Giúp trẻ hiểu thêm về Tết truyền thống

Tổng hợpThứ Ba, 24/01/2012 02:39:00 +07:00

Ngày nay trẻ em sinh ra và lớn lên ở thành phố thường không có cơ hội tham gia Tết truyền thống.

Với người Việt Nam, Tết cổ truyền là một phần không thể thiếu trong đời sống tình cảm của mỗi người. Ngày nay trẻ em sinh ra và lớn lên ở thành phố thường không có cơ hội tham gia Tết truyền thống và hầu như không biết ông bà ta tổ chức một cái Tết như thế nào.

Giúp trẻ hiểu thêm về Tết truyền thống

 

Cuộc sống hiện đại đầy đủ mọi mặt về vật chất và tinh thần, quá nhiều ngày lễ của phương Tây du nhập vào Việt Nam đã khiến nhiều ngày lễ truyền thống không còn mang nhiều giá trị như xưa nữa. Trước đây, Tết là thời gian mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm làm việc vất vả; trẻ em thì được sắm sửa quần áo mới, vì vậy mà Tết có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của mọi người. Trẻ em sống ở thành phố có rất ít cơ hội được tiếp xúc với những nghi lễ truyền thống quan trọng của ông cha, trẻ không mấy quan tâm tới những ngày vốn được coi là trọng đại của dân tộc mình. Mặt khác, trẻ em hiện nay có xu hướng thích những ngày lễ của phương Tây như: Noel, Halloween… chứ không còn mặn mà với các ngày lễ truyền thống nữa.

Để trẻ được tham gia trực tiếp

Một số người lớn cho rằng trẻ em thì không cần tham gia vào các ngày lễ truyền thống vì lý do: “Còn nhỏ chưa cần thiết”. Một số cha mẹ khác chỉ kể cho trẻ nghe rằng ở quê ăn tết như thế này, gói bánh thế kia… thì trẻ có tưởng tượng đến đâu thì những câu chuyện đó cũng chỉ như là chuyện cổ tích xa vời. Vì vậy, nếu có điều kiện, cha mẹ cần cố gắng sắp xếp thời gian cho trẻ cùng về quê nội, ngoại để cho trẻ được tham gia hoặc tận mắt quan sát các hoạt động tổ chức, chuẩn bị ăn Tết như thế nào. Khi trẻ được trực tiếp tham gia vào các hoạt động như gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt,… với các thành viên trong gia đình thì ngoài việc giúp trẻ hòa nhập với anh em, họ hàng còn giúp trẻ hiểu thêm về truyền thống của gia đình Việt.

Cho trẻ tham gia thường xuyên

Năm nào cha mẹ cũng đưa con về quê ông bà ăn Tết không những giúp trẻ hình thành thói quen ăn Tết truyền thống mà còn tạo cho trẻ mối quan hệ tốt với những người thân trong gia đình, dòng họ. Tết là một dịp vô cùng quan trọng để con cháu tỏ lòng thành kính của mình đối với ông bà, tổ tiên. Thường xuyên cho trẻ tham gia đón Tết truyền thống kết hợp với việc nói cho trẻ biết rõ nguồn gốc cội của mình, tổ tiên mình là ai, làm gì,… dù trẻ không nhớ rõ ngày tháng nhưng khi được người lớn nhắc lại nhiều lần sẽ tự hiểu được tầm quan trọng của các ngày lễ truyền thống.

Dạy trẻ biết tôn trọng gia đình

Khi trẻ ít được tiếp xúc hoặc không tiếp xúc với bà con họ hàng thì trẻ sẽ không thể nào biết được giá trị của truyền thống gia đình mình. Nếu ngày mồng 1 Tết, các bậc cha mẹ nên dẫn trẻ được đi chào hỏi từng người, bắt đầu từ người có thứ bậc cao nhất tới các thành viên khác trong dòng họ. Đồng thời bố mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu vì sao phải làm thế, và phải xưng hô với từng người ra sao cho đúng. Ngoài ra, người lớn thường xuyên hỏi han trẻ sẽ khiến trẻ thích giao tiếp và vui vẻ hơn vì được là trung tâm đối với người lớn chứ không đơn thuần chỉ đi theo cha mẹ. Việc làm này tuy nhỏ nhưng sẽ khiến trẻ muốn trở lại thăm người trẻ vừa gặp gỡ, tiếp xúc.

Để trẻ lưu giữ được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì cha mẹ cần hường dẫn cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Muốn trẻ yêu truyền thống gia đình thì trước hết cha mẹ phải là người biết quý trọng những truyền thống đó thì trẻ mới có một nền móng ban đầu để noi theo. Tạo dựng một thói quen duy trì và quý trọng truyền thống gia đình cần có nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Nếu cha mẹ có thái độ nghiêm túc trong vấn đề này thì chắc chắn sẽ tạo cho trẻ được một ký ức đẹp về truyền thống gia đình.

Theo Marry


Bình luận
vtcnews.vn