Giữa mùa COVID-19, nhiều doanh nghiệp phân bón vẫn lãi tưng bừng

Tài chínhThứ Ba, 03/08/2021 06:35:37 +07:00
(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp phân bón kinh doanh khởi sắc, doanh thu và lợi nhuận đạt hàng nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nhóm cổ phiếu ngành này cũng liên tục bứt phá, xác lập vùng giá mới và dự báo tiếp tục đà tăng trong thời gian tới nhờ triển vọng tích cực.

Bùng nổ doanh thu lợi nhuận

Là một trong những gương mặt nổi trội trong ngành phân bón, chỉ riêng quý II, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (mã BFC) báo doanh thu 2.335 tỷ đồng, tăng 41%. Nhờ các khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý giảm lần lượt 31% và 11% mà lợi nhuận trước thuế đạt 101 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Giữa mùa COVID-19, nhiều doanh nghiệp phân bón vẫn lãi tưng bừng - 1

Dây chuyền sản xuất của Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu Phân bón Bình Điền tăng 61% đạt 4.102 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 113 tỷ đồng, tăng 89%. Hiện BFC đã thực hiện được 72% chỉ tiêu doanh thu và vượt 12% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2021.

Về lưu chuyển tiền vốn, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu phân bón Đầu Trâu có dòng tiền hoạt động kinh doanh dương 52,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 26 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh khởi sắc cũng khiến Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất với lãi trước thuế 466 tỷ đồng và lãi ròng 429 tỷ đồng sau nửa đầu năm, tăng lần lượt 22% và 20% so cùng kỳ.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, DCM đem về 4.436 tỷ đồng doanh thu, tăng 31%. Trong đó, doanh thu bán u rê chiếm 3.312 tỷ đồng, doanh thu phân bón và bao bì chiếm 647 tỷ đồng, doanh thu bán phế phẩm và sản phẩm khác chiếm 477 tỷ đồng... Lãi gộp trong kỳ đạt 784 tỷ đồng, tăng 27%.

Riêng trong quý vừa qua, DCM ghi nhận doanh thu thuần 2.364 tỷ đồng và lãi ròng 282 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 6% so cùng kỳ.

Trong khi đó, dù gặp nhiều khó khăn song Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS) cho biết doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu trong quý II của LAS đạt 846 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt gần 113 tỷ đồng, tăng gần 12%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, LAS đạt doanh thu thuần 1.376 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 53 tỷ đồng, khả quan hơn rất nhiều khoản lỗ 10,8 tỷ đồng trong nửa đầu 2020.

Được biết, năm nay, LAS lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 2.719 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 36 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đã hoàn thành 59% chỉ tiêu doanh thu và vượt 86% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Bức tranh kinh doanh khởi sắc ngành phân bón còn có tên của DAP Vinachem. Theo báo cáo, quý II DAP đạt doanh thu 738 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước; lãi gộp đạt 95 tỷ đồng, gấp 5,6 lần cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cải thiện mạnh từ 6,3% lên 12,9%.

Doanh nghiệp cho biết sản lượng DAP tiêu thụ trong quý II đạt 70.777 tấn, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Giá bán bình quân (đã trừ chiết khấu) là hơn 10,2 triệu đồng/tấn, tăng 23%.

Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp phân DAP ghi nhận doanh thu 1.370 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 90 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 34 tỷ cùng kỳ năm trước. Hiện DAP Vinachem đã vượt 32% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) mới đây cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và nửa đầu năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận đồng loạt tăng mạnh.

Cụ thể, quý 2, doanh thu thuần DPM đạt 2.931 tỷ đồng, tăng 34%, chi phí giá vốn lại tăng ít hơn doanh thu, chỉ gần 24%% nên dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ thu về hơn 940 tỷ đồng, vọt tăng gần 65% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 32%.

Lợi nhuận sau thuế trong quý II của DPM ghi nhận đạt hơn 693 tỷ đồng, gấp 2,2 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt hơn 684 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DPM đạt doanh thu thuần 4.876 tỷ đồng tăng 26%; lãi ròng 872 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2020. Dù mới quá nửa năm song DPM đã thực hiện 59% mục tiêu doanh thu song đã vượt gần 140% kỳ vọng lãi cả năm.

Cổ phiếu bứt phá

Trên thị trường, giá cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), DAP Vinachem (DDV), Phân bón Bình Điền (BFC), Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) tăng trưởng tốt nhờ sự cải thiện đến từ doanh thu lẫn biên lợi nhuận so với cùng kỳ.

Theo đó, chốt phiên giao dịch hôm nay 2/8, cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ đứng mức 26.600 đồng tăng 4,11% so hôm qua. Tính từ đầu năm, mã DPM tăng tới 41,49%, tức mỗi cổ phiếu thêm 7.800 đồng. Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng.

Mã DCM của Đạm Cà Mau chốt phiên hôm nay tiếp tục tăng 1,98% lên 20.600 đồng/cổ phiếu. Dữ liệu tổng hợp từ đầu năm cho thấy mã này tăng 47,1% tương ứng mỗi cổ phiếu thêm 6.600 đồng.

Trong ngày thị trường kém khởi sắc, cổ phiếu BFC của Phân bón Bình Điền hôm nay vẫn tăng vượt trần 6,93%, chốt phiên lên 30.100 đồng/cổ phiếu. Trải qua 143 ngày giao dịch từ đầu năm, cổ phiếu BFC tăng 72,5%, giúp mỗi cổ phiếu có thêm 12.650 đồng.

Tương tự, mã LAS hôm nay tăng 6,1% và chốt phiên tại mức 15.500 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm, mã này đạt mức tăng trưởng khá tốt 91,3%, tương ứng mỗi cổ phiếu thêm 7.400 đồng.

Nguyên nhân tăng "bốc đầu" giữa đại dịch

Theo giới phân tích, sự gián đoạn sản xuất do dịch COVID-19 gây ra đã khiến giá gạo tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021. Việc giá lúa tăng cao thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong khi nguồn cung phân bón từ các thị trường nhập khẩu truyền thống giảm do đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá phân bón tăng. Hiệu ứng kép giá tăng và sản lượng tiêu thụ tăng đã thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phân bón.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 dự kiến đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Nhờ đó, giá phân bón nội địa năm 2021 kỳ vọng sẽ tăng nhẹ theo giá thế giới trong 6 tháng còn lại.

Nhóm chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cũng nhận định, với triển vọng khả quan trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa đều sẽ được hưởng lợi. Tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, lợi nhuận sẽ giúp cổ phiếu doanh nghiệp ngành này tiếp tục khởi sắc.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp