.

IMG_1438

 Mỗi khi Tết đến xuân về, người mẹ già lại nước mắt lưng chòng khi nghĩ đến thân phận mình cũng 3 đứa con trai bệnh tật

Khi PV VTC News hỏi về những cái Tết đã qua cũng như Tết Đinh Dậu sắp tới, bà Thuân ứa nước mắt, nghẹn ngào chia sẻ: “Bao năm qua mẹ con tôi có biết Tết là gì đâu, 3 đứa con mắc bệnh, ngày cũng như đêm, ngày nào chẳng như vậy. Ngoài hơn 1 triệu tiền trợ cấp, thân tôi thui thủi một mình đi nhặt ve chai kiếm tiền nuôi con, làm gì có tiền mà mua sắm Tết nhất chứ”.

Video:  Cảnh đời bất hạnh của những người đón tết sau "song sắt" ở Hải Phòng

 

Bà Thuân cho biết, hàng năm vào dịp Tết nguyên đán, chính quyền, đoàn thể địa phương và một số nhà hảo tâm đến thăm hỏi, tặng quà nên cũng có đồng tiền mua thêm chút đồ ăn cho con gọi là có Tết chứ thực ra bà có biết sắm Tết là gì.

“Sống ngày nào thì biết ngày đấy thôi chứ biết làm sao. Nhiều lúc chán chả muốn sống nữa nhưng khi nghĩ đến con bị thế thì càng phải thương con và gắng gượng sống để chăm sóc chúng nó chứ biết làm sao. Có nhiều hôm tôi phải nhịn ăn để dành thức ăn cho con”, bà Thuân rưng rưng nói.

Lấy mấy hộp sữa trong nhà rồi dẫn PV ra 'căn phòng' đang 'giam lỏng' những đứa con tâm thần sau song sắt đưa cho họ uống tạm, bà Thuân lại thui thủi một mình vào bếp nấu ăn bữa tối cho 4 mẹ con. Ngoài cơm, rau thì cũng chẳng gì hơn thế bởi hơn 1 triệu tiền trợ cấp với gần 30.000đ/ngày đi nhặt ve chai thì lấy đâu ra tiền để mua thịt, mua cá nuôi con.

Ra về khi thành phố đã lên đèn, ngoái lại nhìn người góa phụ già lầm lũi trong căn nhà lạnh lẽo, trống trải và những người con trai sau song sắt, chúng tôi không khỏi chạnh lòng thương xót và cầu mong có phép màu xuất hiện, cứu vớt lấy những mảnh đời bất hạnh như mẹ con bà Thuân để một ngày không xa, họ được sống đúng nghĩa với một kiếp người bình dị.

Khi mỗi độ Tết đến Xuân về, dù giàu hay nghèo thì chí ít họ cũng có cái cảm giác hồi hộp đợi chờ phút Giao thừa đón chào năm mới như bao người dân đất Việt thay vì quãng đời còn lại, họ sẽ tiếp tục chưa một lần biết Tết là gì!.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn